19/01/2025 lúc 07:07 (GMT+7)
Breaking News

 Biên phòng Kon Tum lan tỏa Chương trình "Nâng bước em tới trường"

Thời gian qua, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam – Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Chương trình đã và đang giúp đỡ hàng chục học sinh thuộc diện hộ nghèo người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, đến lớp học tập, đeo đuổi con chữ; không bị “đứt gánh” giữa chừng,

Thời gian qua, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam – Campuchia, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Chương trình đã và đang giúp đỡ hàng chục học sinh thuộc diện hộ nghèo người dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được đến trường, đến lớp học tập, đeo đuổi con chữ; không bị “đứt gánh” giữa chừng, góp phần tích cực vào sự nghiệp “trồng người” trên đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. 

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam – Campuchia.

Những bước ngoặt trong cuộc đời của học sinh nghèo.

Dọc tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh vùng cao Kon Tum có rất nhiều gia đình là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiếu thốn đủ bề, không có điều kiện chăm lo cho con em học tập. Nhiều em học sinh thất học, bỏ học giữa chừng, vì nhà nghèo, đông con, thiếu sự chăm sóc của cha mẹ. Đơn cử như trường hợp em Y Son, người dân tộc Giẻ Triêng ở làng Ta Pók, xã biên giới Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Y Son mồ côi cha từ lúc học lớp 2. Sau khi cha mất, mẹ đi lấy chồng. Gia đình Y Son có đến 8 khẩu, thuộc diện hộ nghèo. Tuổi thơ Y Son gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề, nhiều lần định bỏ học giữa chừng, vì không đủ điều kiện để đeo đuổi con chữ đến cùng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum còn thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường”.

Để trở thành giáo viên trường Tiểu học Lê Văn Tám, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi như ngày hôm nay, phải kể đến sự giúp đỡ tận tâm của Bộ đội Biên phòng Kon Tum trong chương trình “Nâng bước em tới trường”, mà trực tiếp là đại diện Đồn Biên phòng Dục Nông đã đến nhà động viên thăm hỏi giúp đỡ em có thêm sức mạnh, nghị lực trong học tập mới hoàn thành đạt được ước mơ của mình. Bộ đội Biên phòng giúp em từ trang bị sách vở, đồ dùng học tập, đến quần áo, tiền đóng học phí… trong suốt thời gian từ khi đang học Trung học cơ sở, đến Đại học. Y Son tâm sự: Nếu không có sự giúp đỡ của các chú bộ đội Biên phòng, thì em gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập, rèn luyện, rất có nguy cơ nghỉ học để phụ giúp công việc gia đình, và không thể đạt được ước mơ trở thành giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Việt Nam Hội nhập, cô giáo Trần Thị Duyệt, hiệu phó trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ngọc Hồi cho biết Đồn Biên phòng tạo điều kiện hết mức và rất quan tâm giúp đỡ về tinh thần, cũng như vật chất đối Y Son, cũng như các em học sinh đang thụ hưởng chương trình. Từ đó, em Y Son mới vượt qua được khó khăn và trưởng thành như ngày hôm nay. Chương trình Nâng bước em đến trường của Bộ chỉ huy Biên phòng, Đồn Biên phòng Dục Nông rất là hữu ích đối các học sinh người dân tộc thiểu số, đây là nguồn động viên hết sức xứng đáng cho các em, cũng như sự nỗ lực của các anh Đồn biên phòng.

Chiến sĩ biên phòng Giúp em Y Xuân Mai học bài tại nhà.

Đối trường hợp em Y Xuân Mai, đang học lớp 11, trường THPT Phan Chu Trinh, huyện Ngọc Hồi. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, đang ở chung với ông bà ngoại tại làng Tà Pók, xã Đăk Nông. Gia đình đông con, mẹ bị bệnh tim bẩm sinh thường xuyên phải đi điều trị tại bệnh viện. Còn cha bị đau khớp, thoái hóa đốt sống lưng, không làm được việc nặng. Trước những khó khăn của em Xuân Mai, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum đã nhận đỡ đầu theo Chương trình “Nâng bước em tới trường”. Tâm sự với phóng viên, em Y Xuân Mai cho biết: tình cảm của các chú Bộ đội Biên phòng rất là yêu thương cháu, và coi cháu như là một người con của Đồn, yêu thương cháu hết mức; luôn giúp đỡ cháu trong mọi hoàn cảnh khó khăn. Cháu cảm ơn các chú rất nhiều.

Còn Bà Y Vệ, là mẹ của Y Xuân Mai chia sẻ: Đồn Biên phòng Dục Nông hỗ trợ cháu mỗi tháng 500 ngàn đồng. Số tiền đó đối gia đình tôi rất là lớn, để giúp đỡ cháu có tiền mua sách vở, để được đến lớp, đến trường như các bạn cùng trang lứa. Cháu được đi học là nhờ Bộ đội Biên phòng, đây là niềm hy vọng rất lớn của gia đình chúng tôi.

Tâm sự với các phóng viên, em Y Duốc, học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết: nếu mà không có sự giúp đỡ của các chú Biên phòng, thì cháu sẽ gặp khó khăn, không có quần áo mới, sách vở  mới trước ngày khai giảng năm học mới hàng năm, không có xe đạp để đi đến trường, đến lớp.

Buổi lên lớp của cô giáo Y Son.

Tâm sự về việc làm đầy nhân văn của Bộ đội Biên phòng Kon Tum

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum khẳng định: Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ đội Biên phòng tổ chức thực hiện mang tính nhân văn cao, rất thiết thực. Chương trình không chỉ là đơn thuần hỗ trợ về vật chất, mà là sự đồng hành, sẻ chia cùng các em; giúp các em đủ điều kiện để đến trường. Đồng thời, chương trình cũng là niềm tin, tạo cho các em động lực, để các em nỗ lực hoàn thành ước mơ của mình trong tương lai.

 Cô giáo Huỳnh Thị Tường Vy, hiệu phó trường THCS xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết hàng năm trường có từ 15-17 em thuộc gia đình hộ nghèo. Cái nghèo, cái khó, nó bó cuộc sống người dân, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến các em học sinh. Các em không đảm bảo điều kiện tối thiểu về quần áo, sách vở và các dụng cụ cần thiết để đến trường. Đồng thời, có nhiều em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi cha, hoặc mồ côi mẹ; có em sống nương nhờ vào ông bà, vì bố mẹ đi làm ăn xa. Đời sống của các em cực kỳ khó khăn. Chương trình không phải là câu khẩu hiệu hô hào, mà có những hành động rất cụ thể, thiết thực, đã đồng hành cùng với nhà trường để giúp các em học sinh vượt qua được khó khăn để đến trường. Đồng thời chương trình này cũng là niềm tin tạo cho các em động lực để các em nỗ lực hoàn thành ước mơ của mình trong tương lai.

Con đường về nhà của các em sau giờ học.

Ông Bloong Hâm, phó chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho hay chương trình đã đồng hành cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục cho học sinh vùng cao biên giới mang hơi thở ấm tình quân dân. Chương trình là sợi dây liên kết giữa quân và dân của anh Bộ đội Cụ Hồ, và đặc biệt là các em học sinh nói riêng có được tình cảm thắm thiết hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bảng, chủ tịch UBND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi cho biết những việc làm của chương trình rất cụ thể: Các anh Biên phòng xuống đến tận nhà dạy các em học tập, hướng dẫn các em về cách sống, cách đối xử với bà con thôn làng; hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo cuộc sống cho các em cũng như gia đình. Trên cơ sở đó tuyên truyền lan rộng những hộ xung quanh học tập noi theo, để các em có cuộc sống ổn định và có điều kiện tốt hơn trong bước đường học tập.

Sự đồng hành sẻ chia của Bộ đội Biên phòng Kon Tum

Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum đã cụ thể hóa vào nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện; xem chương trình “Nâng bước em tới trường” là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, giải pháp quan trọng để xây dựng địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh toàn diện. Các Đồn Biên phòng phối hợp chính quyền, nhà trường khảo sát, lựa chọn những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lập danh sách đưa vào chương trình.

Bảo vệ cột mốc

Thiếu tá Nguyễn Văn Thường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Dục Nông cho biết: bằng sự đóng góp của cán bộ chiến sĩ mỗi tháng giúp đỡ mỗi cháu 500 nghìn đồng; cắt cử cán bộ xuống hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng để dạy bảo, giúp đỡ các cháu trong quá trình học tập, cũng như giúp đỡ gia đình các cháu phát triển kinh tế, vươn lên để thoát nghèo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Việt Nam Hội nhập, đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy, bí thư Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết: đầu tiên chúng tôi phải giáo dục cho cán bộ chiến sĩ thấy được ý nghĩa, mục đích, tính nhân văn của chương trình này. Để từ đó anh em có tình thương, có trách nhiệm tự nguyện giúp đỡ cho các cháu; phải có sự lãnh đạo chỉ đạo của thường vụ Đảng ủy, của cấp ủy các đơn vị, phân công cán bộ ngoài việc hỗ trợ các cháu ra, thì phải phân công cán bộ có trách nhiệm xuống để giúp đỡ các cháu cùng với nhà trường, gia đình, để các cháu có quyết tâm vượt khó, vượt khổ học tập; phải phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với nhà trường, với địa phương, để vừa quan tâm trước mắt, nhưng đồng thời, sau này các cháu học xong, phải có ngành nghề ổn định”.

Tuần tra biên giới

Hiện tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã và đang nhận đỡ đầu 75 em học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường”. Mỗi thủ trưởng Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh nhận nuôi 2 cháu; mỗi phòng nghiệp vụ nhận nuôi từ 1-2 cháu và mỗi Đồn Biên phòng nhận nuôi từ 2-3 cháu.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” thể hiện sự đồng hành, sẻ chia; ươm những mầm xanh tương cho Tổ quốc; chắp cánh thắp sáng mơ ước cho học sinh nghèo; là sợi dây liên kết gắn bó keo sơn giữa quân và dân trên địa bàn biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển phồn vinh./.