Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính (VPHC).
Ảnh minh họa
Bộ Công an cho biết, mục đích xây dựng dự thảo Nghị định nhằm tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và huy động mọi nguồn lực xã hội vào phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi VPHC; tạo hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng trong việc giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi VPHC thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và các thông tin, dữ liệu do cá nhân, tổ chức cung cấp. Bảo đảm quản lý chặt chẽ việc mua sắm, thuê, giao, quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đúng mục đích, đối tượng theo quy định của pháp luật.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Dự thảo đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Nghị định số 165/2013/NĐ-CP.
Cụ thể, Nghị định 165/2013/NĐ-CP mới chỉ quy định việc quản lý, sử dụng và danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường; còn thiếu quy định trong 3 lĩnh vực: Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống ma túy, phòng và chống tác hại của rượu, bia. Đây là các lĩnh vực mới được quy định trong Luật Xử lý VPHC sửa đổi, bổ sung năm 2020. Do vậy, dự thảo đã bổ sung thêm các lĩnh vực này vào phạm vi điều chỉnh.
Tương ứng với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, dự thảo cũng bổ sung danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện VPHC trong các lĩnh vực mới được bổ sung.
Ngoài các nhóm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ đã được quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP thì dự thảo cũng bổ sung các thiết bị kỹ thuật khác có chức năng ghi âm, ghi hình được trang cấp cho cán bộ, công chức, thi hành công vụ sử dụng để phát hiện VPHC; một số phương tiện, thiết bị kỹ thuật mới với sự phát triển của khoa học công nghệ như phương tiện đo khoảng cách bằng tia laser, phương tiện đo tốc độ tàu hỏa, một số phương tiện đo về bảo vệ môi trường...
Bổ sung quy định thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ
Thay vì quy định mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, dự thảo đề xuất quy định về nguồn hình thành phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành đã đầu tư, trang cấp phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng chức năng để phát hiện VPHC về trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có tính đặc thù, kinh phí đầu tư cao, tiêu chuẩn thi công, điều kiện lắp đặt khắt khe, chi phí bảo trì, bảo dưỡng cao, không sử dụng thường xuyên, việc mua sắm trang cấp còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, định mức theo quy định và nhu cầu sử dụng của các đơn vị.
Do vậy, dự thảo bổ sung quy định về thuê phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản pháp luật có liên quan.
Dự thảo cũng quy định cụ thể về đối tượng được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tiêu chuẩn, trách nhiệm của người sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Việc sử dụng, bảo quản kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cũng được quy định cụ thể để nâng cao hiệu quả xử phạt VPHC.
Sử dụng dữ liệu thu được từ thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp
Một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo là xây dựng một chương mới để quy định “Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp” theo quy định tại Khoản 32 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC.
Theo đó, cá nhân, tổ chức có quyền cung cấp dữ liệu thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật cho cơ quan, đơn vị của người có thẩm quyền và được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được yêu cầu cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền thông báo kết quả xác minh, xử lý dữ liệu đã cung cấp.
Dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp sẽ được sử dụng làm căn cứ xác minh, phát hiện VPHC nếu đáp ứng được yêu cầu: Phản ánh khách quan, đầy đủ, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức; còn thời hiệu xử phạt VPHC theo quy định.
Căn cứ dữ liệu tiếp nhận, thu thập được, người có thẩm quyền theo quy định phải nhanh chóng tiến hành xác minh, thu thập thông tin, tài liệu, kết luận vụ việc.