22/11/2024 lúc 14:26 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2022

Sáng ngày 29/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 8/2022 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội nghị. Dự hội nghị có các Thứ trưởng: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long cùng lãnh đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, Công đoàn ngành TT&TT Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì Hội nghị

Những hoạt động nổi bật trong công tác QLNN tháng 8/2022

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ TT&TT về QLNN, Bộ TT&TT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành 01 Nghị định, 01 Quyết định; Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, trực tiếp ban hành 04 Thông tư. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 10/8/2022 về việc phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia được ban hành theo quy định của Luật, trên cơ sở đề xuất của Bộ TT&TT và Bộ Công an.

Trong tháng 8/2022, các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT đã có nhiều hoạt động nổi bật: 

Về lĩnh vực Bưu chính, kinh tế vĩ mô ổn định tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bưu chính tăng trưởng về sản lượng, doanh thu. Doanh thu bưu chính tháng 8/2022 ước đạt 5.000 tỷ đồng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng bưu chính ước đạt trên 186 triệu bưu gửi, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2021.Tổng số loại sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử trong tháng 8 là 185.513 sản phẩm.

Về lĩnh vực Viễn thông, tính đến tháng 8/2022 Việt Nam đã có hơn 170 thành viên triển khai công nghệ ký số tài nguyên Internet. Tỷ lệ ký số tài nguyên Internet trên dữ liệu xác thực định tuyến Việt Nam đạt 61% (tăng 44% so với 2021, cao gấp 2 lần mức trung bình toàn cầu, cao gấp 1,6 lần khu vực ASEAN). Số lượng thuê bao băng rộng cố định đạt 20,73 triệu thuê bao, tăng 0,34% so với tháng trước. Tốc độ tăng trưởng ổn, ước đến cuối năm 2022 đạt 21,7 triệu thuê bao. Thuê bao băng rộng di động đạt 81,8 triệu tăng 0,4% so với tháng 7/2022.

Về lĩnh vực chuyển đổi số, tính đến ngày 20/8/2022, tổng số dịch vụ hành chính công trực tuyến do các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cung cấp đạt 119.464. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 84.286. Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 51,49%, tăng 4,6% so với tháng 7/2022. Việc triển khai xây dựng mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng tính đến ngày 23/8/2022 đã đạt 49 tỉnh thành/63 tỉnh thành, với 42.469 Tổ công nghệ số cộng đồng và 208.308 người tham gia.

Về lĩnh vực An toàn thông tin mạng,số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet trong tháng 8/2022 là 619.610 địa chỉ, giảm 5% so với tháng 7/2022 và giảm 43,1% so với cùng kỳ 2021. Trong tháng 8/2022, Số lượng website lừa đảo bị chặn là 163, tăng 83,1% so với tháng 7/2022, tăng 89,5% so với cùng kỳ tháng 8/2021. Số thuê bao đăng ký sử dụng ký số từ xa đến tháng 8/2022 là 30.550 người, tăng 153% so với tháng 7/2022, tương đương 18.491 thuê bao.

Về lĩnh vực Kinh tế số, tính đến ngày 19/8/2022, Chương trình SMEdx (Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) đã có khoảng 379.865 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc do Chương trình tuyển chọn và có 56.267 doanh nghiệp chính thức sử dụng các nền tảng của Chương trình.

Về lĩnh vực Công nghiệp ICT, doanh thu công nghiệp CNTT trong tháng 8/2022 ước đạt 334.866 tỷ đồng tăng trưởng 19% so với cùng kỳ 2021 (281.172 tỷ đồng) và tăng trưởng 36,56% so với tháng 7/2022 (245.220 tỷ đồng). Doanh thu tăng đột biến do chính sách mở cửa nền kinh tế của Chính phủ tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu và sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng.

Trong năm 2021 đã có 27 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2022 có 43/63 địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Trong thời gian tới, Cục công nghiệp CNTT-TT sẽ tiếp tục bám sát, đôn đốc các địa phương để hết năm 2022, 63 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch phát triển DN công nghệ số.

Về lĩnh vực Báo chí, tháng 8/2022 đã ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí. Đây được coi là “cẩm nang” giúp các Sở TT&TT trong việc phát hiện và xử lý vi phạm “báo hóa”, cũng như giúp các doanh nghiệp cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội tự chấn chỉnh, phòng tránh sai phạm. Bên cạnh đó, tính đến tháng 8/2022, tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam ở mức 3,2%, giảm 0,2% so với tháng 7 (3,4%).…

Về lĩnh vực Xuất bản, In, Phát hành, trong tháng 8/2022, số đầu xuất bản phẩm in là 3.000 xuất bản phẩm; số đầu xuất bản phẩm điện tử là 326 xuất bản phẩm, tăng 24% so với tháng 7/2022, tương đương 63 xuất bản phẩm (tháng 8/2021 các Nhà xuất bản không đăng ký xuất bản phẩm điện tử). Ngoài ra, tính đến tháng 8/2022 đã có 9/13 nhà xuất bản có đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử sử dụng nền tảng phát hành điện tử dùng chung. 

Tập trung hoàn thiện các văn bản luật được giao

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng việc xây dựng luật rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Vì vậy, Cục Viễn thông, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Công nghiệp CNTT-TT cần tập trung, chủ động hơn nữa trong việc hoàn thiện các nội dung của Luật, nhất là Luật Viễn thông phải hoàn thiện dự thảo để đăng lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ (mic.gov.vn) vào ngày 30/9 để lấy ý kiến góp ý. Muốn phát triển công nghiệp công nghệ số thì phải có hành lang pháp lý, do vậy cần phải tập trung hoàn thiện việc xây dựng luật Công nghiệp công nghệ số. Thứ trưởng yêu cầu Cục Công nghiệp CNTT-TT hoàn thiện trong tháng 12/2022 để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2023 của Quốc hội. Đối với công tác đấu giá tần số, tài nguyên mạng, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện, Trung tâm Internet Việt Nam khẩn trương tập trung thực hiện. 

Triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) phải luôn sáng tạo, khác biệt, hướng tới hiệu quả

Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhắc lại chỉ đạo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng là khi triển khai Tổ CNSCĐ cần luôn sáng tạo, khác biệt, hướng tới thực chất và hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, công việc thì nhiều nhưng nguồn lực, con người có hạn nên cần phải huy động sức mạnh của cộng đồng để cùng chung tay giải quyết vấn đề và phải tạo ra lợi ích dương cho xã hội. Triển khai Tổ CNSCĐ cũng như vậy, phải mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia. Bộ TT&TT hướng dẫn chung triển khai Tổ CNSCĐ, mỗi địa phương có cách làm khác nhau để đạt được mục tiêu theo đặc thù của địa phương mình. 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Cục Chuyển đổi số Quốc gia được chỉ đạo xây dựng tài liệu hướng dẫn Tổ CNSCĐ và đã gửi 63 Sở TT&TT. Việc đào tạo, hướng dẫn phải làm hết sức ngắn gọn, đơn giản để Tổ CNSCĐ và người dân làm sao sáng học, chiều có thể thực hiện được ngay". Bên cạnh đó, tập huấn cho Tổ CNSCĐ và người dân về kỹ năng số cũng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp vì có thể tiết kiệm chi phí, phát triển người dùng, tiết kiệm chi phí xã hội. Bộ TT&TT cũng đã ký kết thoả thuận với Trung ương Đoàn TNCS Hồ chí Minh về việc tham gia tích cực của Đoàn Thanh niên vào Tổ CNSCĐ. 

Về công tác tuyên truyền trong dịp nghỉ lễ 2/9, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn chỉ đạo các đơn vị phải tập trung rà quét, đấu tranh với các thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Văn phòng Bộ đôn đốc các đơn vị thông báo lịch trực, đảm bảo các quy định mà Bộ trưởng Bộ TT&TT đã yêu cầu. 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, trong tháng 8/2022, Bộ TT&TT đã và đang triển khai thực hiện Nghị định số 48/2022/NĐ-CP về "Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông ". Các đơn vị thực hiện ngay chức năng nhiệm vụ mới đã được giao cho Bộ. Vụ Tổ chức Cán bộ tiếp tục tổ chức đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện. Các đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ công, đặc biệt là đối với nhiệm vụ trọng tâm theo tuần, theo tháng, bám sát kế hoạch để triển khai. Văn phòng Bộ cần theo dõi nhắc nhở kịp thời về tiến độ. Thứ trưởng yêu cầu “Trong thời gian tới, bộ máy các đơn vị của Bộ; việc bổ nhiệm, phân công nhiệm vụ mới sẽ được kiện toàn. Các cán bộ được tin tưởng bổ nhiệm phải quyết tâm hơn, phát huy trách nhiệm, tiếp nhận nhiệm vụ mới và thực hiện quyết liệt”./. 

... Theo mic.gov.vn