22/01/2025 lúc 22:48 (GMT+7)
Breaking News

Các giải pháp thúc đẩy phục hồi, phát triển KT-XH thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng nằm trong nhóm địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Trên cơ sở đánh giá những tác động của đại dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế - xã hội, thành phố Đà Nẵng rà soát, đánh giá lại các nguồn lực phát triển, từ đó có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Một góc TP Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Tác động của đại dịch COVID-19 đến thành phố Đà Nẵng

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian dài khiến nền kinh tế thành phố Đà Nẵng suy giảm tăng trưởng chưa từng có. Năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố Đà Nẵng chỉ đạt 61,67 nghìn tỷ đồng (giá so sánh năm 2010) và lần đầu tiên tăng trưởng xuống mức âm 8,2% (so với năm 2019) sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển. Thành phố Đà Nẵng là một trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức tăng trưởng âm của cả nước. Năm 2021, GRDP thành phố có cải thiện, tăng 0,18% so với năm 2020 (hình 1); quy mô GRDP của thành phố năm 2021 chỉ tương đương khoảng 91,98% của năm 2019. Nếu kinh tế thành phố không bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 7,71% (bằng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2019) thì GRDP năm 2021 lớn hơn GRDP năm 2019 là 15,42%.

Như vậy, giá trị GRDP của thành phố Đà Nẵng bị mất đi do đại dịch COVID-19 bằng khoảng 23,43% GRDP năm 2019, tương đương khoảng 25,5 nghìn tỷ đồng (tính theo giá so sánh). Cho nên, năm 2022 xuất phát điểm về quy mô và tăng trưởng kinh tế của thành phố Đà Nẵng chậm ít nhất 2 năm so với kế hoạch (chưa đạt mức của năm 2019). Việc triển khai các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, bị chậm ít nhất 1 năm.

Dưới ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19, cơ cấu kinh tế của thành phố dịch chuyển theo hướng gia tăng tỷ trọng dịch vụ, nông, lâm nghiệp và thủy sản, đồng thời giảm nhẹ tỷ trọng công nghiệp - xây dựng (hình 2). Trong đó, lĩnh vực công nghiệp (với ngành chủ lực là công nghiệp chế biến, chế tạo có sự sụt giảm liên tục trong hai năm qua) chỉ còn chiếm tỷ trọng chưa tới 15% GRDP của thành phố (giảm từ 16,26% trong năm 2019). Khu vực dịch vụ, nhờ có sự phục hồi tốt hơn so với các khu vực còn lại, chiếm đến 66,5% quy mô nền kinh tế (tăng từ 63,83% trong năm 2019).

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, lĩnh vực. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, doanh thu giảm mạnh; trong đó, các nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp như: dịch vụ du lịch, vận tải, hậu cần du lịch, nhà hàng, khách sạn, giáo dục... Số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm đáng kể. Năm 2020, thành phố Đà Nẵng có 4.112 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới, giảm 28,3% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt 21.412 tỷ đồng, giảm 22,1%; có 1.216 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc giải thể; 2.054 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động. Năm 2021, thành phố Đà Nẵng cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hơn 3.542 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện; tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 17.781 tỷ đồng; giảm 13,8% về số doanh nghiệp và giảm 17% về số vốn so với năm 2020; 690 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc giải thể; 2.711 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động (tăng 32% so với năm 2020).

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự chuyển dịch lực lượng lao động giữa thành phố và các địa phương lân cận, giữa các ngành, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch dẫn đến thiếu hụt nguồn cung lao động cục bộ, tạo ra sự mất cân đối cung cầu lao động và ảnh hưởng đến chất lượng lao động của các ngành; đồng thời, tác động này cũng đẩy nhiều lao động trên địa bàn thành phố rơi vào tình trạng không có việc làm hoặc có việc làm phi chính thức. Tình trạng thất nghiệp chung toàn thành phố năm 2020 là khoảng 8,78%, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 9,41%, được đánh giá là cao nhất trong vòng 10 năm qua. Năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi ở mức 8,76%, thấp hơn năm 2020, song còn rất cao so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài tác động tiêu cực đối với kinh tế, đại dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống hằng ngày của người lao động và hộ gia đình trên địa bàn thành phố, làm thay đổi nhiều mặt của đời sống, ảnh hưởng đến thu nhập, chi tiêu, đầu tư của hầu hết người dân thành phố. Thói quen tiêu dùng của người dân hướng nhiều đến việc tiết kiệm, hạn chế các chi tiêu không thực sự cần thiết.

Rà soát, đánh giá nguồn lực phát triển giai đoạn hậu đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và là thách thức vô cùng to lớn đối với loài người. Tuy nhiên, khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế khác, sự suy giảm kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 không xuất phát từ nguyên nhân tích lũy các yếu tố kinh tế bất lợi dẫn tới khủng hoảng kinh tế. Nói cách khác, nguyên nhân của sự suy giảm kinh tế gây ra bởi đại dịch COVID-19 xuất phát không phải bởi hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp, ngân hàng, do đầu tư dư thừa làm cung vượt cầu, hay các chính sách tài khóa bất hợp lý, thiếu hụt lao động gia tăng,... mà chủ yếu đến từ nguyên nhân là cung hàng hóa, dịch vụ lẫn nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm; do các yêu cầu về hạn chế đi lại, tiếp xúc. Về tổng thể, không giống như những thiệt hại bởi các rủi ro truyền thống như thiên tai hay các đợt suy thoái kinh tế, năng lực kinh tế của thành phố Đà Nẵng vẫn duy trì hậu đại dịch COVID-19.

Về nguồn nhân lực và việc làm, quy mô dân số thành phố Đà Nẵng năm 2020 là 1.169,5 nghìn người, trong đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của thành phố là 586,2 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố Đà Nẵng năm 2020 đạt 44,0%, chỉ thấp hơn Hà Nội với 48,5%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cả nước (24,1%). Lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn cao cơ bản còn nguyên vẹn hậu COVID-19. Trong thời gian tới, khi mô hình phát triển kinh tế thâm dụng lao động chưa được thay thế, việc gia tăng nguồn lao động chủ yếu từ nguồn dân nhập cư, tức tăng dân số cơ học. Điều này gặp thách thức khá lớn nhưng cũng là cơ hội cho thành phố, vì muốn thu hút lao động có chất lượng và trẻ thì cũng đặt ra nhiều yêu cầu về hạ tầng xã hội và an sinh xã hội, đặc biệt, trong bối cảnh đang có sự dịch chuyển lao động khá lớn cả về không gian và lĩnh vực.

Về đất đai, với diện tích khoảng 1.285km² (bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa), thành phố Đà Nẵng có diện tích rất nhỏ so với các thành phố trực thuộc Trung ương và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quỹ đất thành phố cơ bản được huy động vào nền kinh tế, đặc biệt là ở các khu vực phía Nam và phía Đông của thành phố, do vậy, quỹ đất trống để mở rộng đô thị trong tương lai của thành phố còn không nhiều (chỉ có 18,8% diện tích đất là đất trống có thể phát triển). Với mục tiêu dân số đạt khoảng 1,56 triệu người vào năm 2030, thành phố cần thực hiện tốt chiến lược phát triển đô thị nén và đa cực.

Về vị thế, với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, nằm trên một trong những tuyến đường biển và đường hàng không quốc tế trọng yếu, thành phố Đà Nẵng có vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển sôi động và bền vững. Thành phố Đà Nẵng là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, My-an-ma thông qua hành lang kinh tế Đông -  Tây (EWEC); là trung tâm kết nối các hoạt động kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng được môi trường sống và xã hội có chất lượng, thân thiện với môi trường - thành phố đáng sống. Đây sẽ là dư địa quan trọng để khai thác và bồi đắp trong chiến lược phát triển trong tương lai.

Về vốn đầu tư, trong nhiều năm qua, kinh tế thành phố Đà Nẵng vận hành theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn. Bình quân giai đoạn 2011 - 2020, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội so với GRDP là 41,47%, cao hơn tỷ lệ bình quân cả nước trong cùng thời kỳ là 32,9%. Có thể thấy, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã huy động đầu tư ở mức cao, do đó khả năng huy động vốn trong thời gian tới sẽ khó khăn hơn; vốn đầu tư công từ Trung ương giảm dần. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao, xấp xỉ mức bình quân chung của cả nước cũng là vấn đề mà thành phố Đà Nẵng cần phải cải thiện để có thể thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong thời gian tới. Đặc biệt, sự đồng thuận của người dân thành phố, tinh thần khởi nghiệp và ý chí vươn lên của các lực lượng khoa học - công nghệ, giới doanh nhân được tăng cường sau đại dịch COVID-19.

Về thể chế, đây là nguồn lực quan trọng, là chìa khóa phát triển. Hiện nay, một số cơ chế, chính sách đã và đang áp dụng của thành phố Đà Nẵng có mức ảnh hưởng giảm dần và hết dư địa tác động tới sự phát triển của thành phố, như huy động nguồn lực từ đất đai. Chính sách tạo dựng môi trường kinh doanh và cải thiện chất lượng quản trị công đã phát huy đáng kể tác động. Chính sách phát triển ngành thương mại - dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin có mục tiêu đúng nhưng chưa đủ điều kiện và nguồn lực để phát huy mạnh hơn. Do vậy, thành phố cần có cơ chế, chính sách mới, đột phá, phù hợp với mô hình kinh tế đô thị đang phát triển theo hướng thành phố xanh, năng động, sáng tạo, cạnh tranh toàn cầu, có trình độ phát triển cao và có bản sắc, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển như Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị khóa XII đã đặt ra: “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á”.

Về hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thành phố Đà Nẵng là một trong những tỉnh, thành phố có hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, bưu chính, hạ tầng tài chính ngân hàng, hạ tầng năng lượng,... tương đối hiện đại và được số hóa ở một số lĩnh vực theo định hướng xây dựng thành phố thông minh. Cùng với đó, hệ thống giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân đã sử dụng internet, các dịch vụ số với quy mô lớn hơn nhiều so với trước đại dịch, là tiền đề để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Giải pháp đột phá thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Thực hiện chủ trương của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và Nghị quyết số 86/NQ-HĐND, ngày 17-12-2021, của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, về nhiệm vụ năm 2022, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-UBND, ngày 15-1-2022, “Về việc ban hành nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thành phố Đà Nẵng năm 2022”, trong đó xác định nhiệm vụ năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Trên tinh thần đó, thành phố đặc biệt chú ý đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, quan tâm ưu tiên phục hồi các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; đẩy mạnh thu hút đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, tập trung giải ngân đầu tư công...; đồng thời, các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện. Những tháng đầu năm 2022, kinh tế thành phố đã ghi nhận các tín hiệu phục hồi khả quan, tích cực. GRDP quý I năm 2022 ước tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2021 và có thể được xem là thành quả bước đầu của của một giai đoạn mới, giai đoạn “sống chung với dịch bệnh COVID-19”.

Nhằm thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng giai đoạn hậu đại dịch COVID-19, thành phố hướng đến một số giải pháp đột phá sau đây:

Một là, phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư công.

Việc thông qua các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án lớn, động lực, trọng điểm, như: Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu với quốc lộ 1A; dự án cầu Quảng Đà; các đồ án quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng bổ sung năm 2022. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh các trình tự, thủ tục, phấn đấu khởi công trong năm 2022 đối với các dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, khu du lịch sinh thái Nam Ô, khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế,... góp phần quan trọng trong thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch, đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố và lợi ích của nhân dân.

Hai là, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Duy trì cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp bảo đảm phát triển bền vững, chuyển đổi từng bước, căn bản các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao, chú trọng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch và triển khai có hiệu quả kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch Đà Nẵng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch lớn, độc đáo, đặc sắc(1), đồng thời, nghiên cứu các sản phẩm du lịch mới, chủ lực, đặc thù(2).

Ba là, huy động, đa dạng nguồn lực đầu tư phát triển.

Phát huy hiệu quả đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, kích hoạt các phương án, chương trình mở cửa đón khách du lịch trở lại để tạo các nguồn lực đầu tư phát triển xã hội. Chuyển động có tính bước ngoặt trong phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng trong đầu năm 2022 là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng, quy mô diện tích 120ha. Dự án tạo dư địa về bất động sản công nghiệp để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Bốn là, đẩy mạnh liên kết phát triển vùng.

Phối hợp, hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù trên cơ sở bảo đảm sự thống nhất giữa các địa phương, góp phần khơi thông các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-1-2019, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”./.

Lương Nguyễn Minh Triết - Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng,

Phó Bí thư TT Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng

--------------------

(1) Dự án Mikazuki Spa & Hotel Resort, Khu du lịch sinh thái Nam Ô, Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam đài tưởng niệm, Khu tổ hợp phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, Khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan sườn đồi,...
(2) Du lịch nông nghiệp, cộng đồng, sinh thái; đường thủy nội địa, tổ dịch vụ trải nghiệm du ngoạn thuyền buồm trên sông Hàn; sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí, du lịch M.I.C.E, golf, du lịch ban đêm,...

...