17/11/2024 lúc 10:04 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp biến văn hóa trong bối cảnh hội nhập

VNHN-Tiếp biến văn hóa là kết quả mang tính tất yếu khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập của hầu hết các nước trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực “được rất nhiều” là những mặt trái, “mất không ít”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao bản lĩnh và “bộ lọc”, nhằm phát huy tốt nhất sự bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy, tiêu cực.

VNHN-Tiếp biến văn hóa là kết quả mang tính tất yếu khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập của hầu hết các nước trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật. Trong quá trình đó, như một lẽ tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực “được rất nhiều” là những mặt trái, “mất không ít”. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao bản lĩnh và “bộ lọc”, nhằm phát huy tốt nhất sự bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy, tiêu cực.

TIẾP BIẾN ĐA TUYẾN, ĐA CHIỀU, BẰNG NHIỀU KÊNH

Hội nhập ở Việt Nam đã thúc đẩy và tạo ra những tiền đề vô cùng mạnh và rộng để văn hóa Việt Nam hội nhập với khu vực và thế giới. 

Những thay đổi mạnh mẽ về tư duy. Có lẽ chưa bao giờ trong nhận thức xã hội, các quan niệm, khái niệm về tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ, phát triển con người, phát triển bền vững, tự do văn hóa, báo chí, sáng tác… lại được bàn luận trên nhiều diễn đàn với các quy mô khác nhau như hiện nay. Điều này không chỉ có tác dụng đánh thức tư duy, nhận thức mới về sứ mệnh của văn hóa mà còn khắc phục được sự phiến diện, thiên lệch hoặc tầm nhìn hạn hẹp khi xác định vai trò của văn hóa trong phát triển. Từ năm 1998, với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ nền tảng này, văn hóa còn được xác định là một trong bốn trụ cột của phát triển bền vững, có vị trí ngang với kinh tế, chính trị và xã hội. Từ đây, văn hóa không chỉ có chức năng nhận thức, giáo dục, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người mà còn là nguồn lực nội sinh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Những đổi mới trên phương diện quản lý văn hóa. Song song với việc xác định được mô hình phát triển của nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những đổi mới mạnh mẽ trên phương diện quản lý văn hóa đã tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa; tham gia tích cực vào việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước, tăng trưởng GDP địa phương và thúc đẩy phát triển du lịch

Những động lực mới để văn hóa phát triển đa dạng. Quá trình đổi mới, hội nhập và tiếp biến văn hóa trên nhiều khía cạnh đã tạo ra những động lực mới để văn hóa phát triển đa dạng, phong phú; xuất hiện nhiều loại hình, trong đó có cả những thiết chế văn hóa mới. Các sản phẩm văn hóa không chỉ góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, cởi mở hơn, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tự chủ mà còn phát huy tính tích cực xã hội của con người, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Sản phẩm văn hóa tăng đáng kể về số lượng, có dấu hiệu tích cực về chất lượng, đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật… Văn học, nghệ thuật đã tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, phản ánh mọi lĩnh vực đời sống, đang nỗ lực đổi mới tư duy sáng tạo, tìm tòi phương thức mới để nâng cao năng lực khám phá cuộc sống. Hệ thống thông tin đại chúng có bước phát triển mạnh về loại hình, chất lượng, tính hiện đại, trực tiếp, nhanh nhạy chuyển tải, truyền bá văn hóa đến với công chúng ngày càng rộng hơn, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành tư duy phản biện xã hội trên phương tiện thông tin đại chúng… 


Thành tựu trong đối ngoại văn hóa. Bằng cách tích cực và chủ động mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa, đường hướng “phát triển văn hóa đối ngoại” đã trở thành phương châm chính trong chiến lược đối ngoại của các ngành quản lý văn hóa, du lịch, ngoại giao. Kết quả đem lại là hàng loạt các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Việt Nam đã đến được với bạn bè quốc tế, đem lại sự ngạc nhiên thán phục của thế giới về tính độc đáo, đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Hàng loạt các di sản văn hóa Việt Nam đã được ghi danh, xếp hạng là di sản văn hóa của nhân loại như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Quan họ (Bắc Ninh), Ca trù, Nhã nhạc cung đình Huế… và gần đây nhất là “thực hành tín ngưỡng Tam phủ”…

Việc ra đời pháp lệnh, luật tín ngưỡng tôn giáo đã không chỉ thừa nhận tôn giáo như là những thực thể xã hội, mà còn tạo ra những hành lang pháp lý để các tôn giáo tích cực tham gia vào phát triển xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, củng cố đoàn kết xã hội và trở thành một nguồn lực quan trọng tham gia vào hệ thống dịch vụ công và an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, tiếp biến văn hóa còn mở ra những kênh trao đổi học thuật với nhiều quốc gia văn minh trên thế giới, qua các phương thức khác nhau từ du học sinh đến trao đổi học giả… Trong lối sống và phong cách sống (theo nghĩa hẹp thể hiện từ ăn, mặc, ở đến đi lại, ứng xử…), tiếp biến văn hóa của Việt Nam với thế giới đã đem lại những thành tựu rực rỡ. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế là hàng loạt các thay đổi trên các phương diện thụ hưởng cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và thay đổi ứng xử liên quan đến bình đẳng giới… 

MẶT TRÁI CỦA TIẾP BIẾN VĂN HÓA VÀ HƯỚNG KHẮC PHỤC

Bên cạnh những thành quả to lớn mang lại về kinh tế, văn hóa, xã hội, quá trình hội nhập nhanh và rộng của Việt Nam trong hơn 30 năm qua cũng dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ cho văn hóa, xã hội mà cả kinh tế, môi trường và con người ở Việt Nam. Đó là sự hình thành ngành công nghiệp văn hóa, thị trường sản phẩm văn hóa mà chưa có mô hình quản lý thích hợp, theo kịp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị hiếu thẩm mỹ Á Đông, nhất là sự khủng hoảng về đạo đức và lối sống.

Có thể thấy, bên cạnh việc hình thành tư duy sống chất lượng, lối sống ích kỷ, vụ lợi cá nhân cũng bắt đầu hình thành và ngày càng xâm nhập vào nhiều tầng lớp trong xã hội. Lối sống thiên về hưởng thụ, sống gấp đang huỷ hoại dần nhân cách của nhiều người dẫn đến nhiều giá trị truyền thống dần trở nên mai một. Trong khi đó, khủng hoảng niềm tin cũng đang là một trở ngại lớn đối với việc thiết lập các quan hệ xã hội và thực hiện các mục tiêu kinh tế, chính trị. Điều tra giá trị châu Á năm 2008 của Viện Nghiên cứu con người cho biết: có tới 58,5% người Việt Nam cho rằng không thể tin vào bất kỳ ai mới tiếp xúc. Bệnh “ngợp bởi vật chất” cũng khiến không ít người, nhất là giới trẻ hiện nay thiên lệch về nhu cầu vật chất, thể hiện xu hướng thái quá hơn trên mọi khía cạnh. Những “trào lưu”, “thị hiếu”, “thời thượng” chế ngự không ít những cá nhân đang tìm đủ cách kiếm tiền, sống gấp... 

Tệ xâm hại tình dục, ngược đãi trẻ em, hành vi lệch chuẩn của học sinh, sinh viên có xu hướng gia tăng; bạo lực học đường phổ biến ở cả những học sinh nữ; một bộ phận thầy, cô giáo suy giảm nhân cách, đạo đức làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nghề giáo… làm gia tăng sự khủng hoảng niềm tin trong xã hội.


Trong khi đó, tình trạng khủng hoảng giá trị giữa cũ và mới đã và đang phá vỡ nhiều hình thức và nội dung trong lối sống truyền thống Việt Nam. Khi khuếch trương mặt tích cực của tiêu dùng thì quan niệm tiêu dùng đã chuyển thành quan niệm tiêu thụ thuần túy. Khi tiêu dùng trở thành mục đích sống thì chất lượng của đời sống là tiêu thụ - hưởng thụ!. Tư tưởng tiêu dùng đã biến cả nghệ thuật thành hàng hoá đơn thuần; giáo dục thành quan hệ đổi chác, mua bán; sinh hoạt tâm linh vốn thiêng liêng nhiều khi cũng trở thành nơi thu lợi nhuận. Từ lối sống tiêu thụ dẫn đến phân biệt giàu - nghèo qua cách “chơi trội”, với ý thức đề cao tiện nghi. Lối sống lạnh lùng kiểu “tiền trao cháo múc” của xã hội tư sản tràn vào xã hội Việt Nam dẫn đến tư tưởng xem thường thuần phong mỹ tục, thậm chí xem rẻ nhân phẩm con người. Tư tưởng tuyệt đối hoá điều kiện vật chất và kỹ thuật, lấy phương tiện sống làm thước đo sự phát triển con người và xã hội của không ít người đang làm sai lệch các giá trị đích thực và lý tưởng nhân văn cao đẹp mà ông cha ta đã hàng nghìn năm vun đắp. Cùng với đó, tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật, nhân cách kém và sự thiếu hụt, lệch lạc của giáo dục truyền thống cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới giới trẻ…

Tiếp biến văn hóa là một hình thức biến nhiều lợi ích tiềm năng mà giao lưu văn hóa đem lại thành những lợi ích thực tế, song cũng đưa đến những thách thức không nhỏ. Vì vậy, để tạo ra những sản phẩm văn hóa vượt gộp, làm nên những giá trị văn hóa sống mãi với thời gian và khống chế được những bất cập, mặt trái, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng về xây dựng và phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Trong đó, tiếp tục xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. 

Hai là, tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tích cực đấu tranh, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, phản động, đồi trụy; đồng thời, hạn chế hoặc gạt bỏ những hủ tục để tạo dựng đời sống tinh thần lành mạnh trong nhân dân. 

Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại; hỗ trợ quảng bá nghệ thuật quốc gia và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài. Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại và đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc với tinh thần chủ động để vừa đón nhận cơ hội phát triển vừa vượt qua các thách thức, nhằm giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời, hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa bảo đảm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Đồng thời, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Trong bối cảnh hội nhập đa chiều với thế giới hôm nay, bản lĩnh trong tiếp biến, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế những hệ lụy, mặt trái tới đâu sẽ tạo ra độ khúc xạ văn hóa tới đó. Bản lĩnh càng cao thì độ khúc xạ càng mạnh mẽ và khi ấy các thành tựu văn hóa ra đời và phát triển. 

TS. Nguyễn Ngọc Mai

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam