25/11/2024 lúc 22:12 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Công thương: Có tình trạng "găm hàng" xăng dầu để trục lợi

Lãnh đạo Bộ Công thương nhận định hầu hết cửa hàng ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Lãnh đạo Bộ Công thương nhận định hầu hết cửa hàng ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá.

Có tình trạng thiếu hụt cục bộ do găm hàng

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải

Chiều 8/2, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp về tình hình sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin về việc tại một số địa phương có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu.

Tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Tuy nhiên vừa qua, một số nơi có hiện tượng cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Qua kiểm tra, hầu hết cửa hàng ngừng bán hàng do lấy nguồn hàng từ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhỏ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá. Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng đại lý của doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý "găm hàng" nhằm trục lợi.

“Các bộ, ngành, doanh nghiệp đầu mối cũng khẳng định tình trạng thiếu hụt xăng dầu chỉ xảy ra cục bộ tại cửa hàng, đại lý của các doanh nghiệp nhỏ, do tâm lý găm hàng nhằm trục lợi. Chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu như quy định dự trữ xăng dầu bắt buộc của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 20 ngày…” - Thứ trưởng Hải cho biết.

Liên quan đến vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, ngày 24/1, Bộ Công thương đã có Công văn số 23/BCT-TTTN yêu cầu Công ty hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) báo cáo tình hình sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu theo đúng kế hoạch sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu đã đăng ký với Bộ Công thương năm 2022. Đồng thời, báo cáo kế hoạch giao hàng cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng trong Quý I và các tháng kế tiếp năm 2022.

Tại công văn trả lời Bộ Công thương, NSRP cho hay lý do dẫn đến hủy mua các chuyến dầu thô và giảm công suất nhà máy so với kế hoạch là tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, vấn đề khó khăn là ở nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên trách nhiệm của NSRP là phải đảm bảo cung cấp đủ sản lượng mặt hàng xăng dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật.

Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công thương kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, do đó phải được quản lý, điều hành một cách khoa học, chặt chẽ.

Hiện nay, dự trữ trong nước đủ lớn, đồng thời Việt Nam có đầy đủ các quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng và sản xuất. Chính phủ đã giao Bộ Công thương có đủ thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý của mình.

“Bộ cần chủ động hơn trong điều hành, tuyệt đối không được để thiếu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân” , Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ Công thương cần thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng nhằm trục lợi; phải đảm bảo cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu; có kế hoạch chi tiết, chính xác hơn, đảm bảo chủ động, kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát kỹ cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. Bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống nhân dân nên bắt buộc phải quản lý chặt chẽ, khoa học.

Trước đó, ngày 28/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã ký Công điện gửi Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước và Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Trong Công điện, Bộ Công thương nhấn mạnh, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu; kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.