Bối cảnh đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua là một thách thức nhưng đồng thời cũng là một cơ hội tác động đến cải cách thủ tục hành chính của nước ta, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Khái quát chung
Cải cách hành chính (CCHC) ở Việt Nam được đặt ra ngay từ khi đổi mới đất nước, Đảng ta đã chỉ rõ sự cần thiết phải tiến hành CCHC, coi đây là một giải pháp quan trọng góp phần đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Từ thực tiễn hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, có thể khẳng định rằng, CCHC nhà nước luôn là một chủ trương nhất quán, thể hiện tầm nhìn của Đảng trong lãnh đạo tổ chức và hoạt động của Nhà nước, thông qua các biện pháp cụ thể ở từng giai đoạn phát triển của đất nước để cải cách, đổi mới nền hành chính nhà nước (HCNN) phù hợp với yêu cầu của quá trình phát triển.
Trong CCHC, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được đặc biệt quan tâm. TTHC được hiểu là một loại quy phạm pháp luật quy định trình tự, cách thức giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong mối quan hệ nội bộ hành chính và mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức và cá nhân công dân1. Như vậy, từ khái niệm có các vấn đề quan trọng cần lưu tâm khi tiếp cận đến hoạt động cải cách TTHC. Đó là: thứ nhất, TTHC là loại quy phạm pháp luật, là một bộ phận cấu thành của hệ thống quy phạm pháp luật. Do đó, cải cách TTHC cần phải xuất phát từ việc ban hành các quy phạm pháp luật TTHC mang tính khả thi, đồng bộ, phù hợp, thuận tiện, hiệu quả. Thứ hai, đó là vấn đề thẩm quyền giữa các cơ quan trong nội bộ hành chính, mối quan hệ phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình. Thứ ba, nói đến TTHC là nói đến trình tự, cách thức giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên sẽ rất đa dạng và phức tạp.
Về thực chất, cải cách TTHC là một quá trình nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống thủ tục hiện hành theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa, công khai hóa, tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết công việc giữa các cơ quan HCNN với tổ chức, công dân. TTHC không chỉ liên quan đến công việc nội bộ của một cơ quan, một cấp chính quyền mà còn liên quan đến các tổ chức và công dân trong mối quan hệ với Nhà nước. Các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp hay ở các văn bản pháp luật khác có được thực hiện hay không, thực hiện như thế nào về cơ bản đều phải thông qua TTHC do các cơ quan, các cấp chính quyền nhà nước quy định và trực tiếp giải quyết.
Giai đoạn 2011- 2020, việc cải cách TTHC đã được Chính phủ ghi nhận một số kết quả, đó là: đã cơ bản hoàn thành với việc đơn giản hóa 4.527/4.723 TTHC, đạt tỷ lệ 95,85% (tính đến tháng 12/2016); những quy định về kiểm soát TTHC cơ bản được hoàn thiện; số lượng TTHC của cấp tỉnh năm 2020 tăng hơn so với năm 2016 khoảng hơn 9.400 TTHC. Cấp bộ có xu hướng giảm; thực hiện đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cấp số định danh cá nhân; hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch; thẻ căn cước công dân; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp (DN) về TTHC; TTHC được chuẩn hóa, niêm yết công khai; cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trung tâm hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai; thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích; việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật một cửa ASEAN đối với một số lĩnh vực đến tháng 12/2016, đã kết nối chính thức với 10/14 bộ; cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động; hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được tổ chức vận hành; hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của DN và người dân tại các địa chỉ: doanhnghiep.chinhphu.vn và nguoidan.chinhphu.vn; sáng kiến cải cách TTHC nổi bật: mô hình hẹn giờ thực hiện TTHC tại nhà; xây dựng phần mềm tra cứu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; mô hình “phi địa giới hành chính”2.
Có thể thấy, sự thành công trong cải cách TTHC của nước ta là việc thực hiện mô hình một cửa, một cửa liên thông, Trung tâm hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai, thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tuy nhiên, khi cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển và nhất là khi đại dịch Covid-19 xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến người dân, các cơ quan, tổ chức, DN thì các chủ thể có liên quan cần phải chuyển biến mạnh mẽ, linh hoạt trong cải cách TTHC.
Tác động của đại dịch Covid-19 và những vấn đề đặt ra trong cải cách thủ tục hành chính
Đại dịch Covid-19 xảy ra với nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến người dân, các cơ quan, tổ chức, DN càng thôi thúc các cấp cần phải cải cách TTHC theo hướng: ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế tiếp xúc, nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi. Người dân, DN đòi hỏi sự thuận tiện hơn trong các TTHC buộc chính các cơ quan HCNN “đẻ ra” thủ tục phải thay đổi thủ tục để thích nghi với nền hành chính ít tiếp xúc trực tiếp, giải quyết các TTHC trên môi trường mạng. Những nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách TTHC thời gian qua đã có những tác động và hiệu quả nhất định, được Nhân dân ghi nhận, tạo thuận lợi khi tương tác với các cơ quan HCNN.
Đơn cử: trong đại dịch Covid-19, để quản lý thông tin về phòng, chống Covid- 19 của cá nhân, mỗi cơ quan dùng một phần mềm hỗ trợ; người dân cùng một lúc phải dùng quá nhiều App để đáp ứng được sự quản lý đó. Từ thực tế đó, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối, sử dụng App mang tên “PC COVID” để thay thế và tích hợp các ứng dụng phòng, chống Covid- 19. Hoặc DN thực hiện đăng ký thay đổi thông tin (đăng ký thêm số tài khoản) với sở Kế hoạch và Đầu tư thay vì nộp giấy tờ bản cứng thì chỉ cần nộp qua cổng điện tử, từ đó có thể kiểm tra được tình trạng tiếp nhận của hồ sơ và khi có phản hồi cũng sẽ được gửi qua thư điện tử. Nhiều thủ tục được làm trực tuyến và trả kết quả qua bưu điện rất thuận tiện và nhanh chóng.
Một số địa phương, thậm chí phường, xã phát huy lợi thế của công nghệ thông tin, bộ phận một cửa của tỉnh, huyện, xã thành lập nhóm Zalo kết nối các công chức giải quyết TTHC của thành phố và các xã, phường nhằm đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục cho người dân và các tổ chức. Đồng thời, tích cực ứng dụng tiện ích Zalo trong việc trao đổi, thông báo tình trạng và kết quả giải quyết hồ sơ, TTHC, giúp rút ngắn thời gian chờ đợi, đi lại của người dân, tổ chức. Năm 2021, một số cơ quan, đơn vị cũng đã đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết, xử lý công việc là một tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức hằng năm.
Về thực trạng cung cấp, việc thực hiện TTHC trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được người dân và DN phản ánh còn nhiều khó khăn: 45% DN có thực hiện TTHC cho biết khó khăn họ gặp phải là khi có vướng mắc trong thực hiện TTHC thì không biết hỏi ai để được giải đáp; 34% DN cho biết hồ sơ thực hiện TTHC được chấp nhận ở cơ quan hành chính này nhưng lại không được chấp nhận ở cơ quan hành chính khác với cùng thủ tục; 27% DN trả lời là họ phải bổ sung thêm tài liệu so với quy định trong TTHC; 22% DN nhận được kết quả thực hiện TTHC chậm hơn so với quy định; 16% DN cho biết họ phải trả chi phí không chính thức khi thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, việc thực hiện TTHC trên môi trường mạng vẫn còn nhiều bất cập với 30% DN cho biết việc nộp hồ sơ trên mạng thường không có phản hồi, 17% DN bị từ chối nhưng không rõ lý do. Thậm chí, việc nộp trực tuyến lại mất nhiều thời gian hơn so với nộp trực tiếp (12% DN), DN phải thực hiện trên nhiều trang giao diện khác nhau mới hoàn thành thủ tục (11% DN) và không thanh toán được trực tuyến hay văn bản ký số không được chấp nhận (7% DN). Nguyên nhân của những khó khăn trên theo DN nhận định là: 60% DN cho là do bất cập trong việc phối hợp của các cơ quan liên quan; 56% DN cho là do bất cập trong việc thực thi của công chức tiếp nhận hoặc xử lý hồ sơ; 48% DN cho là do bất cập trong văn bản hướng dẫn ở cấp địa phương; 36% DN cho là do bất cập trong quy định của văn bản pháp luật3.
Bên cạnh đó, là thách thức từ cách mạng công nghệ 4.0 và khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều cam kết quốc tế, còn hạn chế rất lớn đó là cải cách TTHC vẫn chưa thực sự là động lực mạnh mẽ cho cải thiện môi trường kinh doanh, vẫn gây phiền hà cho người dân và DN. Điều kiện kinh doanh chậm được cắt giảm, có những TTHC được cắt giảm nhưng lại phát sinh những TTHC mới ở các nội dung khác. Cắt giảm TTHC ở những lĩnh vực mà người dân, DN ít cần được giải quyết. Tính liên thông trong cải cách TTHC chưa cao, cơ chế “xin – cho” vẫn tồn tại, chất lượng đội ngũ công chức còn hạn chế. Số lượng văn bản pháp quy quá nhiều, chồng chéo, khả năng thực thi thiếu hiệu quả do TTHC rườm rà4.
Năm 2020, Việt Nam đã tham gia 3 hiệp định thương mại (FTA), mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)5, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), nâng tổng số hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 14. Các liên kết kinh tế và mở cửa thị trường sâu rộng tạo ra không gian phát triển mới nhưng cũng đặt ra thách thức lớn phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Trong đó: “Thủ tục hành chính luôn là một khâu yếu của các quốc gia đang phát triển, nó thậm chí là một vật cản trong việc phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế”6.
Từ những thách thức và cơ hội nói trên, có thể thấy bối cảnh đại dịch Covid – 19 đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong CCHC, nhất là cải cách TTHC. Cụ thể:
Một là, Chính phủ, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong vấn đề chuyển đổi số, tiến tới xây dựng chính phủ số để thực hiện chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021 -2025; chuyển đổi dần từ “một cửa” sang hành chính giảm giấy tờ, không giấy tờ, không hiện diện. Cần lắng nghe ý kiến của người dân, DN để kịp thời điều chỉnh các TTHC theo những xu hướng CCHC trong giai đoạn 2021 – 2030, đó là thay đổi trong TTHC có lợi cho người dân và với những mục tiêu cụ thể đem đến sự hài lòng của người dân, DN. Tiếp tục phát huy nền hành chính “phục vụ”; coi người dân và DN thực sự là “đối tác”, “khách hàng” trong cung cấp dịch vụ công. Cần mở rộng hoạt động trao đổi thông tin, nhận xét, đánh giá, đối thoại, đề xuất, kiến nghị về TTHC giúp phát huy tiềm năng sáng tạo, tính tích cực, chủ động của người dân, DN. Khi đó, sự tham gia của người dân vào quá trình cải cách, sáng tạo sẽ ngày càng có hiệu quả cao hơn.
Hai là, các cơ quan HCNN chú ý đến tính minh bạch của các TTHC để người dân, DN dễ dàng tiếp cận. Ban hành các TTHC đặc biệt liên quan đến phát triển kinh tế, chuỗi cung ứng hàng hóa, môi trường đầu tư kinh doanh phải đi theo thông lệ quốc tế, quy luật của kinh tế thị trường để thực hiện các hiệp ước, cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia. Cải cách quyết liệt, hiệu quả TTHC, bãi bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch. Các thông tin về thay đổi phương thức trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch cần được công khai, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời để người dân, DN chủ động thực hiện.
Ba là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào các TTHC, mở rộng các TTHC, tiếp nhận xử lý hồ sơ trên môi trường không gian mạng. Kết nối có hiệu quả các dữ liệu thông tin từ trung ương đến địa phương, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương, nhập khẩu, chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Các cơ quan HCNN thường xuyên cập nhật và nâng cao chất lượng công nghệ ứng dụng, bao gồm cả phần cứng và phần mềm. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện từ Chính phủ đến xã hội, DN để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng, vận hành chính phủ điện tử; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhằm đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 với các nội dung, như: ứng dụng internet kết nối vạn vận (IoT), ứng dụng điện toán đám mây (Cloud Computing), xử lý dữ liệu lớn (Big Data), mạng xã hội (Social network), đô thị thông minh (Smart city)…
Bốn là, nâng cao năng lực và hiệu quả thực thi công vụ cho đội ngũ công chức tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đội ngũ cán bộ, công chức nhất là cấp cơ sở cần được đào tạo, trang bị kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong thực thi nhiệm vụ, lề lối làm việc, văn hóa ứng xử trên môi trường mạng. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật trong tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời các TTHC của công chức nhà nước.
Năm là, vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho người dân và DN trong quá trình thực hiện TTHC là cần thiết. Phổ cập kiến thức và kỹ năng liên quan đến sử dụng các dịch vụ và TTHC của chính phủ điện tử, chính phủ số.
Với những vấn đề đặt ra trong cải cách TTHC hiện nay, Chính phủ, các cơ quan nhà nước cần quan tâm để có thể vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để cải cách TTHC theo hướng hiện đại, hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tốc độ xử lý công việc qua môi trường mạng, giảm chi phí hoạt động hành chính, thuận tiện cho người dân, DN. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả điều hành trong hoạt động của cơ quan HCNN hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp vì Nhân dân phục vụ.
Chú thích:
1. Học viện Hành chính quốc gia. Tài liệu bồi dưỡng ngạch chuyên viên năm 2018, tr. 84.
2. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo của Bộ Nội vụ tại Hội thảo khoa học “Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030”. Bộ Nội vụ tổ chức tại Hà Nội, tháng 11/2020.
3. Tác giả tổng hợp từ Báo cáo kèm theo Công văn số 840/VPCP-KSTT ngày 09/02/2022 của Văn phòng Chính phủ về kết quả khảo sát thực trạng thực hiện thủ tục hành chính trong bối cảnh dịch Covid- 19.
4. Thể chế và năng lực cạnh tranh quốc gia. https://tapchinganhang.gov.vn, ngày 22/3/2017.
5. Việt Nam ký kết nhiều FTA là sự kiện nổi bật nhất ngành công thương 2020. https://tuoitre.vn, ngày 31/12/2020.
6. Báo cáo tổng quan những nghiên cứu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách – Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2009.
Tài liệu tham khảo:
1. Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
2. Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.
3. Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.
TS. Lê Cẩm Hà
Học viện Hành chính Quốc gia