VNHN-“Không gian văn hóa sáng tạo” là gì, khi mà khái niệm này liên tục được nhắc tới trong thời gian từ cuối năm ngoái đến nay sau các cuộc hội thảo của thành phố Hà Nội; Hội đồng Anh và Bộ VH,TT&DL...
Hiểu một cách đơn giản, không gian sáng tạo là nơi mọi người tới để học tập, vui chơi, từ đó có nguồn năng lượng dồi dào để làm việc, sáng tạo một cách hiệu quả. Đó có thể là một quán cà phê, phòng tranh, sân khấu ca nhạc, thư viện, studio... hoặc cũng có thể là một khu phức hợp đa chức năng, thường xuyên tổ chức các hoạt động như sản xuất, bán sản phẩm về chất xám, tổ chức sự kiện để thúc đẩy sáng tạo.
Nhiều tiềm năng
Cuộc hội thảo Vai trò của các không gian văn hóa sáng tạo trong nền kinh tế sáng tạo Việt Nam của Hội đồng Anh và Bộ VH, TT&DL đưa ra một thống kê:toàn quốc hiện có khoảng 140 không gian văn hóa sáng tạo, tập trung chủ yếu ở Hà Nội,TP.HCM và đến Đà Nẵng. Ngoài ra, tại một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Huế, Hòa Bình, Gia Lai, Buôn Ma Thuột..., vấn đề này cũng đang được chú ý, dù chưa triển khai nhiều trên thực tế.
Về tính chất, các không gian văn hóa sáng tạo (KGVHST)ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng… tập trung vào nghệ thuật đương đại và các dịch vụ thời thượng như không gian làm việc chung, vườn ươm doanh nghiệp, công nghệ thông tin và lĩnh vực công nghệ…. Trong khi đó, các không gian ở Hòa Bình, Gia Lai, Buôn Ma Thuột chú trọng hơn đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc bản địa, duy trì sức sống của ăn hóa trong cộng đồng cũng như khai thác yếu tố văn hóa để phát triển du lịch…
Phố sách Hà Nội – một không gian văn hóa sáng tạo điển hình
Tốc độ đô thị hóa cùng sự bùng nổ của thành phần dân số trẻ là lý do dẫn tới sự phát triển của những KGVHST này tại những khu vực đô thị hóa cao nhất cả nước như đã kể trên.Và theo các báo cáo, dù là một khái niệm mới, nền kinh tế sáng tạo - điều mà các KGVHST hướng tới - đã có những đóng góp cho nền kinh tế chung khi mang lại việc làm cho 3,8 triệu người.
Và nếu nhìn rộng hơn, các KSVHST này mang lại những hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn. Về ngắn hạn, sự xuất hiện với mật độ cao của chúng đã từng bước làm thay đổi diện mạo của một thành phố (như Đà Nẵng), một không gian cũ (như phố sách Hà Nội) hay hình thành cả một cộng đồng trực tuyến (như trường hợp website về nghệ thuật đương đại Hanoi Grapevine). Về dài hạn, KGVHST có thể có thể nâng cao văn hóa đọc của xã hội nói chung (các đường sách, phố sách), xây dựng một thế hệ nghệ sỹ mới chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp (như trung tâm điện ảnh TPD hoặc không gian đào tạo nghệ thuật Tý Toáy)...
Tuy vậy, dù là một không gian có thật, hay là một không gian ảo (trực tuyến), KGVHST đều hoạt động độc lập, thường được các nghệ sỹ hoặc người thực hành nghệ thuật quản lý. Có quy mô khác nhau, thường thiên về hoạt động nhỏ lẻ, chính sự thiếu kết nối và phối hợp giữa các KGVHST đã làm hạn chế khá nhiều tiềm năng của mô hình này.
Nhưng cần “đánh thức”
Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, bà Hoàng Thị Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho biết: “Báo cáo Chính phủ vừa qua dù không nói đến KGVHST nhưng đã nhấn mạnh đến đời sống văn hóa cơ sở, trong đó có xây dựng các thiết chế văn hóa như nhà hát, thư viện, bảo tàng, các khu vui chơi giải trí, có các khu phố, làng, bản văn hóa”.
Tuy nhiên, theo bà Hoa, Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã chỉ ra rất nhiều những thiếu sót về vấn đề này - trong đó có việc chúng ta đã xây dựng những không gian văn hóa rất tốt nhưng sử dụng lại chưa tốt.
“Trước đây ta quan tâm đến việc xây dựng các thiết chế văn hóa thì nay ta rất cần phải quan tâm đến hoạt động của nó. Ở đó phải có các hoạt động để tạo điều kiện cho mọi ngưởi giao lưu, tiếp xúc với nhau, trao đổi, từ đó xuất hiện những ý tưởng, những sáng tạo mới” – bà Hoa nhận xét. Từ đó, theo bà, công tác truyền thông và hướng dẫn cần được tăng cường để tăng hoạt động cho những thiết chế văn hóa này.
Nói thêm về những khó khăn của KGVHST, nhiều chuyên gia cũng nhắc tới những trở ngại khác như nguồn lực hạn chế hay thiếu kỹ năng quản lý. Đặc biệt, vì còn mới mẻ tại Việt Nam nên mô hình vẫn chưa có tư cách pháp nhân phù hợp, các chủ quản lý vẫn phải đăng kí theo mô hình công ty hoặc hộ kinh doanh, đồng thời tự quảng bá về khái niệm “sáng tạo” của mình tới cộng đồng.
Những khó khăn ấy rất cần sự khắc phục từ Nhà nước và doanh nhiệp. Bởi, như nhận xét của Đại sứ Anh tại Việt Nam - ông Gareth Ward, ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam vẫn chỉ ở sự khởi đầu, nhưng sẽ có rất nhiều tiềm năng trong tương lai nếu được “đánh thức” bởi những giải pháp phù hợp.
Phạm Huy