Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới và tại nhiều nơi, nó đã trở thành biến thể lây lan chủ đạo.
Tại Mỹ, số liệu của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nước này công bố ngày 7/7 cho thấy biến thể Delta chiếm tới 51,7% số ca mắc mới trong hai tuần kết thúc vào ngày 3/7. Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể Alpha hiện giảm và chỉ chiếm 28,7% số ca mắc. Mỹ hiện ghi nhận 34.641.050 ca mắc COVID-19, cao nhất trên toàn cầu, trong đó có 621.849 ca tử vong.
Biến thể Delta còn được gọi là "đột biến kép"
Các dữ liệu báo cáo sơ bộ cho thấy những loại vaccine hiện có của hãng Pfizer/ BioNTech, AstraZeneca và Moderna đều có hiệu quả trong phòng bệnh COVID-19. Do đó, Tổng thống Joe Biden đã khuyến khích người dân Mỹ đi tiêm chủng để bảo vệ bản thân trước nguy cơ lây nhiễm biến thể nguy hiểm này.
Theo WHO, biến thể Delta còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha và sẽ nhanh chóng phổ biến cũng như "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu. WHO đã liệt biến chủng Delta vào nhóm gây quan ngại, cùng với các biến thể Alpha, Beta và Gamma.
Các biến thể của virus SARS-CoV-2 theo cách gọi tên của WHO: B.1.1.7: Alpha; B.1.351: Beta; P.1: Gamma; B.1.429: Epsilon; B.1.526: Lota; B.1.617.1: Kappa; B.1.617.2: Delta
Tại Thái Lan, Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chính tại thủ đô Bangkok. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Thái Lan, có 52% số ca nhiễm mới ghi nhận trong thời gian từ 28/6 đến 2/7 tại Bangkok được xác định nhiễm biến thể Delta. Trong khi đó, biến thể Alpha phát hiện đầu tiên tại Anh chiếm 47% số ca mắc COVID-19 tại Bangkok và 65,1% số ca mắc COVID-19 trên cả nước.
Tại Pháp, người phát ngôn chính phủ nước này, ông Gabriel Attal ngày 7/7 thông báo biến thể Delta chiếm tới 40% số ca mắc COVID-19 tại Pháp. Ông cảnh báo làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 sẽ sớm bùng phát tại quốc gia châu Âu này khi tỷ lệ các ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng cao hơn tại 11 tỉnh, thành ở Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris. Dự kiến, Chính phủ Pháp sẽ họp vào ngày 12/7 để xem xét mọi kịch bản ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19.
Hội đồng nghiên cứu y khoa Nam Phi (SAMRC) ngày 6/7 thông báo Delta đã trở thành biến thể lây lan chủ yếu tại nước này sau khi phát hiện biến thể có khả năng lây nhiễm nhanh này tại một số thành phố, thị trấn của tỉnh Western Cape.
Theo SAMRC, biến thể Delta đã được phát hiện tại 19 nhà máy xử lý nước thải ở thành phố Cape Town thông qua chương trình nghiên cứu và giám sát nước thải của SAMRC vốn được lập ra hồi tháng 7/2020 để hỗ trợ nỗ lực của Chính phủ Nam Phi chống dịch COVID-19. Đây cũng là chương trình được nhiều nước triển khai thực hiện để nhờ đó phát hiện sớm ổ dịch thông qua nước thải có virus SARS-CoV-2. Việc xác định biến thể Delta trong nước thải sinh hoạt được thực hiện nhờ công nghệ qRT-PCR.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đầu tháng này cảnh báo biến thể Delta đang khiến dịch COVID-19 lây lan tại châu Phi với tốc độ kỷ lục. Theo WHO, số ca bệnh tại châu Phi đã tăng mạnh trong 6 tuần liên tiếp. Số ca nhiễm trong vòng 7 ngày tính đến ngày 27/6 vừa qua đã tăng 25% so với tuần trước đó, lên gần 202.000 ca. Số ca mắc mới theo tuần cao nhất từ trước đến nay tại châu Phi ghi nhận ở mức 224.000 ca/tuần. Số ca tử vong do COVID-19 ở 38 quốc gia châu Phi tăng 15% lên gần 3.000 ca trong cùng thời gian kể trên.
Giám đốc WHO khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho rằng tốc độ và quy mô của làn sóng dịch bệnh thứ 3 là chưa từng thấy. Hiện biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đã được phát hiện tại 16 quốc gia châu Phi, trong đó biến thể này gây ra 97% số ca tại Uganda và 79% số ca tại CHDC Congo. Nhu cầu oxy ở châu Phi hiện cao hơn 50% so với thời kỳ đỉnh dịch trong làn sóng dịch bệnh thứ nhất cách đây 1 năm.
Bà Moeti nhận định sự lây lan nhanh chóng các biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn đang khiến mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tại châu Phi tăng lên một cấp độ hoàn toàn mới.
Người đứng đầu Viện Nghiên cứu y sinh quốc gia CHDC Congo Jean-Jacques Muyembe cũng cảnh báo sẽ là thảm họa nếu biến thể Delta tiếp tục đà lây lan mạnh hiện nay ở nước này. Theo quan chức này, các bệnh viện cũng như nhà xác tại CHDC Congo đã bị quá tải.
Trong khi đó, các quốc gia châu Phi đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vaccine ngừa COVID-19. Đến nay, chỉ 15 triệu người, tương đương 1,2% dân số châu lục này, được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu trong cuộc họp báo mới đây, người đứng đầu WHO lưu ý biến thể Delta hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Theo ông, biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.
Người đứng đầu WHO cho rằng cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội. Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo đảm cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 8/7 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận tổng cộng 185.816.850 ca mắc COVID-19 và 4.017.142 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 170.074.012 ca.