14/01/2025 lúc 03:20 (GMT+7)
Breaking News

Cải cách chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng

VNHN - Chính sách tài khóa là một trong những công cụ điều hành vĩ mô quan trọng của nền kinh tế.

VNHN - Chính sách tài khóa là một trong những công cụ điều hành vĩ mô quan trọng của nền kinh tế.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã tiến hành cải cách chính sách tài khóa mạnh mẽ để phù hợp với bối cảnh hội nhập. Nhìn chung, các chính sách tài khóa đã đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Ảnh minh họa

Đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế

Chính sách tài khóa là một công cụ của chính sách kinh tế vĩ mô được Chính phủ sử dụng để huy động, phân phối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Trong giai đoạn hiện nay, chính sách tài khóa của Việt Nam được thực hiện theo hướng mở rộng; thực hiện tốt (thu, chi ngân sách được cân đối phù hợp với qui mô nền kinh tế) đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài trợ quốc tế.

Những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách ở tất cả các cấp, ngành, địa phương và đơn vị. Nhờ vậy, tỷ trọng chi thường xuyên giảm (năm 2018 giảm còn dưới 62% tổng chi ngân sách nhà nước, mục tiêu là dưới 64%), tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng (năm 2018 đạt trên 27%, mục tiêu là 25 - 26%).

Cùng với việc tích cực xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững; Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, triển khai các giải pháp phát triển cân bằng và toàn diện thị trường tài chính, cùng với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thông qua việc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN, thu đủ số cổ tức, lợi nhuận sau thuế, tiền bán vốn tại các DN theo nghị quyết Quốc hội...

Có thể khẳng định, các chính sách tài chính đã đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; góp phần quan trọng vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đi vào thực chất hơn, tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng và rõ nét. 

Chính sách tài chính nói chung và chính sách tài khóa nói riêng được xây dựng hướng đến tính an toàn và bền vững; Kỷ luật tài khóa được tuân thủ chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng phá vỡ các kế hoạch ngân sách đã phê duyệt; Hạn chế tối đa các khoản chi cho tiêu dùng, trong đó chi hành chính cho bộ máy chính phủ được xem là khá “cồng kềnh” hiện nay bằng cách đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giảm biên chế, chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ tài chính để giảm bớt gánh nặng chi sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách… 

Đồng bộ chính sách tài chính tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng

Đánh giá cao về những kết quả tích cực trong đổi mới, cải cách chính sách tài khóa, các chuyên gia cho rằng, thực tiễn vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần làm rõ trong bối cảnh hiện nay, đó là chính sách tài chính phải làm gì để phục vụ mô hình tăng trưởng mới. Với việc chuyển từ tăng trưởng chiều rộng sang chiều sâu, đòi hỏi Nhà nước cần có xuất giải pháp cải cách mang tính đột phá, đồng bộ các chính sách tài chính nhằm tạo động lực đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam trong thời gian tới.

Làm rõ về vấn đề này, ông Hà Huy Tuấn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất nhiều giải pháp, như cần có chính sách thuế tài sản, huy động nguồn lực từ đất đai để tái cơ cấu nền kinh tế.

Ông Hà Huy Tuấn cho rằng, các chính sách tài chính trong thời gian tới, nhất là chính sách huy động nguồn lực, cần duy trì ổn định tỷ trọng thu thuế, phí; Đơn giản hóa các chính sách, đơn giản mục tiêu, có thể hiểu là mỗi chính sách thuế chỉ cần đạt được một mục tiêu; Thu ngân sách nên bình đẳng, công bằng, còn hỗ trợ nên chuyển sang phần chi ngân sách.

Về các chính sách thu ngân sách, ông Hà Huy Tuấn đề nghị, thuế trực thu cần phải ưu đãi, mở rộng diện chịu thuế. Đối với thuế gián thu, cũng cần giải ưu đãi, mở rộng diện chịu thuế và hợp nhất, đơn giản hóa thuế suất. Đồng thời, phải coi thuế tài sản là nguồn thu chính, giá tính thuế thực hiện theo giá thị trường gắn với quy hoạch đất đai và thuế suất. 

Đưa ra các giải pháp về chính sách phân bổ nguồn lực, ông Đặng Văn Thanh - Chủ tịch Hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam đề xuất, nên sớm xây dựng Luật Tài chính quốc gia; Có chính sách quản lý tập trung toàn bộ các nguồn quỹ quốc gia, nên tổng kết để có hệ thống chính sách thuế ổn định trong vòng 5 - 10 năm tới. Bên cạnh đó, cần đánh giá lại thị trường trái phiếu chính phủ; Huy động mạnh mẽ nguồn lực tài chính nhà nước; Tiếp tục có chính sách huy động nguồn vốn FDI, ODA có chọn lọc kỹ càng hơn; cơ cấu lại chi NSNN; phân bổ nguồn lực tài chính rõ ràng, hiệu quả hơn…

Theo GS,TS. Nguyễn Thị Cành, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh), vấn đề quan trọng để kiểm soát các khoản chi cần phải minh bạch trong công bố thông tin. Theo thông lệ các nước phát triển, cân đối NSNN cũng phải theo chuẩn mực như một báo cáo tài chính DN. Vì vậy, Chính phủ cần có quy định báo cáo tài chính của các địa phương, các cơ quan nhận nguồn tài trợ từ NSNN. Chẳng hạn quy định báo cáo tài chính công cần có bảng cân đối tài chính và thuyết minh một cách minh bạch...

“Chúng tôi đánh giá cao cách tiếp cận của Chính phủ Việt Nam trong việc hướng tới một chính sách tài chính tạo động lực cho tăng trưởng. Đây là nỗ lực lớn trong việc cơ cấu chính sách tài chính của một đất nước. Việc phấn đấu tăng trưởng GDP và tăng chi tiêu công trong mục tiêu trung hạn là rất lớn. Trong bối cảnh đó, nguồn thu từ dầu, từ thuế xuất nhập khẩu có khả năng suy giảm, giảm mức thuế theo các cam kết tại các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định EVFTA… là thách thức đối với Việt Nam.”
Ông Sebastian Paust - Tham tán thứ nhất, Trưởng Bộ phận hợp tác phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam