23/01/2025 lúc 20:27 (GMT+7)
Breaking News

Bùi Thị Thu Thảo – từ ‘nhà vô địch huyện’ đến HCV ASIAD

VNHNO – Với thành tích giành HCV nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD 2018, vận động viên (VĐV) Bùi Thị Thu Thảo đã tạo ra một cột mốc mới trong lịch sử điền kinh Việt Nam.

VNHNO – Với thành tích giành HCV nội dung nhảy xa nữ tại ASIAD 2018, vận động viên (VĐV) Bùi Thị Thu Thảo đã tạo ra một cột mốc mới trong lịch sử điền kinh Việt Nam.

Tấm HCV của cô không chỉ giải cơn “khát vàng” cho Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD năm nay, nó còn là tấm HCV ASIAD đầu tiên mà chúng ta giành được tại một môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic. Để đứng trên đỉnh cao của châu Á và đem lại niềm tự hào cho dân tộc như vậy, Bùi Thị Thu Thảo đã phải trải qua những năm tháng luyện tập đầy gian khổ khi mới 13 tuổi, chịu đựng những cơn chấn thương trước mỗi giải đấu.

Bùi Thị Thu Thảo mang vàng về cho điền kinh Việt Nam tại ASIAD 2018 (Ảnh: thethaoplus)

“Nhà vô địch thể thao huyện”

Bùi Thị Thu Thảo sinh năm 1992 tại xã Đồng Thái, Ba Vì, Hà Nội. Gia đình cô là gia đình thuần nông thuộc diện nghèo trong xã. Ngay từ nhỏ, Thu Thảo đã quen với công việc đồng áng để giúp đỡ gia đình. Ngoài thời gian ra đồng giúp mẹ, Thảo còn đi phụ hồ, đóng gạch để kiếm thêm thu nhập. Chính nhờ những công việc này, cô đã sớm bộc lộ tố chất thể thao.

VĐV người Ba Vì bắt đầu tham gia luyện tập bộ môn điền kinh từ năm 13 tuổi (Ảnh: thethaoplus)

Năm học cấp 2, khi đó Thu Thảo mới 13 tuổi đã giành giải nhất nội dung thi 3 môn kết hợp: bơi lội - điền kinh - đá cầu của huyện. Nhận thấy khả năng của con, mẹ Thu Thảo đã được quyết định đưa con lên thi thể thao tại tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ.

Từng bỏ điền kinh đi phụ hồ

Khi mới lên tuyến trên tập luyện, do không quen với cường độ tập luyện cao và nỗi nhớ nhà, cô gái Thu Thảo khi đó mới 13 tuổi đã bỏ về chỉ sau 5 ngày. Được sự động viên của bố mẹ, cô quyết tâm thử sức lần nữa.

Thời gian đầu, Thu Thảo được các HLV cho tập luyện theo giáo án của các VĐV chạy cự li dài. Đây vốn là sở đoản của VĐV người Ba Vì. Một lần nữa, cô lại bỏ ngang luyện tập và quyết định ra ngoài làm phụ hồ.

Cô đã từng bỏ ngang điền kinh đi phụ hồ (Ảnh: thethaoplus)

May mắn thay, ông Nguyễn Trọng Hổ, khi đó là HLV trưởng đội tuyển điền kinh tỉnh Hà Tây nhìn thấy tiềm năng của Bùi Thị Thu Thảo và đã động viên, thuyết phục cô quay lại tập luyện. Cô được chuyển sang bộ môn nhảy xa. Nhờ đó, Việt Nam mới có môt “nữ hoàng nhảy xa”, một nhà vô địch châu Á như ngày hôm nay.

Sau này, khi bắt đầu bước vào thi đấu chuyên nghiệp, Bùi Thị Thu Thảo gặp phải nhiều chấn thương nặng. Không ít lần cô có ý định rời xa điền kinh nhưng tình yêu và niềm đam mê giành cho thể thao đã giữ cô lại. Theo đó, Thu Thảo gặp chấn thương lưng khá nặng do bị tạ đè. Mỗi lần trước giải thi đấu, cô đều phải châm cứu để giảm bớt các cơn đau.

Bộ sưu tập thành tích khổng lồ của cô gái “nhỏ bé”

Bùi Thị Thu Thảo chỉ cao khoảng 1m60 với đôi chân không đạt “chuẩn” của môn nhảy xa. Mặc dù vậy, thành tích mà Thu Thảo đạt được không hề “nhỏ bé” một chút nào.

Trong sự nghiệp thi đấu của mình, cô sở hữu bộ sưu tập thành tích khá đồ sộ. Cô là á quân ASIAD 2014 và liên tục giành HCV tại giải vô địch châu Á, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, Sea Game và Grand Prix trong năm 2017.

Thu Thảo sở hữu bộ sưu tập thành tích khổng lồ (Ảnh: thethaoplus)

Cô giành thành tích cao tại các giải vô địch châu Á, Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á, Sea Game… (Ảnh: thanhnien)

Tại kì ASIAD 2018, Bùi Thị Thu Thảo đã khiến người hâm mộ cả nước vỡ òa với tấm HCV tại nội dung nhảy xa nữ. Với thành tích cao nhất 6,55 m, VĐV nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo đã chính thức giành tấm HCV đầu tiên cho bộ môn điền kinh Việt Nam tại đấu trường Á vận hội.

Đầu năm nay, Bùi Thị Thu Thảo cũng đã vượt qua hai ứng cử viên nặng ký là ngôi sao điền kinh Nguyễn Thị Huyền và kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên để được vinh danh ở hạng mục “Nữ VĐV của năm”.

 “Cô gái vàng” của thể thao, “cô con gái vàng” của gia đình

Thu Thảo theo thể thao là nhờ sự định hướng của bố mẹ từ sớm. Mẹ cô là người đã quyết định đưa cô lên thi đấu thể thao ở tỉnh. Còn bố cô là người động viên và thuyết phục Thu Thảo không từ bỏ sau mỗi thất bại hay khi đối mặt với khó khăn. Thời gian cô tham dự ASIAD 2014, bố cô bị bệnh nặng nhưng đã giấu bệnh để con yên tâm thi đấu. Và không phụ lòng cha mẹ, Bùi Thị Thu Thảo đã giành tấm HCB tại kỳ Á vận hội này.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó, bố lại bị bệnh nặng, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam đã sớm lao động để giúp đỡ bố mẹ. Khi bắt đầu luyện tập và thi đấu thể thao chuyên nghiệp, Thu Thảo cũng gánh trên vai trách nhiệm kiếm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình. Mỗi cú nhảy của cô tại mỗi giải đấu trong và ngoài nước đều mang theo khát vọng thoát nghèo. Cú nhảy của cô càng xa sẽ giúp mẹ trả hết số nợ đã vay để làm vườn cây ăn trái, thả gà nuôi cá. Cú nhảy của cô càng xa sẽ giúp bố cô có tiền chữa bệnh.

Người hâm mộ yêu mến và ngưỡng mộ Bùi Thị Thu Thảo không chỉ bởi tài năng mà còn bởi tình yêu với gia đình và lòng hiếu thảo của cô gái này.