14/01/2025 lúc 20:38 (GMT+7)
Breaking News

Các nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi lập Hiệp ước toàn cầu ứng phó đại dịch

Trong bài viết chung được xuất bản ngày 29-3, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, cảnh báo sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu là điều không thể tránh khỏi trong tương lai. 

Trong bài viết chung được xuất bản ngày 29-3, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức, cảnh báo sự xuất hiện của đại dịch toàn cầu là điều không thể tránh khỏi trong tương lai. 

Các nhà lãnh đạo cũng coi Covid-19 như lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn.

Trước căng thẳng quốc tế về nguồn cung vaccine ngừa Covid-19, các nhà lãnh đạo kêu gọi các quốc gia từ bỏ chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc, cùng nhau mở ra kỷ nguyên mới dựa trên nguyên tắc đoàn kết và hợp tác.

Lời kêu gọi nêu trên của 24 nhà lãnh đạo và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus xuất hiện trên nhiều tờ báo, trong đó có tờ Telegraph (Anh), Le Monde (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha) và Frankfurter Allgemeine Zeitung (Đức).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel (từ trái sang) tham dự hội nghị thượng đỉnh của NATO, tháng 12-2019. (Ảnh: Getty Images)

Các nhà lãnh đạo thế giới coi đại dịch Covid-19 là “thách thức lớn nhất đối với cộng đồng toàn cầu kể từ những năm 1940”, đồng thời cho rằng cần có một hiệp ước tương tự hiệp ước được ký kết sau năm 1945 nhằm thiết lập quan hệ hợp tác xuyên biên giới trước khi xuất hiện cuộc khủng hoảng y tế quốc tế tiếp theo.

Trong bài viết chung, các nhà lãnh đạo cho biết: “Vào thời điểm đó, sau khi chứng kiến sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh thế giới, các nhà lãnh đạo đã cùng nhau thúc đẩy hệ thống đa phương. Mục tiêu rất rõ ràng, đó là: đưa các quốc gia đến gần nhau hơn, xua tan sự cám dỗ của chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa dân tộc, và xử lý những thách thức vốn chỉ có thể được giải quyết bằng tinh thần đoàn kết và hợp tác, cụ thể là hòa bình, thịnh vượng, sức khỏe và an ninh”.

Theo các nhà lãnh đạo, một hiệp ước ứng phó đại dịch sẽ giúp các quốc gia hành động có trách nhiệm, chia sẻ trách nhiệm, minh bạch và hợp tác trong khuôn khổ hệ thống quốc tế và tuân thủ các nguyên tắc, quy chuẩn trong hệ thống này.

Lãnh đạo của các nước thành viên G7 nhất trí sẽ xem xét ý tưởng lập hiệp ước toàn cầu ứng phó đại dịch và thảo luận thêm trong cuộc họp thượng đỉnh diễn ra tại hạt Cornwall, tây nam nước Anh, vào tháng 6 tới. G7 hướng tới mục tiêu hỗ trợ tài chính cho các quốc gia đang phát triển đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.