29/03/2024 lúc 01:08 (GMT+7)
Breaking News

Cách mạng thông tin hiện đại và những tác động toàn cầu

Cách mạng thông tin toàn cầu hiện đại (Cách mạng thông tin lần thứ năm) và những chuyển biến mà nó đã và đang đem lại cho toàn xã hội và mỗi người, là mở đầu và nội dung chủ yếu của kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại. Thực chất của cách mạng thông tin hiện đại là gì và cuộc cách mạng này mang đến điều gì mới cho xã hội và con người, cần phải làm gì để hài hòa nhu cầu và năng lực của con người với dòng thông tin đa tầng và biến đổi như vũ bão hiện nay.

1. Các cuộc cách mạng thông tin đã và đang diễn ra

Cách mạng thông tin đầu tiên và quan trọng nhất, tách biệt người cổ ra khỏi thế giới động vật - đó là xuất hiện của ngôn ngữ, của các phương thức trình bày tư tưởng thông qua các hệ thống biểu tượng âm thanh và thông báo nó cho thành viên khác trong cộng đồng. Một kênh tích tụ và chuyển tải thông tin, làm phong phú tri thức và kinh nghiệm, cảnh báo về các mối nguy hiểm, đã xuất hiện. Thực tế này làm thay đổi tận gốc các điều kiện sinh hoạt và phát triển của tổ tiên rất xa xưa của chúng ta, trở thành nền tảng cho tiến bộ của họ ở thời tiền sử.

Cách mạng thông tin lần thứ hai là sáng tạo ra chữ viết, diễn ra sau cách mạng đồ đá mới và là kết quả của nó ở một chừng mực nào đó. Việc tích tụ đông đảo người ở các khu dân cư xuất hiện (“cuộc cách mạng đô thị”), phân công lao động xã hội, dòng tri thức mới tăng nhanh đòi hỏi các phương thức mới để ghi nhận và truyền tải thông tin tích lũy được qua các thế hệ, ngôn ngữ nói diễn ra nhanh cũng không thể làm việc đó. Việc phát hiện ra thông tin ký hiệu và việc ghi nhận các thông tin ấy trên đá, trên các bảng đất sét, trên chỉ thảo, sau đó là trên giấy làm tăng nhiều lần khả năng tích lũy, truyền tải và lĩnh hội tri thức và kinh nghiệm, thông tin về những sự kiện quan trọng. Các quỹ thông tin đầu tiên đã xuất hiện, tổng hợp các bảng đất sét nung ở Babilon, chỉ thảo ở Ai Cập, Thư viện Alexandria, thư viện ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, các tu viện. Một thang bậc mới của phân công lao động xã hội là xuất hiện các nhóm người hoạt động thông tin chuyên nghiệp (lục sự, độc giả, giáo viên, v.v.).

Cách mạng thông tin lần thứ ba được đánh dấu bởi sáng chế ra ngành in sách, thay thế cho lao động cực nhọc để chép lại bản thảo, chỉ ít người sử dụng được tiếp xúc đã xuất hiện khả năng nhân bản chúng lên hàng trăm, hàng nghìn bản làm cho sách trở nên rẻ tiền và đến với đông đảo người sử dụng, tạo ra mạng lưới thư viện và kho bảo quản sách, cung cấp sách giáo khoa cho học sinh và sinh viên, xuất bản báo và tạp chí với số lượng lớn. Đây là bước tiến khổng lồ trong sự tiến bộ trí tuệ, giáo dục, khai thác và truyền đạt những thành tựu khoa học và văn hóa.

Cách mạng thông tin lần thứ tư được đánh dấu bằng việc sáng chế và phổ biến máy thu thanh và máy thu hình. Điều này cho phép giảm bớt khoảng cách, truyền đạt thông tin cần thiết dưới dạng âm thanh hay hình ảnh mà không tính đến giới hạn, tạo ra môi trường thông tin ngày một tăng, rộng lớn toàn thế giới. Con người trở thành công dân thế giới, biết tới các sự kiện ở mọi ngõ ngách của hành tinh. Các giờ nghỉ ngơi bên màn hình vô tuyến lấp đầy bộ não bằng thông tin cần thiết (và nhiều hơn là không cần thiết).

Cách mạng thông tin lần thứ năm. Các dấu hiệu và biểu tượng then chốt của cuộc cách mạng này là vi tính, truyền thông đa phương tiện, Internet. Truyền thông đa phương tiện cho phép hợp nhất quá trình lĩnh hội thông tin bằng logic và bằng hình ảnh, cải biến, xây dựng thế giới ảo và thao tác trong đó theo chế độ đối thoại. Internet thủ tiêu tình trạng phân tán thông tin, cho phép tất cả mọi người sử dụng tìm thấy thông tin quan tâm và truyền đạt thông tin của mình, tạo ra dòng thông tin toàn cầu. Tốc độ, quy mô, tính đa dạng, việc kết hợp toàn cầu hóa với cá thể hóa, với khả năng của mỗi người nhận được chính thông tin cần thiết, việc nâng cao nhiều lần năng suất và cường độ lao động của người sản xuất và người tiêu thụ sản phẩm thông tin, đó là các đặc điểm nổi bật của cách mạng thông tin hiện đại - Cách mạng lần thứ thứ năm.

2. Cách mạng thông tin lần thứ năm với những vấn đề nhân sinh

Cuộc cách mạng thông tin đem lại nhiều lợi ích về kinh tế. Trong điều kiện, khi mà tỷ lệ công nhân ngày càng ít làm việc hơn trong ngành sản xuất ra các của cải cơ bản, các hàng hóa và dịch vụ truyền thống, thì khu vực thông tin tăng lên mạnh mẽ, tại đây có hàng triệu người tiến hành sản xuất, tiêu thụ và điều khiển máy vi tính, phương tiện liên lạc, kỹ thuật thông tin khác, tiến hành giới thiệu các dịch vụ thông tin đa dạng. Do đó, lĩnh vực sử dụng tiềm lực sáng tạo mở ra cho thế hệ mới mà từ nhỏ say mê trò chơi điện tử, đắm mình vào thế giới ảo huyền diệu. Một khu vực thị trường công nghệ cao xuất hiện, hàng hóa và dịch vụ thông tin lưu động và tài sản trị giá cao nhanh chóng xuất hiện. Chẳng hạn, vào năm 1991, chi phí của Mỹ cho việc sở hữu thông tin và công nghệ thông tin đã vượt chi phí cho việc sở hữu công nghệ sản xuất và các quỹ cơ bản. Vào năm 1994, dịch vụ thông tin chiếm gần 10% lưu thông ngoại thương giữa các nước phát triển, khối lượng của thị trường dịch vụ thông tin và dịch vụ xử lý dữ liệu chiếm 9,5 tỷ USD. Trong đó thì tỷ trọng của Mỹ là 3/4(1).

Các công nghệ thông tin thâm nhập tất cả mọi khâu của nền kinh tế, cải biến chúng và nâng cao hiệu quả lao động. Chúng cho phép thiết kế các sản phẩm mới, tiến hành phân tích và dự báo tiếp thị, tạo ra các kênh tự động hóa linh hoạt, tiến hành hạch toán lại kho hàng và thương mại. Các hệ thống thông tin hiện đại nhất xuyên suốt những ngân hàng, điều này cho phép thực hiện rất nhanh các nghiệp vụ, chuyển tư bản trên khắp hành tinh, sử dụng thẻ tín dụng và phiếu tín dụng. Có thể dẫn ra nhiều thí dụ khác về việc sử dụng một cách hữu ích các công nghệ thông tin hiện đại trong mọi lĩnh vực kinh tế, điều này đưa kinh tế lên một trình độ mới, là nhân tố quan trọng cho hiệu quả và toàn cầu hóa nó.

Có thể nhận thấy các hậu quả kỳ lạ không kém của cuộc cách mạng thông tin trong lĩnh vực nhân văn. Các nhà khoa học có khả năng xây dựng những mô hình ảo và thao tác với chúng, xử lý khối lượng thông tin cấp 1 khổng lồ, ngay lập tức nhận được thông tin khoa học từ tất cả các ngân hàng dữ liệu tại các quốc gia trên thế giới. Các khám phá và phát minh khoa học ngay lập tức trở thành tài sản chung. Việc sử dụng viễn thông, vô tuyến, internet làm cho các kiệt tác nghệ thuật dân tộc và thế giới trở nên có thể tiếp cận đối với mỗi trường học, mỗi gia đình. Giáo dục dựa trên các công nghệ thông tin trở thành giáo dục phổ thông, thường xuyên, từ xa, tốc độ và hiệu quả nắm bắt tri thức và thói quen mới của thế hệ mới hơn đang tăng lên gấp nhiều lần, khả năng phổ biến các chuẩn tắc đạo đức mới trở nên dễ dàng hơn. 

Cách mạng thông tin lần thứ năm có vai trò quan trọng trong việc triển khai quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa xã hội, trong việc tăng cường các xu hướng tích hợp, hình thành và phát triển hài hòa một cộng đồng thế giới thống nhất, một thị trường toàn cầu. 

Không gian tinh thần toàn cầu, quỹ văn hóa thế giới đang hình thành, thể hiện các giá trị của mỗi dân tộc, mỗi sắc tộc, mỗi tầng lớp xã hội, mỗi nền văn minh và từ đó, mỗi người đều có thể khai thác chúng xuất phát từ nhu cầu và sở thích cá nhân (đương nhiên, đây là các xu hướng, chứ không phải là sự kiện đã diễn ra). Thông tin hóa góp phần làm giảm nhẹ và đẩy mạnh quá trình hình thành các nền văn minh thế hệ thứ tư (công nghệ), góp phần làm cho các dân tộc và các sắc tộc của chúng xích lại gần nhau, cải tổ không gian văn hóa xã hội.

Các công nghệ thông tin hiện đại đóng góp quan trọng cho quá trình dân chủ hóa xã hội, cho hoạt động chính trị của các tầng lớp và các thiết chế nhà nước. Các nhà hoạt động chính trị và nhà nước, các đảng phái và các phong trào xã hội dường như nằm trong “kính hiển vi thông tin” thường nhật: mỗi hành vi của họ, mỗi quyết định hay sự kiện ngay lập tức trở thành tài sản chung. Đơn cử, để đạt được thắng lợi tại bầu cử, ứng cử viên phải là người có trí tuệ vượt trội, phải xây dựng một hình ảnh hấp dẫn (hay ngược lại, đánh mất hình ảnh đó) về mình nhờ các phương tiện thông tin đại chúng. Các công nghệ thông tin trở thành kênh bổ sung cho sự phân tầng và tính cơ động xã hội. Làm chủ khéo léo các công nghệ này là điều kiện để thăng tiến thành công lên đỉnh cao kinh tế, chính trị, nghề nghiệp và ngược lại.

Cách mạng thông tin lần thứ năm có vai trò quan trọng trong việc triển khai quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa xã hội, trong việc tăng cường các xu hướng tích hợp, hình thành và phát triển hài hòa một cộng đồng thế giới thống nhất, một thị trường toàn cầu. Quá trình phổ biến thông tin về các thành tựu khoa học - công nghệ, về các sự kiện trong đời sống văn hóa đã tăng nhanh, quá trình giao tiếp quốc tế giữa người với người trở nên dễ dàng hơn.

Như vậy, những lợi ích mới mà cuộc cách mạng thông tin đem lại cho mỗi gia đình, mỗi nước, mỗi nền văn minh, toàn bộ cộng đồng thế giới, là không thể bác bỏ. Nó là một yếu tố và một nhân tố quan trọng để hình thành xã hội hậu công nghiệp, của các quá trình toàn cầu hóa. Nhưng đây chỉ là một mặt của đồng tiền.

Tâm trạng hồ hởi sinh ra từ những thành tựu đầu tiên và triển vọng tuyệt vời của cuộc cách mạng thông tin đang dần dần trôi qua, những mối nguy hiểm và nguy cơ mới tiềm ẩn ở trong nó, bắt đầu bộc lộ ra. Chúng ta xem xét chúng trên các bình diện cơ bản. Trong lĩnh vực kinh tế, các tổ chức độc quyền và các công ty xuyên quốc gia hùng mạnh nhất đã xuất hiện, tập trung trong tay mình tài sản khổng lồ và quyền lực rộng rãi. Tầng lớp “ông trùm” thông tin có ảnh hưởng đã bắt đầu hình thành, cố gán ép điều kiện của mình cho thị trường, bòn rút các khoản siêu lợi nhuận độc quyền khồng lổ (lợi tức ảo thông tin). Điều đó trở thành một kênh phân cực về kinh tế bổ sung giữa các quốc gia và các nền văn minh. Sức mạnh của quảng cáo được sử dụng để gán ép những hàng hóa, dịch vụ không thực sự cần thiết cho người mua, để bòn rút túi tiền của họ. Các hàng hóa và dịch vụ thông tin mới được sáng tạo ra, quá trình đổi mới phương tiện lập trình tăng nhanh để duy trì mức cầu và tương ứng là lợi nhuận ở mức độ cao. Nhà nước duy trì tốc độ lớn và mức cầu ngày một tăng này, vì nó cũng có lợi một phần nhờ tăng lưu thông và lợi nhuận. Cần có các đối trọng và hạn chế nhằm chống lại chủ nghĩa độc quyền thông tin.

Trong lĩnh vực nhân văn, các mối nguy hiểm của cuộc cách mạng thông tin ít rõ ràng hơn, nhưng lại trầm trọng hơn về mặt dài hạn, vì chúng mâu thuẫn với thế hệ trẻ. Nhiều trẻ con đang trở thành phần phụ cho máy vi tính và internet, ngồi hàng giờ chơi trò chơi điện từ hay tìm kiếm những điều ưa thích trên internet, không đọc sách và ít tiếp xúc với bạn bè. Do xã hội công nghiệp hậu kỳ sinh ra, làn sóng phản văn hóa tìm thấy nơi trú ẩn cuối cùng của mình trong các đĩa hình, trên internet, trong các phim bạo lực và giết chóc. Một thế hệ mới đang hình thành (hay chính xác hơn là đại bộ phận của nó) được giải phóng khỏi vị trí là cái đinh vít của cỗ máy sản xuất công nghiệp, lại trở thành phần phụ cho biến thể mới của nó - cỗ máy thông tin, computer. Và, đây là một xu hướng hiện thực, đặc biệt là ở các nước với nền kinh tế quá độ, nơi mà các lý tưởng trước đây đã mất đi, sự giám sát xã hội và nhà nước đối với các xu hướng vi tính hóa thông tin trở nên yếu kém hơn. Điều đó làm tăng xu hướng khủng hoảng của văn hóa và xã hội công nghiệp.

Đánh giá các xu hướng này, N.N.Moiseev nhận xét rằng, phát triển kỹ thuật vi tính và các công nghệ thông tin “có ảnh hưởng mang tính cách mạng hóa đến xã hội, làm thay đổi nhanh chóng điều kiện sinh hoạt của chúng ta. Nó có ảnh hưởng to lớn đến thế giới tinh thần của con người và có khả năng làm thay đổi tận gốc các nền tảng của đạo đức. Con người có được vũ khí mạnh mẽ nhưng rất nguy hiểm, có hậu quả lớn và khủng khiếp không thua kém bom nguyên tử”(2).

Trong lĩnh vực chính trị, phương tiện truyền thông hiện đại có thể trở thành phương tiện linh hoạt để điều khiển, uốn nắn, chi phối dư luận xã hội, phá vỡ tính ổn định chính trị và kích thích sự bùng nổ bạo lực xã hội, để hình thành hình ảnh tích cực về những người có kỳ vọng hoặc ngược lại, đặc biệt là nếu phương tiện thông tin điện tử rơi vào tay các tổ chức độc quyền.

Một xu hướng nguy hiểm, như chủ nghĩa thuộc địa mới về thông tin, đã xuất hiện trong quá trình toàn cầu hóa. Vấn đề là ở chỗ, địa vị độc quyền trong công nghiệp thông tin và trên thị trường thông tin do một nhóm ít công ty xuyên quốc gia của một số nước hàng đầu sở hữu, chúng gán ép hàng hóa và dịch vụ của mình cho các nước khác và bòn rút hàng tỷ đô la siêu lợi nhuận, nhất là các nước đang phát triển không chỉ bị gán ép cho không những hàng hóa và dịch vụ mà còn cả các giá trị của xã hội phương Tây; màn hình vô tuyến và các kênh internet chứa đầy rẫy những dòng thông tin phá hủy giá trị truyền thống của các nền văn minh khu vực khác. Số lượng xung đột ngày một tăng giữa các nền văn minh (hiện ở cấp độ địa phương) kéo theo chiến tranh thông tin nhằm tạo dựng “hình ảnh của kẻ thù” và biện minh cho việc sử dụng bạo lực trên diễn đàn địa chính trị.

Những chuyển biến triệt để diễn ra trong lĩnh vực đạo đức. Ở đây xuất hiện cuộc đấu tranh giữa hai xu hướng đối lập được P.A.Sorokin vạch ra một cách tinh vi. Ông viết: “Trong đời sống đạo đức của nhân loại, sự tan rã đang diễn ra của loại hình cảm tính bộc lộ dưới nhiều hình thức. Thứ nhất, nó bộc lộ qua sự tương đối hóa và nguyên tử hóa ngày một tăng mọi giá trị đạo đức và chuẩn tắc pháp lý … Thứ hai, sự tan rã thể hiện ở sự suy thoái quá mức của mọi giá trị và chuẩn tắc ấy…Thứ ba, do có sự nguyên tử hóa và suy thoái quá mức đó, các giá trị đạo đức và các chuẩn tắc pháp lý đánh mất quyền uy luân lý và sức mạnh ràng buộc của mình như các điều tiết hữu hiệu đối với lối ứng xử của con người… Từ đó là thói vô liêm sỉ luân lý, chủ nghĩa hư vô và vô nguyên tắc “sức mạnh là quyền”. Thứ tư, trạng thái hỗn loạn về luân lý đó đương nhiên làm nảy sinh sự bùng nổ mạnh mẽ của chiến tranh và các xung đột tàn khốc, biến thế kỷ XX trở thành thế kỷ đẫm máu nhất trong lịch sử phương Tây. Sự suy thoái và sự nguyên tử hóa các giá trị đạo đức cũng tạo ra bản tính man rợ và bất nhân cao độ thể hiện trong chiến tranh và xung đột, làm tăng tội phạm và các hiện tượng phi đạo đức khác”(3).

Sự đối kháng giữa các xu hướng này hình thành theo các cách khác nhau trong các nền văn minh khác nhau, có các đặc điểm của mình về hệ thống chuẩn tắc và quy tắc đạo đức. Song, không thể hình thành trật tự thế giới mới căn cứ trên hợp tác và đối tác giữa các nền văn minh, nếu không khẳng định và phổ biến hệ thống chuẩn tắc đạo đức định hướng vào nó. Hoạt động của các nhà nhân văn, các giáo viên, đại biểu tất cả các tôn giáo thế giới và các phong trào tôn giáo cần phải góp phần xây dựng chúng và phổ biến chúng cho đông đảo quần chúng. Toàn cầu hóa những chuẩn tắc đạo đức cơ bản, những chuẩn tắc thể hiện các giá trị chung nhân loại, là điều kiện quan trọng cho sự sống và bước chuyển sang một chất lượng mới của nhân loại, để nhân loại tránh khỏi những khuyết tật và những mối nguy hiểm của xã hội cảm tính (sùng bái của cải vật chất) đang tan rã. Tất cả những điều đó chính là các xu hướng nguy hiểm và các nguy cơ do cuộc cách mạng thông tin hiện đại tạo ra.

3Cách tiếp cận và hướng ứng xử hài hòa hóa

Nhận thức các mối nguy hiểm nêu trên của cuộc cách mạng thông tin, chúng ta không thể đặt các vật cản nhân tạo trên con đường của nó để ngăn chặn các mối nguy hiểm ấy. Đó là một việc làm vô nghĩa, vì không thể chặn đứng tiến bộ của xã hội. Chúng ta chỉ có thể nói tới việc hài hòa hóa các dòng thông tin, thúc đẩy các mặt tích cực và vô hiệu hóa các mặt tiêu cực của chúng.

Thứ nhất, cần có dự báo toàn cầu siêu dài hạn (cho 30 - 50 năm, các kịch bản đối chọn) về phát triển của cách mạng thông tin, về các hậu quả tích cực và tiêu cực của nó trong khuôn khổ của một dự báo chung hơn về sự hình thành và phát triển của xã hội hậu công nghiệp. Chắc gì một người cho dù là người tài năng nhất có thể đưa ra dự báo như vậy. Trên thực tế, một tập thể các nhà khoa học quốc tế dưới sự bảo trợ và theo đơn đặt hàng của Liên hợp quốc hay của UNESCO có thể xây dựng dự báo như vậy.

Thứ hai, bước đi tiếp theo là việc hoạch định chiến lược thông tin toàn cầu dài hạn (20 - 25 năm), tiến cử cho chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế và văn minh những ưu tiên và hình thức hợp tác mang tính chiến lược trong tương lai, tăng cường và biến các đóng góp tích cực của cuộc cách mạng thông tin thành tài sản chung, hạn chế tác động tiêu cực. Khi đó cần xem xét trước những nỗ lực chung để sử dụng các công nghệ thông tin cho mục đích nâng cao trình độ giáo dục, công nghệ và kinh tế của các nước nghèo.

Thứ ba, những luận điểm cơ bản của dự báo và chiến lược dài hạn có thể trở thành cơ sở xuất phát cho các chương trình sử dụng công nghệ thông tin quốc tế và quốc gia trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, y tế, trong dự báo sinh thái, .v.v. Ở đây không thể có các quy tắc chuẩn mực cứng nhắc đối với mỗi chương trình, không thể có quy trình như nhau trong việc xây dựng, xem xét, phê chuẩn, thực hiện. Song, điều quan trọng là chương trình quốc gia có tính đến các định hướng và các hạn chế chung, được nêu ra trong quan điểm toàn cầu ở một chừng mực này hay khác. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với các chương trình giáo dục chuẩn bị cho thế hệ tương lai thích nghi với điều kiện sống và hoạt động trong xã hội hậu công nghiệp. Tiến trình sử dụng các công nghệ thông tin hiện đại trong nghệ thuật và giáo dục, tập đoàn quốc tế “Kiệt tác nghệ thuật” đã xây dựng một chương trình quốc tế mang tính khởi xướng về thông tin hóa giáo dục tri thức nhân văn dựa trên mạng lưới “hành lang giáo dục bằng điện tử”. Có ý nghĩa không kém là việc xây dựng các hệ thống thông tin quốc gia và toàn cầu trong lĩnh vực y tế và bảo vệ sức khỏe, khoa học và sáng chế, văn hóa và du lịch, dự báo sinh thái và làm lành mạnh môi trường bao quanh. Điều đó cho phép lấp đầy nội dung hữu ích vào các kênh thông tin mạnh mẽ hiện có, nâng cao hiệu quả sử dụng chúng, thực hiện thật sự bước chuyển sang “xã hội tri thức”. Cách tiếp cận nêu trên cho phép hài hòa hóa quá trình khai thác thành tựu của cuộc cách mạng thông tin, tăng cường các xu hướng tích cực của nó và vô hiệu hóa hay làm suy yếu các mối nguy hiểm có thể, biến thành tựu đó thành nhân tố quan trọng để nhân văn hóa và nâng cao hiệu quả hoạt động của mọi mặt đời sống xã hội, để hình thành loại hình văn hóa xã hội tích hợp trên quy mô toàn cầu.

TS NGUYỄN THỊ THANH HẢI

Trường Đại học Giao thông vận tải

_________________________________

(1) Xem: V.L.Inodemxev: Bên ngoài giới hạn của xã hội thông tin, Mátxcơva, 2016, tr. 315, 320.

(2) N.N.Moiseev: Số phận của nền văn minh. Con đường của lý tính, Mátxcơva, 1998, tr. 83.

(3) P.A.Sorokin: Các xu hướng chủ yếu của thời đại chúng ta, Mátxcơva, 1997, tr. 60-61.

...