19/12/2024 lúc 04:49 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Tài chính: Thu ngân sách nhà nước tăng so với dự toán

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, đến cuối tháng 11/2022, thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1,638.9 ngàn tỷ đồng, bằng 116.1% dự toán, tăng 17.4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, ngân sách Trung ương ước đạt 114.9% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 117.4% dự toán.

Cụ thể, thu nội địa ước đạt 1,300.7 ngàn tỷ đồng, bằng 110.5% dự toán, tăng 13.5% so với cùng kỳ năm 2021. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu hồi vốn, thu cổ tức, thu xổ số kiến thiết, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa đạt 110.5% dự toán, tăng 11.5% so với cùng kỳ.

Đến hết tháng 11/2022, có 10 khoản thu ngân sách nhà nước vượt dự toán. Trong đó, các khoản thu về nhà, đất đạt 136.1%; thu từ hoạt động sổ xố kiến thiết đạt 110.7% và các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh ở 3 khu vực kinh tế (thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 104.3% dự toán, tăng 7.1%.

Ngoài ra, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 106.4% dự toán, tăng 10.2%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 111.6% dự toán, tăng 9.2%).

Đáng chú ý, ước tính có 60/63 địa phương thực hiện thu nội địa 11 tháng đạt trên 95% dự toán. 50/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 13 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Về thu từ dầu thô, tính đến cuối tháng 11/2022, thu từ dầu thô ước đạt 68,970 tỷ đồng, vượt 144.6% dự toán, tăng 77.6% so cùng kỳ.

Trong khi đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) ước đạt gần 263,500 tỷ đồng, bằng 132.4% dự toán, tăng 25.1% so cùng kỳ năm 2021. Con số này tính trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 402,400 tỷ đồng, bằng 114.3% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ 138,950 tỷ đồng, bằng 90.8% dự toán.

Bộ Tài chính cũng cho biết, có được kết quả tích cực trong thu ngân sách nhà nước là do ngành hải quan. Cụ thể là do kim ngạch XNK, đặc biệt là kim ngạch XNK có thuế tăng. Ngành hải quan đã tăng cường công tác quản lý thu và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa để giúp đẩy mạnh hoạt động XNK.

Tính đến ngày 15/11/2022, ngành hải quan đã thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào ngân sách nhà nước gần 394.12 tỷ đồng. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 13,800 vụ vi phạm với giá trị hàng hóa khoảng 4,800 tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN khoảng 266.2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, thu ngân sách 11 tháng vượt dự toán và tăng so với cùng kỳ 2021 nhưng thu những tháng cuối năm có dấu hiệu giảm. Theo đó, trong tháng 11, thu nội địa ước đạt 105,900 tỷ đồng, giảm khoảng 41,000 tỷ đồng so với tháng trước, chủ yếu do một số khoản thu chế độ cho phép thu theo quý.

Cụ thể như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng nhà nước,... phát sinh quý III các doanh nghiệp đã kê khai nộp trong tháng 10, sang tháng 11 phát sinh thấp.

Ngoài ra, một số ngành, lĩnh vực hoạt động sản xuất-kinh doanh, thị trường tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn. Một số ngành giảm thu ngân sách nhà nước như: Sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó đặc biệt là sắt, thép (10 tháng 2022 giảm 15.3% so với cùng kỳ); thiết bị công nghệ; điện thoại di động (giảm 5.1%); tivi các loại (giảm 1.4%);... 

Trong 11 tháng qua, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Lũy kế đến hết tháng 11, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 186,700 tỷ đồng. Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 105,900 tỷ đồng (số thuế gia hạn đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 76,330 tỷ đồng); số tiền miễn, giảm khoảng 80,800 tỷ đồng.

Chính sách thu được thực hiện đã góp phần hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đấy sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, ngành tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, gian lận thương mại, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, giao dịch xuyên biên giới.

Đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế…

Đáng chú ý, hồi tháng 10 vừa qua, Bộ Tài chính cũng đưa ra con số dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 2,1 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 291.600 tỷ đồng (16,3%) so với dự toán năm 2022. 

Thanh Bút