Tiềm năng phát triển kinh tế biển tại Bến Tre
Nghị quyết số 48-NQ/TW của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã xác định rõ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 Bến Tre sẽ trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trong đó trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch.
Để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, Bến Tre ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, nuôi trồng thủy hải sản; Ứng dụng những thành tựu của khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thân thiện môi trường, thích ứng với biến đồi khí hậu.
Bến Tre luôn ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản
Theo kế hoạch đã đề ra, đến năm 2030 tổng giá trị sản phẩm trên 1 ha thủy sẽ sản đạt 450 triệu đồng, diện tích nuôi thủy sản biển mở rộng đến mức 42.000 ha với sản lượng đạt 136.000 tấn.
Song song với việc phát triển nuôi trồng, đánh bắt và sản xuất thủy hải sản, Bến Tre còn chú trọng đến phát triển du lịch. Dự kiến vào năm 2025, tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 03 huyện biển tăng bình quân 25%/năm. Đến năm 2030, mức bình quân này sẽ tăng lên 30%.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh đang đẩy mạnh phối hợp với các bên liên quan nhằm xúc tiến và kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiện nay, Bến Tre đang có 3 vùng phát triển kinh tế gồm:
Vùng ven biển phía Đông: Đây là vùng động lực phát triển của tỉnh, có thế mạnh trong các ngành, lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển như: Công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao; Vận tải biển; dịch vụ và du lịch; Phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển…
Vùng Bắc sông Hàm Luông: Vùng kinh tế này sẽ tập trung phát triển Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Khai thác tối đa lợi thế các trục hành lang kinh tế đi qua gồm trục thành phố Bến Tre - đô thị Giồng Trôm - đô thị Ba Tri; trục đô thị Chợ Lách - đô thị Châu Thành - đô thị Bình Đại và trục đô thị Châu Thành - thành phố Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.
Vùng Nam sông Hàm Luông: Cũng giống như vùng phát triển kinh tế phía Bắc, điểm then chốt của vùng là tập trung phát triển Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Khai thác hiệu quả 2 hành lang kinh tế đi qua là Trục đô thị Chợ Lách - đô thị Mỏ Cày - đô thị Thạnh Phú và trục đô thị Châu Thành - thành phố Bến Tre - đô thị Mỏ Cày.
Hiện nay, Bến Tre tập trung phát triển 3 vùng kinh tế gồm: Vùng ven biển phía Đông, vùng Bắc và vùng Nam
Đề cao vai trò của công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững
Trong những năm qua, Bến Tre đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều phương hướng, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong địa phương.
Có được kết quả đó, tỉnh luôn coi trọng việc đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trên loa phát thanh của từng thôn, xóm, cụm dân cư với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm gìn giữ môi trường, nhất là việc bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp.
Bến Tre đề cao vai trò của công tác bảo vệ môi trường, đường làng, ngõ xóm luôn xanh, sạch, đẹp
Mặt khác, Bến Tre kiên quyết không cấp phép đối với các mô hình xây dựng hoặc kinh doanh của cá nhân và tổ chức tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Một yếu tố khác liên quan trực tiếp đến chất lượng môi trường cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm đó là đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Thu gom, xử lý bao bì thuốc sau khi sử dụng theo đúng hướng dẫn của các ngành chức năng, nâng cao nhận thức, từng bước nâng cao trách nhiệm của người dân trong sản xuất theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Để góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh, đơn vị chú trọng công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thông qua các hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động liên tục nhằm sớm phát hiện những sai phạm để có biện pháp xử lý hợp lý và kịp thời.
Nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, ưu tiên năng lượng sạch trên địa bàn Bến Tre
Bến Tre là một trong 13 tỉnh/thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây (từ năm 2010 đến nay) dưới tác động của biến đổi khí hậu, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố thiên tai diễn biến bất thường như xâm nhập mặn, khô hạn, triều cường, sạt lở, bão... tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của người dân, phát triển kinh tế của tỉnh.
Chính vì lý do này, đơn vị đã xác định ứng phó biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững.
Để triển khai đồng bộ công tác ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn, tỉnh Bến Tre đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn năm 2021 - 2030 với mục tiêu quan trọng nhất là giảm phát thải khí nhà kính. Một số giải pháp giảm phát thải khí nhà kính được đưa ra như: Nhân rộng các mô hình nông nghiệp các-bon thấp; Phát triển nông nghiệp hữu cơ; Phát triển các nhà máy phát điện gió nối lưới...
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc phát triển năng lượng sạch đối với biến đổi khí hậu, đồng thời với lợi thế sẵn có 65 km bờ biển và tài nguyên gió phong phú, Bến Tre chú trọng đến việc triển khai các dự án điện gió. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã được Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt vào quy hoạch 19 dự án điện gió với tổng công suất trên 1.000 MW
Có thể nhận thấy, mục tiêu tổng quát trong kế hoạch được tỉnh Bến Tre xác định ngay từ những ngày đầu là đưa đơn vị trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch. Từng bước hình thành văn hóa sinh thái biển thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của Bến Tre là trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh về năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch
Với quan điểm tài nguyên biển nếu được khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả sẽ giúp kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Bến Tre đã quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển. Trong kế hoạch đến năm 2050, Bến Tre trở thành một trong các tỉnh phát triển mạnh về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường biển.
Trí Đức