Là người đứng đầu cấp ủy của tỉnh Đắk Lắk, Bí thư Tỉnh ủy - Bùi Văn Cường luôn luôn đề cao chữ “Dân” trên mọi công việc. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đồng chí luôn khắc ghi lời dạy của Người.
Đồng chí Bùi Văn Cường, hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông sinh tại Hải Dương. Trưởng thành qua rất nhiều vị trí khác nhau, xuất thân từ giảng viên trường Đại học Hàng Hải Việt Nam. Với lối sống rất giản dị, gần gũi, hòa đồng và nhất là với bà con; luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của người dân và trả lời, hoặc giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng. Dùng cách của dân để nói với dân, Bí thư Bùi Văn Cường luôn nhận thức rằng: Muốn phát huy năng lực sáng tạo của nhân dân để huy động “tài dân, sức dân để làm giàu cho dân” thì càng phải hướng về cơ sở, gần gũi và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, vì nhân dân phục vụ, phải xây dựng mối quan hệ máu thịt, gắn bó chặt chẽ giữa Đảng với dân thông qua đội ngũ cán bộ đảng viên của Đảng.
Đồng chí Bùi Văn Cường, hiện đang là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. (ảnh Thanh Hải)
Khi phóng viên hỏi tại sao Bí thư lại đặt ra cho mình và đảng bộ tỉnh nhà mục tiêu duy nhất là gần dân, sát dân, chăm lo cho dân, vì dân mà phụng sự? Bí thư Cường xúc động nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đã để lại một hình mẫu tuyệt vời về phong cách lãnh đạo, làm việc gần dân, sát dân luôn chăm lo cho dân. Nhờ phong cách làm việc đó mà đi đến đâu Người cũng nhận được nhiều tình cảm quý mến, kính trọng của đông đảo quần chúng nhân dân, Người luôn hòa mình vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, với những hành động, cử chỉ gần gũi, thân mật, giản dị, thân thương không phải ai cũng làm được. Phong cách của Người đã trở thành kim chỉ nam định hướng cho mỗi cán bộ đảng viên, nhất là đối với việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng và trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Bí thư Bùi Văn Cường cho rằng việc gần dân, sát dân cần được đội ngũ cán bộ địa phương lan tỏa.
Thấm nhuần tư tưởng của Người và xác định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, khi về làm người đứng đầu cấp ủy địa phương, Bí thư Bùi Văn Cường đã chỉ đạo xây dựng quy định định kỳ hàng tháng người đứng đầu cấp ủy các cấp phải tiếp xúc đối thoại với dân và Bí thư tỉnh ủy đã duy trì lịch tiếp dân định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, nhờ đó đã giải quyết rất nhiều đề xuất kiến nghị, khiếu nại của người dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thường xuyên sử dụng những ngày nghỉ thứ 7, chủ Nhật của mình để xuống thăm dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, thăm hỏi đồng bào dân tộc thiểu số, thăm buôn căn cứ cách mạng, mô hình hợp tác xã, mô hình hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để chỉ đạo nhân diện, tìm hiểu đời sống cũng như tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, mong muốn chính đáng của người dân để đề nghị ra các quyết sách kịp thời. Bí thư đã chỉ đạo xây dựng cuộc vận động hiến kế xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, để phát huy trí tuệ của người dân trong xây dựng và phát triển Đắk Lắk; xây dựng đề án cuộc vận động giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên làm giàu chính đáng; Đề án cán bộ người dân tộc thiểu số; chỉ đạo thúc đẩy phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tháo gỡ các điểm nghẽn để tỉnh phát triển...
Nâng cao Ý nghĩa đối với việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên hiện nay.
Phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng ta kế thừa, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, để khơi dậy, quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và dựng xây đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng ta đã được lĩnh hội, hấp thụ từ phong cách làm việc đó của Người và có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương; có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không quản ngại khó khăn, vất vả, bám sát thực tiễn đơn vị, lăn lộn với phong trào của quần chúng, hăng hái đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ, giữ vững bản chất, truyền thống của người cán bộ, đảng viên thắng không kiêu, bại không nản, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị những tác động mặt trái của cơ chế thị trường chi phối, điều khiển, đánh mất mình trong xã hội đầy những cám dỗ, xô bồ, cạm bẫy. Vì thế, đại đa số quần chúng nhân dân tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cơ sở vì họ thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân, giải quyết cơ bản, kịp thời những kiến nghị, lo âu, băn khoăn của quần chúng nhân dân về việc thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và những mâu thuẫn, bất đồng của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường thường xuyên sử dụng những ngày nghỉ thứ 7, chủ Nhật của mình để xuống thăm dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, thăm hỏi đồng bào dân tộc thiểu số, thăm buôn căn cứ cách mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó thì việc học tập và làm theo phong cách làm việc gần dân, sát dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc giáo dục, rèn luyện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn mang tính hình thức, nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc và chưa trở thành nhu cầu, động lực tự thân, thúc bách họ không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để trở thành những tấm gương sáng về sự gần dân, sát dân, thực sự là công bộc của dân, vì dân mà cống hiến. Sự gần dân, sát dân đối với một bộ phận cán bộ chỉ dừng lại ở những lời hô hào khẩu hiệu, lời hứa suông, không gắn với hành động cụ thể thiết thực, hay nói một cách khác họ nói một đằng, làm một nẻo, không sâu sát quần chúng để hiểu sâu sắc bản chất của từng vấn đề, sự việc, thậm chí có những người còn nhũng nhiễu, hạch sách, dọa nạt người dân, không giải thích cho nhân dân hiểu mà tỏ thái độ công quyền, không bằng lòng khi được phân công giao nhiệm vụ chăm lo cho nhân dân.
Khi được hỏi về thí điểm tuyển chọn Bí thư huyện Lắk và Buôn Đôn? Bí thư Cường nói: Đây là cách làm mới trong đánh giá cán bộ, còn quy trình công tác cán bộ 5 bước hay 3 bước chúng tôi đã thực hiện đúng theo quy định của Trung ương. Vấn đề đặt ra ở đây là phải chọn được cán bộ có tâm, có tầm, có phong cách làm việc gần dân, sát dân như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên phải là những người có năng lực, trình độ, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được nhân dân tín nhiệm, đảng viên bầu vào giữ ở những vị trí khác nhau. Vì vậy, việc gần dân, sát dân cần được đội ngũ này lan tỏa, thẩm thấu vào trong mỗi công việc, nhiệm vụ được giao, giải quyết tốt những mối quan hệ trong tập thể, cơ quan và ngoài xã hội, nhất là khi tiếp xúc với nhân dân, giải quyết công việc của nhân dân.
Bí thư Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn của Tạp chí Việt Nam Hội Nhập.
Nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ này, ngày 21/1/2019, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 28 - CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Chỉ thị nhấn mạnh: Chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng. Đắk Lắk là tỉnh đầu tiên thực hiện việc tuyển chọn chức danh này nhằm chọn người tài, không chọn người nhà, kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ, và tiến tới phải sàng lọc cán bộ sao cho phải có tâm có tầm và sát dân, chăm lo cho dân.
Bí thư Cường nhấn mạnh: “Phải đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, đây là công việc then chốt của then chốt. Cán bộ, đảng viên cần gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật của nhà nước, không có biểu hiện tư lợi cá nhân, trong cuộc sống, phải gần dân, tôn trọng dân, lắng nghe nhân dân và thấu hiểu dân, phải là hình mẫu của việc gắn bó mật thiết giữa dân với Đảng”. Tích cực, chủ động tham gia vào những công việc, hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là những nơi khó khăn, gian khổ cần sự tham gia có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chứ không phải chỗ nào có quyền lợi thì đến, chỗ không có quyền lợi, chỉ có trách nhiệm thì vắng.
Sự gương mẫu này cần được cụ thể hoá, thể chế hoá thành những tiêu chí cụ thể, những công việc đem lại lợi ích thiết thực nhất cho quần chúng nhân dân. Bác Hồ đã nói: Nếu cán bộ, đảng viên có đưa ra hàng trăm chủ trương, chính sách mà không đem lại lợi ích cho quần chúng thì những chủ trương, chính sách đó chỉ dừng lại ở những lời nói suông. Nêu gương trong mỗi cán bộ, đảng viên là sự tự nguyện, tự giác, tự nhận thấy trách nhiệm to lớn của mình trước tập thể chứ không phải là sự gượng ép, mang tính bắt buộc của một cá nhân, hay tổ chức nào. Đó là tình cảm, niềm tin, ý chí gắn bó mật thiết với nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên, là sự hòa quyện, thống nhất giữa ý Đảng, lòng dân trong hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Bí thư Cường chia sẻ.
Qua 2 năm về địa phương, với phong cách gần dân, lo cho dân, Bí thư Bùi Văn Cường đã làm được nhiều việc, dám hy sinh quyền lợi cá nhân, quyết tâm, quyết liệt không ngại va chạm, luôn trăn trở, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, chủ động đề xuất nhiều việc mới với Ban Thường vụ, với Trung ương để Trung ương, các bộ ngành, các địa phương ủng hộ giúp đỡ tỉnh, nhằm sớm xây dựng Đắk Lắk văn minh, giàu đẹp, bản sắc, xứng đáng với vị trí trung tâm vùng Tây nguyên và để đời sống các tầng lớp nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Chính vì vậy, đồng chí bí thư tỉnh ủy đã được tuyệt đại đa số cán bộ Đảng viên và các tầng lớp nhân dân Đắk Lắk tín nhiệm, minh chứng rõ nét nhất là qua tỷ lệ phiếu bầu tuyệt đối của cấp ủy, của Đại hội tái cử bí thư tỉnh uỷ tại đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII/.