02/05/2024 lúc 19:37 (GMT+7)
Breaking News

Bệnh tay, chân, miệng gia tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát thành dịch

​​​​​​​VNHNO - Để chủ động phòng, chống bệnh  tay chân miệng (TCM), Bộ y tế chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM kịp thời và hiệu quả.

VNHNO - Để chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng (TCM), Bộ y tế chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM kịp thời và hiệu quả.

Hiện tại một số địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, số người mắc bệnh tay, chân, miệng (TCM) gia tăng nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch.

Theo ghi nhận, trong những tuần gần đây, số người đến khám, điều trị bệnh TCM tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng tiếp tục gia tăng đột biến và chưa có chiều hướng giảm trong thời gian tới. 

Tại Khoa Y học nhiệt đới Nhi - Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý (Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng), các bác sĩ đã phải kê thêm giường bệnh dọc các hành lang. Theo Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới Nhi - Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Bệnh lý, bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ cho hay, có 94 bệnh nhi đang điều trị tại khoa, trong đó hiện có bốn cháu bệnh nặng đang được các bác sĩ điều trị tích cực.

Chủ động phòng, chống bệnh tay, chân, miệng bùng phát thành dịch

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.600 bệnh nhi mắc TCM nhập viện điều trị và gần 3.800 bệnh nhi mắc TCM được khám và cho về điều trị ngoại trú…

Trao đổi với PV, Sở Y tế TP Đà Nẵng thông tin: Đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát tình hình dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm, nhằm phát hiện và chủ động phòng ngừa, điều trị bệnh hiệu quả.

Đồng thời, trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cũng tổ chức nhiều chiến dịch ra quân làm sạch môi trường phòng, chống dịch bệnh mùa cao điểm, đặc biệt là bệnh TCM, với mục tiêu không để bệnh TCM bùng phát thành dịch.

Bình Dương là tỉnh có số ca bệnh TCM cũng khá nhiều. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 3.804 trẻ mắc TCM, tăng 6% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số ca mắc bệnh TCM tăng đột biến tập trung vào hai tháng 8 và 9, với tổng số là 2.449 trẻ.

Bộ Y tế cũng cảnh báo: Bệnh TCM có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị giám đốc sở y tế, tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức, chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với ngành y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh TCM.

Các đơn vị y tế cần giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh;

Ngoài ra, củng cố các đội chống dịch cơ động, cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu, điều trị khi cần thiết. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo tại bệnh viện và trong các cơ sở điều trị;

Đặc biệt tránh lây chéo giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bệnh TCM tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm; 

Mặt khác, Bộ cũng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh TCM tại các trường học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM trên phạm vi toàn quốc…

Cách phòng, chống bệnh tay, chân, miệng tại nhà

Hiện tại bệnh TCM chưa có vắc-xin tiêm phòng, không có thuốc đặc trị, cho nên hiện nay vẫn là điều trị triệu chứng và chống biến chứng. 

Vì vậy, bên cạnh việc ngành y tế chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất để phòng ngừa, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh TCM gây ra.

Cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh TCM như: rửa tay bằng xà-phòng; thực hiện vệ sinh ăn uống, bảo đảm sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày;

Ngoài ra, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám, hoặc thông báo cho cơ quan y tế gần nhất./.