22/11/2024 lúc 11:43 (GMT+7)
Breaking News

Bổ sung, hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 111/2015/NĐ-CP, “Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh”. Như vậy, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được hiểu là các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào, những sản phẩm công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam, có vai trò hỗ trợ cho việc sản xuất các thành phẩm chính.

Mỗi loại sản phẩm đều có những đặc thù riêng và đều có những đòi hỏi ở các mức độ khác nhau về yếu tố phụ trợ, do vậy các ngành công nghiệp phụ trợ rất đa dạng.

Ảnh minh họa - TL

Vai trò và thực trạng của ngành Công nghiệp hỗ trợ ở nước ta hiện nay

Công nghiệp hỗ trợ có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, nó trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa quốc gia. Ở tầm vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp giảm kim ngạch nhập khẩu đầu vào sản xuất, qua đó hạn chế các căng thẳng về thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế (nhất là cán cân thương mại) cũng như ngoại tệ đối với những nước nhập khẩu hàng hóa. CNHT còn có vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp, đồng thời kích thích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Do đó, có thể nói, CNHT là ngành sản xuất công nghiệp mang tính nền tảng, chính yếu và là xương sống của nền công nghiệp quốc gia, quyết định giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm…

Tuy nhiên, thực trạng phát triển của ngành CNHT tại Việt Nam hiện nay còn một số mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường công nghiệp; như: Công nghiệp hỗ trợ còn rất mỏng và yếu; chủ yếu mới tập trung ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Chất lượng sản phẩm chênh lệch so với nước ngoài… Các chuyên gia cũng chỉ ra những "điểm nghẽn" của ngành CNHT, thông qua các mặt: Nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu; công nghiệp Việt Nam phát triển mất cân đối, phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài; phát triển công nghiệp chưa tận dụng được lợi thế cạnh tranh của các địa phương và vùng kinh tế để hình thành các chuỗi giá trị công nghiệp. Đồng thời vấn đề đặt ra là cần khơi thông các chính sách để thu hút đầu tư về nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để “phủ đầy” những khoảng trống về công nghiệp hỗ trợ hiện nay.

Do chưa có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất CNHT, đặc biệt là chính sách về vốn vay, lãi suất ưu đãi, chính sách thuế… nên sự phát triển của CNHT đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Mặc dù đã được quy hoạch tổng thể nhưng việc quy hoạch lại chưa được thực hiện cho từng vùng, miền, địa phương, do đó việc phát triển CNHT còn mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa phát triển công nghiệp nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ còn lỏng lẻo, nhiều doanh nghiệp FDI muốn tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin và cơ hội…

Để khuyến khích ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Công thương đã mở ra rất nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào CNHT, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua việc kết nối với các doanh nghiệp có vốn FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhờ đó, ngành CNHT của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp CNHT; trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang là nhà cung cấp cấp 1 cho các tập đoàn lớn và khoảng 700 doanh nghiệp là nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3.

Gần đây nhất, ngày 17/01/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 71/QĐ – TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18/01/2017 về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. Theo QĐ 71, từ năm 2021 đến năm 2025, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thực hiện: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ướng sản phẩm cho khách hành trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ…

Hiện nay tại nhiều tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển các khu, cụm liên kết ngành, các nhóm doanh nghiệp chuyên doanh sản phẩm tạo ra sức cạnh tranh cao. Các khu, cụm công nghiệp liên kết này đã và đang mang lại hiệu quả vượt trội trong sản xuất so với các khu cụm công nghiệp khác. Do tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất cùng một lĩnh vực nên tạo ra động lực cạnh tranh phát triển mạnh. Các khu, cụm công nghiệp liên kết còn cho phép các doanh nghiệp có nhiều cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, chuyên môn hóa trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực giao dịch, gia công đặt hàng, vận tải, cung cấp, xử lý chất thải…

Như vậy, cần hoàn thiện chính sách để phát triển CNHT, đồng thời bố trí đủ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện Chương trình phát triển lĩnh vực này. Bên cạnh đó là việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp CNHT. Đặc biệt, để dành lại thị phần cho doanh nghiệp trong nước, cần rà soát lại hệ thống pháp luật để cơ chế, chính sách đã được ban hành phải đi vào cuộc sống, doanh nghiệp có thể hấp thụ và từ đó lớn lên.

Về các chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Phát triển công nghiệp trọng điểm, bao gồm những ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng. Đó là những ngành tạm coi là nền tảng của ngành công nghiệp Việt Nam và cũng là động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương và địa phương để tập trung phát triển ngành này, triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện phổ biến, tuyên truyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy hiệu quả của các trường đại học, cao đẳng thuộc ngành công thương và một số trường nghề ở trong ngành lao động cũng như là ngành giáo dục.

Giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ

Để đảm bảo thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, cùng với các cơ chế, chính sách đang được Bộ Công thương đề xuất, xây dựng, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những giải pháp sau:

1-Tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

2- Bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

3- Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng.

4- Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

5- Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển.

6- Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

7- Tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển.

8- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi, và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ./.

Ths. Lâm Văn Quân

...