26/11/2024 lúc 15:54 (GMT+7)
Breaking News

Biến thể ở Ấn Độ đã xuất hiện tại mọi khu vực trên thế giới

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/5 thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ, còn gọi là biến thể B.1.617 đã xuất hiện ở 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/5 thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Ấn Độ, còn gọi là biến thể B.1.617 đã xuất hiện ở 44 quốc gia và toàn bộ các khu vực trên thế giới.

Trước đó, WHO cho biết biến thể B.1.617 đã được phân loại ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.

Theo Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, biến thể B.1.617 dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine. Bà Van Kerkhove cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang phân loại đây là biến thể gây quan ngại ở cấp độ toàn cầu". 

Ảnh minh họa (Nguồn: Economic Times)

B.1617 là loại thứ tư được đưa vào mục biến thể đáng lo ngại (VOC) của toàn cầu, đòi hỏi phải được theo dõi và phân tích kỹ hơn. Ba loại biến thể đáng lo ngại còn lại là các loại được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil.

Theo WHO, dòng biến thể chính của B.1.617 lần đầu tiên được tìm thấy ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, mặc dù một phiên bản trước đó đã được phát hiện vào tháng 10/2020.

Người ta vẫn chưa biết liệu làn sóng đại dịch hiện tại của Ấn Độ có liên quan đến biến thể này hay không.

Lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.500 ca tử vong, trong đó riêng Ấn Độ là 4.200 ca, một kỷ lục mới. Toàn cầu cũng đã vượt ngưỡng 160 triệu ca mắc COVID, bao gồm gần 3,33 triệu ca tử vong.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh hợp tác toàn cầu trong vấn đề chia sẻ vaccine là lựa chọn duy nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros nêu rõ sự bất bình đẳng toàn cầu trong tiếp cận vaccine vẫn là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với việc chấm dứt đại dịch COVID-19. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể đánh bại đại dịch bằng cách cạnh tranh, chúng ta không thể. Nếu các bạn cạnh tranh để có nguồn lực, hoặc nếu bạn cạnh tranh để có lợi thế địa chính trị, thì virus sẽ thắng thế". 

Tổng Giám đốc WHO nhận định thêm rằng nguyên tắc rất cơ bản đó là coi virus SARS-CoV-2 là kẻ thù chung. Cũng theo ông, bất chấp việc giảm số ca nhiễm mới COVID-19 tại hầu hết các khu vực, trong đó có châu Mỹ và châu Âu - hai khu vực chịu tác động lớn nhất trong đại dịch, cho đến nay thế giới vẫn đang chứng kiến con số cao "không thể chấp nhận được", với hơn 5,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và gần 90.000 ca tử vong ghi nhận trong tuần qua.

Hồi tháng trước, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết trong hơn 900 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng trên toàn thế giới cho đến lúc đó, chỉ có 0,3% là ở các nước thu nhập thấp - con số mà Tổng thống Pháp E.Macron mô tả là "không chấp nhận được".

Theo số liệu của WHO, các nước có thu nhập cao và trung bình cao, chiếm 53% dân số toàn cầu, đã nhận được 83% số vaccine ngừa COVID-19 của cả thế giới. Trong khi đó, các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp chỉ nhận được 17% tổng số vaccine.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiết lộ gần một nửa các nhà lãnh đạo trên thế giới đã liên hệ với ông để đề nghị Washington hỗ trợ mua vaccine ngừa COVID-19. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nước này sẽ cố gắng hỗ trợ các nước khác, song không nêu tên cụ thể những quốc gia đã đưa ra đề nghị trên.

Hiện Mỹ đang phải đối mặt với áp lực quốc tế ngày càng lớn, trong đó có Ấn Độ, yêu cầu Washington chia sẻ số lượng vaccine dư thừa khổng lồ. Tổng thống Biden hồi tháng trước đã cam kết phân phối 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho Ấn Độ. Trước đó, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ cho 2 nước láng giềng là Mexico và Canada vay 4 triệu liều vaccine cả AstraZeneca.