VNHN - Từ khi Bến khách “Phong Hòa – Thới An” đi vào hoạt động, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp ở các Quận Ô Môn, Thốt Nốt và các huyện Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ kết nối giao thương với các tỉnh phía Bắc Sông Hậu, đồng thời giúp người dân thêm một hướng đi mới đến TP.HCM giảm ùn tắt giao thông cho các bến phà trong khu vực …
Bến khách “Phong Hòa – Thới An" trực thuộc Phà Đồng Tháp, đưa vào khai thác từ ngày 02/08/2018. Công trình có tổng đầu tư gần 80 tỷ đồng, từ nguồn vốn vay Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Đồng Tháp và Quỹ phát triển sự nghiệp của Phà Đồng Tháp.
Vị trí chiến lược quan trọng
Bến khách có 3 phà trọng tải 100 tấn, thời gian hoạt động từ 5 giờ sáng cho tới 21 giờ hàng ngày, thời lượng 15 phút một chuyến, thời gian vượt sông Hậu không quá 10 phút/ chuyến. Đây là công trình kết nối giao thông qua sông Hậu Giang (một nhánh của sông MêKông) giữa Phường Thới An, Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ và xã Phong Hoà, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, nối liền 2 địa phương Cần Thơ – Đồng Tháp.
Bến khách Phong Hòa - Thới An trực thuộc Phà Đồng Tháp có vị trí chiến lược quan trọng, góp phần "nối liền" các tỉnh phía Bắc và phía Nam sông Hậu (thuộc Hệ thống sông Mekong).
Từ bến Thới An (Quận Ô Môn - Cần Thơ), hệ thống giao thông bến khách kết nối với Quốc lộ 91 và 91B; Từ bến Phong Hòa (huyện Lai Vung - Đồng Tháp), hệ thống giao thông kết nối “bến khách” với Quốc lộ 54, nối liền Thị trấn Lai Vung và huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh(Vĩnh Long); Cùng với đường “ĐT-853” kết nối giao thông thuận tiện với TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, di chuyển thuận lợi đến TP.HCM.
Bến khách có 3 phà trọng tải 100 tấn, thời gian hoạt động từ 5h sáng cho tới 21h hàng ngày, góp phần giảm ùn tắt giao thông cho Bến phà Vàm Cống (Hướng đi từ Châu Đốc, Long Xuyên đến TP. Hồ Chí Minh và chiều ngược lại).
Để vận hành và khai thác tốt bến khách này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư mới tuyến đường tỉnh lộ 853 kết nối bến phà với Quốc lộ 54 với tổng chiều dài 3km, mặt đường láng nhựa rộng 7m. Bến khách gồm các hạng mục: Nhà chờ, phòng vé, nhà điều hành… Trong đó, mặt đường dẫn xuống bến rộng 37,5m, bố trí 4 làn đường láng nhựa, bến nổi Ponton 250 tấn có khả năng tiếp nhận phương tiện trọng tải 100 tấn…
Góp phần phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của địa phương
Việc đưa vào khai thác bến khách “Phong Hoà – Thới An” sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho du khách ở các tỉnh phía Nam Sông Hậu dễ dàng đến tham quan, tăng nguồn thu cho phát triển du lịch của huyện Lai Vung nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung.
Còn phía TP. Cần Thơ thì nổi tiếng với các điểm tham quan du lịch: Chợ nổi Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền…Người dân và du khách từ các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An sẽ di chuyển đến Cần Thơ dễ dàng và thuận tiện hơn qua Bến khách “Phong Hoà – Thới An”, góp phần tăng nguồn thu từ du lịch và phát triển kinh tế xã hội của TP. Cần Thơ.
Niềm vui của người dân 2 bên bờ sông Hậu khi Bến khách Phong Hòa - Thới An đi vào hoạt động.
Theo ông Võ Trọng Biên - Phó giám đốc phụ trách Phà Đồng Tháp, cho biết: Sự ra đời của bến khách “Phong Hoà – Thới An” không chỉ phù hợp với tập quán đi lại của cư dân 2 địa phương, mà còn thúc đẩy và tạo điều kiện kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Tây của TP.Cần Thơ với các tỉnh phía Bắc Sông Hậu và nhất là kết nối giữa các khu công nghiệp( KCN) trọng điểm của các địa phương như: KCN Trà Nóc (Cần Thơ), KCN Thốt Nốt (Cần Thơ), KCN Sông Hậu(Lai Vung, Đồng Tháp), KCN Sa Đéc (Đồng Tháp) ...
Ông Võ Trọng Biên - Phó giám đốc phụ trách Phà Đồng Tháp.
Như vậy, khi chọn hướng đi qua Bến khách “Phong Hòa – Thới An” thì người dân và doanh nghiệp ở các tỉnh Nam Sông Hậu và ở một số Quận, huyện của TP.Cần Thơ khi di chuyển đến các tỉnh phía Bắc Sông Hậu và TP. HCM và chiều ngược lại sẽ rút ngắn được khoảng cách, tiết kiệm thời gian và chi phí.