23/01/2025 lúc 02:47 (GMT+7)
Breaking News

Bộ Công an hoàn thiện quy định pháp luật trong công tác phòng, chống ma túy

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy...

Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần đáp ứng tốt hơn yêu cầu của công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong thời gian tới.

Bộ Công an cho biết, mục đích xây dựng Nghị định nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống ma túy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy.

Đồng thời, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các quy định hiện hành có liên quan; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý chặt chẽ, thuận lợi, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về hoạt động phối hợp giữa công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu và trên biển; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; đáp ứng được những yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong tình hình mới, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về: Công tác phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Khoản 5 Điều 11, Khoản 2 Điều 13, Khoản 2 Điều 14, Khoản 3 Điều 17, Điều 18, Điều 19, Khoản 6 Điều 23 Luật Phòng, chống ma túy số 73/2021/QH14 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021.

Tháo gỡ khó khăn trong phối hợp phòng, chống tội phạm ma túy

Theo Bộ Công an, thời gian qua, công tác phối hợp liên ngành phòng, chống tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, nhưng cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Để khắc phục, dự thảo đề xuất quy định cụ thể về các cơ quan chuyên trách và thường trực phối hợp trong phòng, chống tội phạm về ma túy; nguyên tắc, nội dung và hình thức phối hợp giữa các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc công an nhân dân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan trong thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma tuý.

Các nội dung phối hợp cũng được quy định cụ thể: Phối hợp tham mưu, chỉ đạo; phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp trao đổi thông tin; phối hợp thực hiện các biện pháp nghiệp vụ; phối hợp đấu tranh chuyên án và điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cụ thể; các nội dung phối hợp khác (đào tạo, huấn luyện; hợp tác quốc tế…).

Dự thảo cũng quy định các hình thức phối hợp như: Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình liên quan đến nội dung phối hợp giữa các các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thông qua các hình thức làm việc trực tiếp, qua các phương tiện thông tin, gửi văn bản…; thành lập tổ công tác phối hợp liên ngành; quy định chi tiết về công tác giao ban; chế độ báo cáo, thống kê, cơ quan thường trực công tác phối hợp.

Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy

Bộ Công an cho biết, nội dung quy định về công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy được quy định ở nhiều văn bản khác nhau. Nội dung các quy định chưa điều chỉnh hết các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy hiện nay và quy định bổ sung của Luật Phòng, chống ma túy như: Thiếu hoạt động tạm xuất, tái nhập và một số hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, thiếu các chất được kiểm soát là thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất và nguyên liệu làm thuốc; thiếu các nội dung như một số hoạt động kiểm soát trong lĩnh vực hải quan; các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chưa cụ thể và thống nhất, đặc biệt là trong công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở các cấp…

Do vậy, dự thảo đã dành Chương III để quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, gồm nguyên tắc thực hiện và các nội dung cụ thể.

Trong đó, từ Điều 15 đến Điều 19 quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước: Quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân được tiến hành hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy ở trong nước; trình tự, thủ tục cấp phép nghiên cứu, giám định, sản xuất; kiểm soát hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển; bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

Điều 20 đến Điều 24 quy định về kiểm soát các hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam các chất ma túy, tiền chất, thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

Dự thảo cũng quy định cụ thể việc lập hồ sơ và chế độ báo cáo các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh; về phối hợp kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định cụ thể công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó nêu rõ nguyên tắc quản lý phải tuân thủ quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy phải được tiến hành công khai, khách quan và công bằng. Tôn trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng trái phép chất ma túy và gia đình của họ; bảo đảm sự tham gia quản lý của gia đình, cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập và cộng đồng nơi người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú, công tác, làm việc, học tập. Nghiêm cấm lợi dụng việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy để xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân...

Dự thảo cũng nêu rõ căn cứ xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, bao gồm: Tin báo, tố giác của cá nhân, cơ quan tổ chức; lời khai của những người có liên quan, dữ liệu điện tử trong các vụ vi phạm pháp luật; người có biểu hiện mất năng lực nhận thức hoặc kiểm soát hành vi nghi do sử dụng ma túy; trên người, phương tiện, nơi ở có dấu vết của chất ma túy hoặc dụng cụ, phương tiện sử dụng trái phép chất ma túy; người điều khiển phương tiện có biểu hiện sử dụng chất kích thích nghi là ma túy; người có mặt tại các địa điểm có hành vi tổ chức, chứa chấp hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng không có lý do chính đáng; người tự khai báo hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; những căn cứ khác theo quy định của pháp luật.