26/12/2024 lúc 09:44 (GMT+7)
Breaking News

Bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước

Lãnh đạo xây dựng đất nước, nhận thức lý luận, chủ trương, đường lối của Ðảng về bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu phát triển bền vững không ngừng được bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thế giới; đồng thời, đóng góp quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước.

1. Mở đầu

Bảo vệ môi trường là “trụ cột” quan trọng của phát triển bền vững; là vấn đề được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm từ rất sớm. Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó để phát triển bền vững tất yếu phải bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường phải vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên cơ sở ứng xử hài hòa với thiên nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính, kết hợp với kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe người dân làm mục tiêu hàng đầu; ưu tiên đầu tư bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững.

Hệ thống quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường được thể hiện nhất quán, xuyên suốt, thường xuyên được tổng kết, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại.

2. Quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường

Bước vào thời kỳ đổi mới, với “hành trang” là một nền sản xuất lạc hậu, khép kín, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên và tài nguyên có sẵn, cho nên, Đảng xác định cần phải “sử dụng tốt nhất đi đôi với bảo vệ có hiệu quả môi trường sinh thái”(1), không lãng phí tài nguyên của quốc gia.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định phương châm chiến lược để bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững là: “Tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái cho thế hệ hiện tại và mai sau”(2).

Tiếp đó, Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25 - 6 - 1998 của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” nêu rõ 4 quan điểm cơ bản mang tính chiến lược, đó là: “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời đường lối, chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Coi phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm là nguyên tắc chủ đạo kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên. Kết hợp phát huy nội lực với tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”(3). Đây là quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược, đánh dấu tư duy đổi mới của Đảng về bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Đảng nhấn mạnh: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi dôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”(4). Lần đầu tiên Đảng đề cập rõ ràng, cụ thể về “trục tam giác” tăng trưởng kinh tế - thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội - bảo vệ môi trường với tư cách là những thành tố nằm trong mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với nhau tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước.

Trước những thách thức mang tính toàn cầu, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 - 11 - 2004 về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới, nhấn mạnh: “Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”; “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”(5). Theo đó, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, thống nhất trong quản lý của Nhà nước, cùng với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Tại Đại hội XI (năm 2011), quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường đã có sự đổi mới và mở rộng hơn trước, trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đảng xác định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”(6). Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3 - 6 - 2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” tiếp tục xác định quan điểm, mục tiêu tổng quát về công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới. Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội”(7).

Đây là nghị quyết chuyên đề của Trung ương về bảo vệ môi trường góp phần định hướng cho hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng để giải quyết hiệu quả ba vấn đề cấp bách: bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và khai thác, quản lý tài nguyên thiên nhiên hợp lý vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Tại Đại hội XII, Đảng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong vấn đề bảo vệ môi trường; đồng thời, xác định bảo vệ môi trường là mục tiêu đặc biệt quan trọng cần đặt ngang hàng với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng - an ninh. Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bộ Chính trị ban hành Kế luận số 56-KL/TW ngày 23 - 8 - 2019 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” nhấn mạnh quan điểm “bảo vệ sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”; đồng thời, bổ sung quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Với quan điểm này, Đảng xác định bảo vệ môi trường là một trong ba “trụ cột” quan trọng để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Trên cơ sở tổng kết 35 năm đổi mới đất nước, Đại hội XIII của Đảng nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu với nhiều nội dung mới. Đảng xác định: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”(8).

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Đại hội XIII đã bổ sung nội dung mới là “bảo vệ môi trường” để trở thành “quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(9).

3. Thực tiễn cụ thể hóa, triển khai chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Quốc hội (khóa IX) đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993), sau đó được sửa đổi ba lần vào các năm 2005, 2014, 2020. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã thể hiện bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam, phát huy tối đa vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Năm 1991, Chính phủ thông qua Kế hoạch Quốc gia về môi trường và phát triển bền vững 1991 - 2000. Đây là văn bản mang tính chiến lược đề cập đến tất cả các lĩnh vực môi trường và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam) xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện định hướng phát triển bền vững đồng bộ cả ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần đặt nền móng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Theo đó, quan điểm về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững được lồng ghép xuyên suốt trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2020 - 2030 và các Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Năm 2017, Chính phủ thông qua Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có 4 mục tiêu đề cập trực tiếp đến vấn đề bảo vệ môi trường, góp phần định hướng hoạt động, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước; là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.

Thực tế, việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh; quá trình tổ chức thực hiện có lộ trình, bước đi phù hợp đã đem lại cho Việt Nam những kết quả vượt bậc, vừa giải quyết những vấn đề cấp bách và lâu dài của đất nước, vừa đáp ứng yêu cầu, chuẩn mực quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; bước đầu khắc phục tư tưởng chú trọng phát triển kinh tế mà coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường. Hệ thống chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường ngày càng hoàn thiện; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương được thống nhất và đạt hiệu quả cao; các cơ quan liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp kiểm soát, giám sát, giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, tài nguyên rừng. Ứng dụng công nghệ năng lượng sạch giúp giảm phát thải, giảm chất thải, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu; chủ động xây dựng các mô hình, phương thức phát triển mới có khả năng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế sinh thái thân thiện với môi trường. Nhờ đó, “công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”(10).

Cùng với đó, các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn tích cực triển khai xây dựng Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo bão, lũ quét, hạn hán, nước biển dâng, sạt lở đất, xâm nhập mặn; chủ động cam kết giảm thiểu phát thải nhà kính; huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường, thu hút các dòng “tài chính xanh” trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính riêng trong năm 2020, Việt Nam đã nhận viện trợ không hoàn lại hơn 4,76 triệu USD trong lĩnh vực bảo vệ môi trường(11).

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được những kết quả tích cực, đưa Việt Nam trở thành “điểm sáng” trong việc hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Liên hợp quốc và đạt được những thành tựu ấn tượng trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (SDGs). Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác bảo vệ môi trường còn một số hạn chế, bất cập như: ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn thấp; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn chậm; nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn; việc xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường hiệu quả thấp; quản lý tài nguyên thiên thiên chưa thực sự hiệu quả…

Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này là do quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, khai thác tài nguyên thiên nhiên thiếu kiểm soát phát sinh ô nhiễm; môi trường sinh thái chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu, các vấn đề môi trường phi truyền thống; nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân về bảo vệ môi trường còn yếu; hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, bất cập; năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước; thiếu nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường….

4. Giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về giữ gìn và bảo vệ môi trường

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu quyết định đến việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo vệ môi trường. Bởi chỉ khi nhận thức đúng, đầy đủ và toàn diện mới hành động đúng, đem lại hiệu quả cao trong công tác bảo vệ môi trường. Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân về bảo vệ môi trường cần “tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”(12). Đặc biệt coi trọng vai trò tiên phong gương mẫu của những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, đổi mới hình thức truyền tải thông tin để nhân dân hiểu rõ về hậu quả của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Hai là, nâng cao chất lượng, hoàn thiện hệ thống các văn bản của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường

Đảng lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động bảo vệ môi trường thông qua các nghị quyết, chỉ thị, nên hệ thống các văn bản này cần được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, đánh giá đúng thực trạng công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao, ngắn gọn, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Hiện nay, các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường của Việt Nam được ban hành khá nhiều, song chưa đồng bộ, thiếu sự thống nhất, chồng chéo, mâu thuẫn. Vì vậy, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Đẩy mạnh xây dựng lộ trình, kế hoạch, quy hoạch vận hành mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương theo hướng thống nhất, tập trung, có sự phân cấp, phân quyền và trách nhiệm rõ ràng; không ngừng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; chú trọng phát triển tổ chức quản lý môi trường ở các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp…

Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát bảo đảm tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường

Thanh tra, kiểm tra, giám sát là “công cụ hữu hiệu” của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, góp phần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng và ban hành các quy định về thanh tra, kiểm tra phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện và xử lý các vi phạm; xây dựng lực lượng thanh tra chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng ổn định; nghiên cứu loại bỏ những quy định không phù hợp, xa rời thực tế; chú trọng cải cách thủ tục hành chính về môi trường; nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, điều tra, đánh giá tác động của môi trường; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Hợp tác quốc tế về môi trường là giải pháp quan trọng giúp Việt Nam huy động nguồn vốn, tăng cường năng lực khoa học công nghệ, tiếp cận với các phương pháp luận hiện đại, kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường… Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững, trong những năm tới Việt Nam cần đổi mới tư duy về hợp tác quốc tế, chuyển từ quan niệm “thụ động” tiếp nhận viện trợ sang “chủ động” hội nhập, sẵn sàng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường đầu tư nhân lực và tài lực cho hợp tác quốc tế về môi trường; tích cực tham gia xây dựng các quy tắc, luật lệ chung trong giải quyết các vấn đề môi trường khu vực và toàn cầu; nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu…

4. Kết luận

Thực hiện công cuộc đổi mới, với những chủ trương, quyết sách mang tính tiên phong và đúng đắn, công tác bảo vệ môi trường sinh thái của Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng với nhiều “điểm sáng” nổi bật. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững còn một số hạn chế, bất cập. Vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo vệ môi trường là vấn đề cấp thiết, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và đẩy mạnh hội nhập quốc tế của Việt Nam.

ThS Đỗ Thị Kim Phượng

Trường Đại học Kiên Giang 

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 410.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.69, Sđd, 2018, tr.435.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.57, Sđd, 2015, tr. 226.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 162.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.63, Sđd, 2016, tr. 688.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 42-43.

(7) ĐCSVN: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 - 6 - 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

(8), (9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 117, 119.

(10), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Sđd, tr. 49, 142.

(11) Đinh Ngọc Linh: Huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 (7 - 2022), tr. 17.

...