23/01/2025 lúc 10:19 (GMT+7)
Breaking News

Các bộ chỉ số quốc tế và của Việt Nam về đánh giá chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước là xu hướng quan trọng, đột phá mà các quốc gia trên thế giới đang tích cực thực hiện. Cũng vì vậy mà đánh giá và đo lường mức độ chuyển đổi số quốc gia được quan tâm chú ý. Việc đánh giá chuyển đổi số quốc gia đã được các quốc gia trên thế giới tiến hành từ hơn thập kỷ trước ở các giai đoạn hình thành, phát triển chính phủ điện tử và chuyển đổi sang chính phủ số.

Các xu hướng và công nghệ số hiện đại trong những năm gần đây cũng như từ thực tiễn triển khai đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và điều chỉnh các bộ chỉ số đánh giá.

Ảnh minh họa - Internet

Khái quát về bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số quốc gia

Chuyển đổi số là quá trình chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang công nghệ số như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing); trí tuệ nhân tạo (AI), Chuỗi khối (Blockchain), mạng không dây thế hệ mới (5G)… và các phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức. 

Chuyển đổi Chính phủ số là quá trình chuyển đổi và phát triển từ chính phủ điện tử sang chính phủ số. Chính phủ số bao hàm chính phủ điện tử, nhưng thể hiện một sự thay đổi về mặt nhận thức, một mức độ trưởng thành lớn hơn, phát triển cao hơn so với chính phủ điện tử(1). 

Mỗi nước hiện nay đều xây dựng và triển khai các chiến lược/chương trình quốc gia về chuyển đổi số, tuy nhiên nội dung chuyển đổi số của các nước có khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đặc thù của mỗi nước. Vì vậy bộ chỉ số đánh giá được xây dựng cũng khác nhau. Tuy nhiên, các bộ chỉ số đều được xây dựng trên những nguyên tắc, nguyên lý chung.

Mục đích của bộ chỉ số chuyển đổi số nhằm theo dõi, đánh giá xác thực, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số theo định kỳ; so sánh, xác định các thế mạnh và các thách thức trong chính phủ điện tử, chính phủ số, từ đó đưa ra các chính sách và chiến lược phù hợp trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.Về cấp độ đánh giá, các bộ chỉ số đánh giá là công cụ đo lường chuẩn ở cấp độ quốc tế, quốc gia, cũng như ở cấp độ các bộ, ngành và địa phương. Về cấu trúc, bộ chỉ số gồm tổng hợp chỉ số chính, được xây dựng theo các những yếu tố trụ cột của chuyển đổi số, có tính đến những nội dung trọng tâm và yêu cầu phát triển chính phủ số của mỗi quốc gia, mỗi bộ, ngành và địa phương; các yếu tố đặc thù của mỗi lĩnh vực.

Bộ chỉ số là căn cứ để các quốc gia xác định tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào, đâu là những hạn chế cần cải thiện. Để từ đó ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện cho chuyển đổi số sâu rộng ở cấp độ quốc gia cũng như trong ngành và địa phương quản lý. Ở góc độ này, bộ chỉ số chuyển đổi số sẽ là "chỉ dấu" quan trọng để biết tính hiệu quả của chuyển đổi số đạt được ở mức nào; đâu là những hạn chế cần cải thiện.

Bộ chỉ số phát triển Chính phủ điện tử và Chính phủ số của Liên hợp quốc

Một trong những bộ chỉ số tổng hợp phổ biến nhất là Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index), được Liên hợp quốc sử dụng để đánh giá hai năm một lần cho tất cả 193 nước thành viên(2). Đây là bộ chỉ số tổng hợp trung bình về ba lĩnh vực quan trọng nhất của Chính phủ điện tử: dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực. EGDI được sử dụng để đo lường sự sẵn sàng và khả năng của một quốc gia trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ công. Chỉ số này giúp cho các quốc gia, các tổ chức nghiên cứu, nhà hoạch định có sự hiểu biết sâu sắc hơn về điểm chuẩn so sánh của các vị trí tương đối của một quốc gia trong việc sử dụng chính phủ điện tử cho các hoạt động, trách nhiệm công dân và khả năng cung cấp dịch vụ công. Mỗi bộ chỉ số tự nó là một thước đo tổng hợp có thể được tách ra và phân tích một cách độc lập.

- Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI – Online Services Index)

Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến được các nhà nghiên cứu đánh giá qua Cổng thông tin quốc gia, các website của các bộ. Các bảng câu hỏi khảo sát được tổ chức với cấu trúc trong bốn mẫu tương ứng với bốn giai đoạn phát triển của dịch vụ trực tuyến: Dịch vụ thông tin cơ bản; dịch vụ thông tin nâng cao; dịch vụ giao dịch; kết nối các dịch vụ.

Các dữ liệu được kết xuất từ các nền tảng và điểm số liệu đã được tạo ra, tổng số điểm ghi được của mỗi quốc gia với phạm vi từ 0 đến 1. 

- Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII - Telecommunication Infrastructure Index)

Chỉ số TII là một tổng hợp số học trung bình của năm chỉ tiêu: ước tính người sử dụng Internet trên 100 dân; số điện thoại cố định trên 100 dân; số lượng thuê bao di động trên 100 dân; số thuê bao băng thông rộng không dây trên 100 dân và số thuê bao băng rộng cố định trên 100 dân. Dữ liệu cơ sở hạ tầng viễn thông của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) là nguồn chính để đưa ra các chỉ số.

- Chỉ số nguồn nhân lực (HCI - Human Capital Index)

Các tiêu chí đánh giá chỉ số nguồn nhân lực là một hỗn hợp trung bình của 4 chỉ số: tỉ lệ công dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết; tỉ lệ nhập học được đo lường bằng tổng hợp tổng số học sinh đăng ký với số học sinh theo học ở cấp tiểu học, trung học và đại học, bất kể tuổi tác; dự kiến số năm đi học; năm đi học trung bình.

Các chỉ số thành phần được thay đổi theo từng giai đoạn thời gian để đảm bảo tính đến các công nghệ số hiện đại. Ví dụ, từ năm 2008 chỉ số hạ tầng viễn thông không tính bao gồm số lượng ti vi. Chỉ số dịch vụ công trực tuyến được tính theo kết quả phủ các trang thông tin điện tử trên cơ sở một khung kiến trúc chung. Vào năm 2018 trong thành phần bảng hỏi có 140 câu hỏi cho phép làm rõ các thông tin chuyển đổi số của chính phủ như việc ban hành các chính sách, văn bản pháp lý, chi ngân sách, sử dụng mạng, mức độ tương tác qua các website. Từ năm 2018, các chỉ số thành phần này đã được đưa vào để đánh giá chỉ số dịch vụ công trực tuyến. Các chỉ số bổ sung cho Chỉ số OSI bao gồm: Chỉ số Dịch vụ trực tuyến của địa phương (Local Online Service Index - LOSI) để nắm bắt sự phát triển của chính quyền cấp địa phương (đánh giá thí điểm lần thứ 2 kể từ năm 2018); Chỉ số Dữ liệu mở của Chính phủ (Open Government Data Index - OGDI). Đây là năm đầu tiên Liên hợp quốc đánh giá Chỉ số OGDI.

Dựa trên một cái nhìn toàn diện về phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, phương pháp đánh giá của Liên hợp quốc đã được chấp nhận rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc nghiên cứu phương pháp, cách tính toán, vận dụng hệ thống tiêu chuẩn bộ chỉ số chính phủ điện tử của Liên hợp quốc trong việc đánh giá chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của các bộ ngành, địa phương, chính phủ điện tử, chính phủ số là phù hợp trong xu thế hiện nay ở các quốc gia.

Năm 2020, Liên hợp quốc khởi động “Thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững” nhằm củng cố các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Chính phủ số hỗ trợ Thập kỷ hành động thông qua việc cung cấp dịch vụ công bền vững, toàn diện và công bằng cho tất cả mọi người ở khắp mọi nơi, không để ai bị bỏ lại phía sau và rộng hơn thông qua vai trò ngày càng tăng của Chính phủ số trong việc thúc đẩy đổi mới, tăng cường hiệu quả và tạo ra các giải pháp. Do đó, báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của Liên hợp quốc được công bố vào ngày 10/7/2020 lần đầu tiên sử dụng cụm từ “Digital Government” và mang ý nghĩa chuẩn hóa toàn cầu của Chính phủ điện tử, hơn bao giờ hết nhắc nhở các chính phủ về tầm quan trọng và sự liên quan của Chính phủ số(3). Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 diễn ra, Chính phủ số đã đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết khủng hoảng và trở thành một yếu tố thiết yếu để giao tiếp, lãnh đạo và hợp tác giữa các nhà hoạch định chính sách và xã hội.

Bộ chỉ số đo lường, đánh giá chuyển đổi số ở Việt Nam 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt “Mục tiêu kép”: “Vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu… Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ...”. Chính phủ số Việt Nam sẽ được hình thành vào năm 2025, thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu theo chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên hợp quốc và đến năm 2030 - thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu(4).

Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030(5), từ năm 2020 đã triển khai bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia - DTI)(6). Bộ chỉ số đo lường, đánh giá Chuyển đổi số ở Việt Nam cũng được xây dựng trên các nguyên tắc chung, khung đánh giá của Liên hợp quốc và cụ thể hóa phù hợp với các mục tiêu và điều kiện ở Việt Nam. Bộ chỉ số chuyển đổi số bao gồm 03 cấp: cấp tỉnh, cấp bộ, cấp quốc gia.

Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số chuyển đổi số năm 2020 cấp tỉnh được cấu trúc theo 3 trụ cột (pillar) là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số, trong mỗi trụ cột đều có 7 chỉ số chính với tổng 108 chỉ số thành phần và 306 tiêu chí (57 tiêu chí được thực hiện khảo sát người dân, Chính phủ điện tử, các công chức). Mỗi trụ cột đều có 07 chỉ số chính và các chỉ số thành phần, tiêu chí tương ứng, cụ thể: Chính quyền số có 45 chỉ số thành phần và 133 tiêu chí; kinh tế số có 2 chỉ số thành phần và 101 tiêu chí; xã hội số có 27 chỉ số thành phần và 72 tiêu chí. 7 chỉ số chính gồm: Chỉ số đánh giá về Chuyển đổi nhận thức; Chỉ số đánh giá về Kiến tạo thể chế; Chỉ số đánh giá về Phát triển Hạ tầng và nền tảng số; Chỉ số đánh giá về Thông tin và Dữ liệu số; Chỉ số đánh giá về Hoạt động chuyển đổi số; Chỉ số đánh giá về An toàn, an ninh mạng; Chỉ số đánh giá về Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực số.

Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong đó khối bộ được chia là 2 nhóm: Bộ có cung cấp dịch vụ công và Bộ không cung cấp dịch vụ công. Chỉ số chuyển đổi số cấp bộ không đánh giá riêng theo các trụ cột như cấp tỉnh mà đánh giá chung chỉ số chuyển đổi số của Bộ để đảm bảo những tiêu chí đánh giá là tương đồng, phù hợp với đặc điểm của mỗi Bộ phụ trách một trụ cột khác nhau.

Bộ chỉ số chuyển đổi số 2020 cấp bộ cũng gồm 7 chỉ số chính như chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, trong mỗi chỉ số chính có những chỉ số thành phần khác nhau và trong mỗi chỉ số thành phần có các tiêu chí (đánh giá qua số lượng báo cáo - điều tra xã hội học, sắc thái thông tin trên không gian mạng, phỏng vấn các chuyên gia). Có 41 chỉ số thành phần và 111 tiêu chí (109 tiêu chí được thực hiện đánh giá từ số liệu thu thập của bộ, ngành báo cáo; 2 tiêu chí được thực hiện khảo sát người dân, Chính phủ điện tử).

Bộ chỉ số chuyển đổi số quốc gia được cấu trúc theo 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chỉ số này cũng gồm 7 chỉ số chính như chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, trong mỗi chỉ số chính có các chỉ số thành phần(4).

Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ nhằm theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hàng năm các bộ, tỉnh. Còn bộ chỉ số chuyển đổi số quốc gia không chấm điểm, xếp hạng, mà nhằm cung cấp thông tin về kết quả chuyển đổi số chung của cả nước để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ các cơ quan, tổ chức liên quan cũng như cho các tổ chức quốc tế sử dụng khi đánh giá các chỉ số toàn cầu liên quan như EGDI, IDI, GCI, GII…

Căn cứ theo kết quả đánh giá chuyển đối số cấp tỉnh và cấp bộ, các chỉ số thành phần và tiêu chí của Chỉ số chuyển đổi số quốc gia sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và điều chỉnh cho phù hợp thực tế.

Kết quả đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh giúp cung cấp bức tranh tổng thể về chuyển đổi số ở Việt Nam, đồng thời theo dõi, đánh giá, xếp hạng một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện chuyển đổi số hằng năm của các bộ, tỉnh/thành phố để có giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới.

Căn cứ vào bộ chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp bộ và bộ chỉ số DTI cấp tỉnh năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số năm 2020 đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2020 lần đầu tiên công bố vào tháng 10/2021.

Một số vấn đề đặt ra tiếp tục hoàn thiện các bộ chỉ số chuyển đổi số

Thứ nhất, trong các bộ chỉ số chuyển đổi số chính phủ, các chỉ số dịch vụ công trực tuyến cho người dân và tổ chức, dữ liệu mở được quan tâm chú ý. Tuy nhiên, các vấn đề chuyển đổi số trong thực hiện các chức năng của nhà nước như hoạt động thanh tra, kiểm tra, xây dựng pháp luật, chuyển đổi số các quy trình nội bộ trong phần lớn các chỉ số chưa được phân tích đầy đủ. Hay nói cách khác, các chỉ số chủ yếu liên quan đến tác động qua lại giữa công dân - nhà nước, nhưng không có nhiều chỉ số đánh giá cụ thể về tác động qua lại giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với công chức, viên chức trong hệ thống.

Thứ hai, việc đánh giá mức độ chuyển đổi số trong mỗi lĩnh vực cụ thể chủ yếu đánh giá về mức độ gia tăng về số lượng sử dụng công nghệ số của công dân và tổ chức mà chưa đề cập nhiều đến đánh giá so sánh đối chiếu về tính hiệu quả về thời gian và các nguồn lực khác khi sử dụng các công nghệ số, sự ảnh hưởng của các quá trình chuyển đổi số đến nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng của nhà nước và dịch vụ công. Vì vậy, bộ chỉ số chuyển đổi số cũng cần chú trọng tăng thêm các tiêu chí và trọng số cho các nhóm chỉ số thể hiện "kết quả đầu ra", phản ánh được hiệu quả thực chất của chuyển đổi số. Cách tiếp cận sẽ giúp tránh được “cái bẫy của chuyển đổi số”, tức là “chuyển đổi số vì chuyển đổi số”(7).

Thứ ba, phần lớn các chỉ số được phân tích dựa trên cơ sở sử dụng các số liệu thống kê cũng như kết quả khảo sát lấy ý kiến. Một mặt, cho phép mở rộng lĩnh vực đánh giá, tính đến các yếu tố có thể được đánh giá về chất lượng. Mặt khác, việc sử dụng các kết quả đánh giá dựa trên khảo sát quá nhiều có thể ảnh hưởng đến kết quả thu được. Vấn đề này có thể được giải quyết trên cơ sở kết hợp khảo sát lấy ý kiến một cách phù hợp với tăng cường sử dụng các dữ liệu, số liệu về kết quả thực tế. 

Thứ tư, trong nhiều chỉ số được phân tích tính đến các chỉ số đánh giá nguồn nhân lực. Trong điều kiện hình thành xã hội số, trình độ dân trí và giáo dục, mức độ tuyên truyền, phổ biến, tập huấn là cần thiết, nhưng chưa đủ để đánh giá mức độ sẵn sàng với xã hội số, bao gồm cả mức độ tương tác với chính quyền dưới dạng số. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống các chỉ số phản ánh kỹ năng số của cán bộ, công chức, viên chức và công dân. 

Thứ năm, trong phần lớn các chỉ số chưa đủ ở mức độ cần có các chỉ số đột phá về ứng dụng dữ liệu lớn, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, các công nghệ thống kê tổng hợp. Cần có thêm các chỉ số ứng dụng sâu rộng và mức độ sử dụng các công nghệ dữ liệu trong quá trình chuyển đổi chính phủ số. Hay nói cách khác, các chỉ số đo lường và đánh giá về mức độ phát triển của chính phủ điện tử nhiều hơn là về mức độ phát triển của chính phủ số.

Thứ sáu, căn cứ vào bộ chỉ số chuyển đổi số được phê duyệt tại Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”, các bộ, các tỉnh cần xây dựng và đưa vào triển khai chỉ số chuyển đổi số áp dụng trong nội bộ của bộ, tỉnh đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc phù hợp với điều kiện thực tế của bộ, tỉnh/thành phố để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác theo dõi, đánh giá chuyển đổi số, nhưng đồng thời cũng cần đảm bảo phù hợp và thể hiện rõ tính đặc thù từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành.  

Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương cũng cần tiếp tục nghiên cứu các chỉ số chuyển đổi số quốc tế; xây dựng và thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp trên cơ sở kế thừa và phát triển từ bộ chỉ số đo lường Chính phủ điện tử. Đồng thời, xây dựng, lồng ghép tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số vào các bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI Index), bộ chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và bộ chỉ số công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Index), bộ chỉ số đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin./.

------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Cẩm nang chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông. Hà Nội, 2020.https://mic.gov.vn. 

(2). World Bank. Digital Adoption Index. URL: https://www.worldbank.org/en/publication/ wdr2016/Digital-Adoption-Index.

(3) Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (E-Government Development Index – EGDI) năm 2020 được Liên hợp quốc công bố ngày 10/7/2020. https://mic.gov.vn/

(4) Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

(5) Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (kèm theo Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

(6) Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia - DTI) theo Quyết định số 1726/QĐ-BTTTT ngày 12/10/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

(7) Международные показатели цифровизации государственного управления: обзор практики. Journal of Public Administration. Вестник РУДН, 2019, Vol. 6   No 1, 28-40.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Vân

Học viện Hành chính Quốc gia

...