31/12/2024 lúc 22:16 (GMT+7)
Breaking News

Bộ TT&TT đề nghị sửa đổi Luật Viễn thông

Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bất cập, hạn chế trong thực thi Luật Viễn thông thời gian vừa qua cũng như để phù hợp với xu thế đổi mới.

Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viễn thông nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bất cập, hạn chế trong thực thi Luật Viễn thông thời gian vừa qua cũng như để phù hợp với xu thế đổi mới.

Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, Luật Viễn thông được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010, có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế nói chung và ngành viễn thông nói riêng, đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật về viễn thông ở nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa. Sau hơn 10 năm áp dụng, Luật Viễn thông và các văn bản hướng dẫn thi hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, một số luật chung như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch… đã được ban hành và sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, hiện nay, một số điểm trong Luật Viễn thông không còn đồng bộ, thống nhất với các quy định của luật chung và cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, lĩnh vực viễn thông xuất hiện các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới. Yêu cầu hạ tầng viễn thông mở rộng thêm các cấu phần mới để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế số dẫn đến việc cần mở rộng phạm vi quản lý của lĩnh vực viễn thông...

Từ những lý do nêu trên, việc xây dựng và ban hành Luật Viễn thông sửa đổi, bổ sung là yêu cầu khách quan nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý viễn thông, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động viễn thông, phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Theo dự thảo, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật được bổ sung, mở rộng so với quy định hiện hành bao gồm hoạt động viễn thông và thêm trung tâm dữ liệu, kết nối IoT, định danh kết nối số, quản lý kinh doanh viễn thông bao gồm cả kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ IaaS.

Đối tượng áp dụng của dự án Luật được bổ sung, mở rộng so với quy định hiện hành bao gồm cá nhân, tổ chức tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến hoạt động viễn thông và trung tâm dữ liệu, kết nối IoT, định danh kết nối số, quản lý kinh doanh viễn thông bao gồm cả kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ IaaS tại Việt Nam.

Dự thảo cũng đề xuất chính sách quản lý và điều tiết thị trường với mục tiêu tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy thị trường bán buôn, bán lẻ phát triển.

Giải pháp thực hiện là bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động bán buôn và trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường này. Cụ thể, cung cấp các dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn với giá cước, điều khoản và điều kiện công bằng, hợp lý, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp mua lại dịch vụ; công khai, minh bạch thông tin giá cước, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật viễn thông, chất lượng mạng và dịch vụ viễn thông. Xây dựng hợp đồng mẫu và báo cáo cơ quan quản lý chuyên ngành về viễn thông...

Đối với chính sách hoàn thiện các quy định về cấp phép viễn thông: Điều chỉnh, bổ sung cách thức cấp phép, điều kiện cấp phép theo thông lệ quốc tế thành 3 hình thức cấp phép gồm cấp phép riêng (Individual licence), cấp phép nhóm (Class license/ General Authorization) và miễn cấp phép (Open entry).

Bỏ các quy định về vốn pháp định trong điều kiện cấp Giấy phép thiết lập mạng; sửa đổi quy định cam kết đầu tư bằng tiền thay bằng các cam kết về triển khai mạng lưới, dịch vụ. Điều chỉnh Giấy phép cung cấp dịch vụ cấp cho doanh nghiệp có hạ tầng mạng có thời hạn 15 năm để đồng bộ với giấy phép thiết lập mạng.

Bộ TT&TT cho biết, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thực thi quản lý cấp phép. Tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi với người sử dụng dịch vụ.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất chính sách hoàn thiện các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên hạ tầng viễn thông mới. Cụ thể, bổ sung một số quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp phá sản, giải thể, dừng hoạt động. Quy định doanh nghiệp triển khai các biện pháp ngăn ngừa cuộc gọi giả mạo, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Trong môi trường số, thông tin riêng liên quan đến người sử dụng cần bảo vệ được mở rộng hơn, do đó cần bổ sung các nhóm thông tin riêng cần được bảo đảm bí mật, như thông tin thời gian truy nhập Internet, địa chỉ website. Bổ sung các quy định về quy trình giải quyết khiếu nại về sử dụng dịch vụ trên môi trường số, xác định trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan có liên quan.