22/11/2024 lúc 23:10 (GMT+7)
Breaking News

Cả nước có 4.469 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên

Sáng 23-3, Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.

Sáng 23-3, Ban Chỉ đạo trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020.

Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố. Về phía Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền dự và tham luận tại hội nghị.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Cả nước có 4.469 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong giai đoạn 2018-2020, cả nước đã huy động được 22.845 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP. Đến nay, cả nước có 59 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Kết quả, đã có 4.469/6.210 (chiếm 72%) sản phẩm tham gia Chương trình được công nhận đạt 3 sao trở lên (vượt 1,86 lần so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020 đặt ra). Hiện, Hội đồng OCOP quốc gia đang tổ chức đánh giá, phân hạng cho 43 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao được các địa phương đăng ký.   

Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương tổ chức 1 hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn/hội chợ OCOP cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; các địa phương cũng đã tổ chức 66 hội chợ về sản phẩm OCOP với hơn 10.000 gian hàng; 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP của 23 tỉnh được xây dựng và đưa vào hoạt động...

Bộ NN&PTNT cũng đã phát triển được 24 tổ chức tư vấn OCOP; ký kết chương trình phối hợp với 10 cơ quan, tổ chức Trung ương; tổ chức các chương trình, cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên, thanh niên và phụ nữ; hình thành nhiều mô hình khởi nghiệp sản phẩm OCOP hiệu quả ở các địa phương.

Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; ít nhất 50% số làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP...

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dù bắt tay thực hiện Chương trình OCOP muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác song Hà Nội đã nỗ lực, cố gắng, quyết tâm rất cao và có nhiều cách làm sáng tạo. Đến nay, Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận được 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch thành phố giao, trong đó có 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hà Nội đang tiếp tục nỗ lực để trở thành trung tâm của cả nước trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP. 

Để tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện chương trình theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và địa phương.

UBND thành phố Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với thành phố tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền tại các tuyến phố đi bộ của Hà Nội; xây dựng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn; triển khai thực hiện Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch sinh thái của quốc gia tại Thủ đô Hà Nội”. 

Phát triển Chương trình OCOP phải gắn với cung - cầu, lợi thế của mỗi vùng miền

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Chương trình OCOP là nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. 


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Nhìn lại những kết quả thực hiện chương trình 3 năm qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá, sản phẩm OCOP bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương. Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra một số khó khăn trong thực hiện chương trình đó là: Một số địa phương vào cuộc còn chậm; một số nơi còn chạy theo phong trào, chưa dựa vào đặc trưng, lợi thế của địa phương để phát triển sản phẩm; nhiều sản phẩm mới chú ý đến mẫu mã, bao bì, chưa chú ý đến chất lượng; công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, nguồn vốn cho Chương trình OCOP còn khó khăn...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng tình với giải pháp Bộ NN&PTNT dự thảo; đồng thời nhấn mạnh, phát triển Chương trình OCOP phải trên cơ sở cung - cầu, gắn với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng miền để làm chứ không thực hiện theo phong trào; chú trọng các loại hình kinh tế tham gia OCOP, trong đó hợp tác xã, doanh nghiệp phải là "đầu tàu" trong liên kết nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Chính phủ và các địa phương cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ về vốn, đất đai, thuế, khoa học công nghệ để doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân... phát triển sản phẩm OCOP.


Lễ công bố hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia.

Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020; tổ chức công bố hệ thống quản lý và giám sát sản phẩm OCOP quốc gia trên website: http/ocopvietnam.gov.vn.