Trải qua hơn 4 thập kỷ hình thành và phát triển, thị xã Bỉm Sơn đã và đang khẳng định vai trò không chỉ là một trong 4 khu kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa mà còn phấn đấu trở thành Thành phố đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa tầm nhìn 2021-2025.
Quốc lộ 1A đoạn đi qua Thị xã Bỉm Sơn
Thị xã Bỉm Sơn là thị xã trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, cách thủ đô Hà Nội 120km, cách thành phố Thanh Hóa 34km. Được xác định là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế động lực, đồng thời là cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thanh Hóa. Trong những năm trở lại đây, nhờ vào việc ưu tiên dồn mọi nguồn lực để đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đã trở thành một trong những điểm sáng của địa phương, từ đó giúp bộ mặt của thị xã Bỉm Sơn thêm phần khang trang. Việc phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực đã có tính liên kết giữa các vùng, nhờ vậy mà tính kết nối giữa các địa phương được tăng lên.
Tận dụng tiềm năng để phát triển hạ tầng giao thông
Sở hữu cho mình những tiềm năng to lớn, đặc biệt là hệ thống giao thông thuận lợi, cách cảng biển Nghi Sơn 75km và cách Hà Nội 110km, với hệ thống giao thông thuận tiện cho việc tập kết và giao thương hàng hóa. Cơ sở hạ tầng trong những năm qua đang được tập trung phát triển và hoàn thiện, thị xã Bỉm Sơn hiện đang trở thành điểm đến thu hút đầu tư phát triển công nghiệp lý tưởng. Hiện nay, tại KCN Bỉm Sơn đã có rất nhiều dự án, nhà máy, đang được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả.
Là địa phương có tuyến Quốc lộ 1A đi qua, Bỉm Sơn còn sở hữu hệ thống đường sắt Bắc - Nam đi qua nhờ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, logistics cũng như thông thương kinh tế. Ngoài ra, tuyến đường cao tốc Mai Sơn – QL45 có chiều dài hơn 53km đang được thi công với tổng mức đầu tư lên đến 12.343 tỷ đồng, có thiết kế 6 làn xe với vận tốc 120km/h nhờ vậy mà quãng đường từ Ninh Bình đến Thanh Hóa được rút ngắn, qua đó tăng cơ hội đầu tư vào khu vực khác, giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại Quốc lộ 1A. Nhờ đó tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển và hình thành các khu công nghiệp, du lịch dọc tuyến Ninh Bình – Thanh Hóa và đặc biệt, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ lưu thông qua các địa bàn trọng điểm về kinh tế: Ninh Bình - Bỉm Sơn - Hà Trung - Nghi Sơ. Đặc biệt, tuyến kết nối Mai Sơn - Bỉm Sơn - Nghi Sơn - Nga Sơn - Hậu Lộc trong hệ thống đường bộ - đường sắt- cảng biển nước sâu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế đầu tư công - công nghiệp theo hướng chuyên môn hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, DDI trong thời gian tới của Thanh Hóa, Ninh Bình nói chung và Bỉm Sơn nói riêng.
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy trao quyết định cho đồng chí Trịnh Tuấn Thành giữ chức Chủ tịch UBND Thị xã Bỉm Sơn. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy công nghiệp truyền thống trên địa bàn phát triển hiệu quả, trọng điểm là các nhà máy sản xuất có nhiều kinh nghiệm và có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Bỉm Sơn – Phát triển hạ tầng để sẵn sàng cho các cuộc đầu tư lớn
Thời gian qua, thị xã đã và đang thu hút được hơn 31 dự án đầu tư với tổng diện tích thuê đất hơn 115ha, tổng vốn đầu tư lên đến hơn 1.995 tỷ đồng. Trong đó, với các dự án lớn như: Nhà máy chế tạo cẩu và kết cấu thép YADA, Công ty CP xuất nhập khẩu khí gas Vạn Lộc, Nhà máy gạch Long Thành, Nhà máy bao bì xi măng Long Sơn, Công ty TNHH KH Vina, Nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh Divital Germany…Trong đó, giai đoạn năm 2018, thị xã Bỉm Sơn đã có 7 dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn lên đến 630 tỷ, các dự án này hiện đang được đầu tư và đi vào hoạt động.
Khu công nghiệp Bỉm Sơn A
Không chỉ sở hữu cho mình lợi thế về hạ tầng giao thông, từ lâu thị xã Bỉm Sơn được biết đến như thủ phủ công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa với hàng loạt các khu công nghiệp, tập trung phát triển vào các ngành công nghiệp nặng, khai khoáng, cơ khí chính xác và chế tạo ô tô. Hiện nay, các khu công nghiệp và tổ hợp công nghiệp lớn tại Bỉm Sơn như: khu công nghiệp Bỉm Sơn với tổng diện tích hơn 600ha; Tổ hợp khu công nghiệp và nghiên cứu chế tạo ô tô VAMC, tổ hợp nhà máy Xi măng Long Sơn, Bỉm Sơn; Tổ hợp khu công nghiệp HUD Bỉm Sơn… cùng với đó là hàng loạt các nhà máy – khu chế tạo – khu công nghiệp phụ trợ cho các lĩnh vực sản xuất chế tạo ô tô của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản như: Hyundai, Honda, Toyota… Hàng năm, đã đóng góp cho ngân sách của tỉnh Thanh Hóa hàng chục ngàn tỷ đồng.
Cùng với quy hoạch, thực hiện chủ trương xây dựng thị xã Bỉm Sơn trở thành trọng điểm công nghiệp phía Bắc của tỉnh, thị xã Bỉm Sơn đã và đang tiếp tục phát huy lợi thế, cải thiện môi trường đầu tư và rút gọn thủ tục hành chính trong công tác thu hút đầu tư, triển khai dự án, từng bước đưa công nghiệp trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế trên địa bàn.