01/12/2024 lúc 05:53 (GMT+7)
Breaking News

Cần đầu tư và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để nền khoa học không “chảy máu chất xám”

Một trong những thách thức đặt ra đối với nước ta là nhân lực và nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) còn hạn chế. Phát triển bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực KH&CN cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt, huy động được sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước vào nghiên cứu KH&CN. Vì vậy, cần đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để không “chảy máu chất xám”.

Một trong những thách thức đặt ra đối với nước ta là nhân lực và nguồn lực đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN) còn hạn chế. Phát triển bất cứ lĩnh vực nào, đặc biệt với lĩnh vực KH&CN cần có nhân lực tốt và đầu tư tốt, huy động được sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước vào nghiên cứu KH&CN. Vì vậy, cần đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại và có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để không “chảy máu chất xám”.

Liên hiệp Hội Việt Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ kí kết chương trình hợp tác giai đoàn 2021 -2030 (Tháng 5/2021)

Đầu tư để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo thống kê, nguồn nhân lực KH&CN thời gian qua phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu (đạt 7 người/vạn dân); trong đó, nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Đội ngũ nhân lực tăng nhanh là nhân tố quan trọng giúp hoạt động KH&CN đóng góp đáng kể trong việc cải thiện chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc đầu tư cho KH&CN những năm qua cũng có bước tiến vượt bậc. Cách đây khoảng 10 năm, đầu tư cho KH&CN từ Nhà nước chiếm tới 80%, đầu tư từ xã hội chỉ 20% tổng mức đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện đầu tư từ xã hội đã có bước tiến vượt bậc, đạt tỷ lệ trên 50%. Để cạnh tranh được trong bối cảnh các công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, nguồn nhân lực phải đáp ứng yêu cầu và tiêu chuẩn rất cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhưng nguồn nhân lực của nước ta theo các chuyên gia đánh giá vẫn còn một khoảng cách không nhỏ với đòi hỏi của thực tiễn. Do đó, việc đầu tư chiều sâu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực bậc cao ở những lĩnh vực then chốt và lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh cần được quan tâm nhiều hơn.

Tại Hội nghị của Liên đoàn các tổ chức kỹ sư ASEAN, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, hơn lúc nào hết, các nước ASEAN cần nâng cao năng lực ứng phó với các nguy cơ, rủi ro mới thông qua việc củng cố hạ tầng kỹ thuật, củng cố các lực lượng chuyên môn, đặc biệt là sự sẵn sàng và các kỹ năng tham gia của mọi người dân. Trong đó, vai trò của các kỹ sư, kỹ thuật viên là rất quan trọng, không chỉ chuyên môn mà cả ý thức, trách nhiệm và hành động vì cộng đồng. Vì vậy, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi nhất để khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực. Đây cũng chính là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững trong tương lai.

Các chuyên gia kiến nghị, cần rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật và quá trình triển khai thực hiện, qua đó nhận diện những điểm nghẽn để tháo gỡ kịp thời, tạo động lực cho mọi thành phần xã hội đầu tư vào KH&CN. Việc xây dựng môi trường pháp lý, các chính sách cụ thể để nguồn nhân lực phát huy năng lực của mình có vai trò rất quan trọng. Những nội dung trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần được cụ thể hóa thành chính sách, quy phạm pháp luật.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam

Song song với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có cơ sở vật chất hạ tầng hiện đại để các nhà khoa học có môi trường làm việc thuận lợi, phát huy tối đa kiến thức của mình. Để làm được điều đó, việc thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam rất quan trọng. TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết, như: EVFTA, RCEP... với những cam kết chưa từng có về quyền người lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đấu thầu và mua sắm công, bảo vệ sở hữu trí tuệ... là cơ hội cho Việt Nam trong việc học hỏi, hợp tác và chuyển giao công nghệ".

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và Việt Nam, thị trường KH&CN phát triển chậm, nguồn cung công nghệ của thị trường còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc nghiên cứu, tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và đổi mới công nghệ. Năm 2021, Bộ KH&CN sẽ định hướng nhập khẩu công nghệ, chủ động thúc đẩy nghiên cứu, đón bắt thời cơ dịch chuyển đầu tư, dịch chuyển công nghệ từ các nước sang Việt Nam do tác động của các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia và ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra. Cùng với đó, Bộ KH&CN sẽ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng đơn giản hóa yêu cầu, thủ tục nhằm phục vụ hoạt động thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Việt Nam cần phải cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư KH&CN phát triển, đặc biệt việc chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng.

Tiếp tục đổi mới tư duy, hoàn thiện cơ chế, chính sách

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó nhấn mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh KH&CN, đổi mới sáng tạo. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có giá trị gia tăng cao.

Để tạo môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết: Thời gian tới, ngành KH&CN sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế đầu tư tài chính cho KH&CN trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên chỉ số đo lường kết quả, hiệu quả đầu ra. Linh hoạt và đơn giản hóa thủ tục tuyển chọn nhiệm vụ KH&CN, thanh quyết toán tài chính theo thông lệ quốc tế, giảm tối đa các gánh nặng hành chính cho các nhà khoa học. Mạnh dạn giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì để thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN và có cơ chế kinh tế, tài chính khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia mạnh hơn vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cải thiện hạ tầng KH&CN, tăng cường trang thiết bị nghiên cứu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm chuyên ngành; kiên trì đầu tư tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN. Kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến và tự chủ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội phát triển nghề nghiệp thuận lợi cho nhà khoa học. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nối, thu hút hiệu quả lực lượng khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài. Trọng dụng, đãi ngộ người tài kết hợp đòi hỏi về tính liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu.