14/10/2024 lúc 04:04 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ tài nguyên, môi trường biển

Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.260 km, với hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng biển nước ta được công nhận là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị thế kinh tế, địa chính trị quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Quá trình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Nhận thức về vị trí, vai trò của biển đảo đối với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng cao; chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; hệ thống kết cấu hạ tầng vùng biển, ven biển, đảo đã được quan tâm đầu tư xây dựng...

Thời gian qua, dưới áp lực phát triển kinh tế-xã hội và nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho môi trường biển Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề.

Tuy nhiên, thời gian qua, dưới áp lực phát triển kinh tế-xã hội và nhiều nguyên nhân khác nhau đã khiến cho môi trường biển Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: Suy thoái cảnh quan, hệ sinh thái biển và ven biển; ô nhiễm môi trường biển ven bờ; sự cố môi trường biển; mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển giữa các ngành, các bên có liên quan. Chất thải rắn sinh hoạt ở vùng ven biển Việt Nam ngày càng gia tăng từ các hoạt động kinh tế-xã hội như nguồn thải công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch, sinh hoạt, y tế… gây ô nhiễm trên diện rộng ở các vùng bờ biển.

Do ô nhiễm môi trường biển, các hệ sinh thái vùng bờ bị suy giảm, nhất là các hệ sinh thái rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển. Trong 15 năm trở lại đây, khoảng từ 15% đến 20% diện tích các rạn san hô bị mất, tập trung chủ yếu ở các vùng có dân cư sinh sống như Vịnh Hạ Long, các tỉnh, thành phố ven biển miền trung. Sự suy giảm diện tích, những tổn thương của nhiều rạn san hô đã làm suy giảm đa dạng sinh học và chất lượng môi trường biển; làm mất sinh kế của cộng đồng vùng ven biển, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch biển, thủy sản.

Để từng bước giảm tác động của ô nhiễm môi trường biển đến phát triển kinh tế-xã hội, hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (từ ngày 1 đến 8/6), với chủ đề “Quản lý, sử dụng bền vững không gian biển” và Ngày Đại dương thế giới (8/6) năm 2024, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương cần tập trung tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luật pháp quốc tế về biển, đảo; các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên biển; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và đại dương cũng như tài nguyên, môi trường biển, đảo; phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn biển.

Các ngành, địa phương cần nâng cao hơn nữa công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo; bảo vệ, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học biển, ven biển và hải đảo; khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường…

Về lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tạo lập được hành lang pháp lý về quản lý môi trường biển đồng bộ, thống nhất. Sớm ban hành quy hoạch không gian biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bởi đây là công cụ quan trọng để cụ thể hóa “Quy hoạch tổng thể quốc gia” và tạo lập cơ sở cho quản lý các hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển một cách hiệu quả.

Mặt khác, chúng ta cần bảo đảm đủ nguồn nhân lực, trang thiết bị, tài chính để thực hiện tốt các điều ước quốc tế về môi trường biển mà Việt Nam đã cam kết; tổ chức xây dựng các chương trình, dự án có phạm vi và quy mô trung bình đến quy mô lớn có tác động đến chính sách quản lý môi trường biển, trong đó giải quyết được nhiều vấn đề có tính chất đa ngành, lĩnh vực và liên vùng, xuyên biên giới hiện nay.

Trung Tuyến - nhandan.vn