29/11/2024 lúc 12:21 (GMT+7)
Breaking News

Bảo hiểm thất nghiệp: Điểm tựa an sinh

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy hiệu quả ý nghĩa nhân văn và vai trò to lớn, mang lại niềm vui bất ngờ cho nhiều lao động gặp khó khăn khi nhận được khoản tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã phát huy hiệu quả ý nghĩa nhân văn và vai trò to lớn, mang lại niềm vui bất ngờ cho nhiều lao động  gặp khó khăn khi nhận được khoản tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.

Từ đầu tháng 10-2021 đến nay, các cơ quan Bảo hiểm xã hội trên cả nước đã huy động toàn lực lượng để triển khai gói hỗ trợ chưa có tiền lệ với kinh phí 38.000 tỷ đồng theo Quyết định số 28/ 2021/QĐ-TTg (ngày 1-10-2021) của Chính phủ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Nguyễn Đức Hòa cho biết, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành đang làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần để rà soát các trường hợp đủ điều kiện thụ hưởng.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, khẩn trương của cả hệ thống bảo hiểm xã hội, đến nay, cả nước đã cơ bản thực hiện xong chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với hơn 363.000 đơn vị, doanh nghiệp, tương ứng với hơn 9,6 triệu lao động. Tổng số tiền hỗ trợ giảm đóng là khoảng 7.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động cũng đã đến với hàng triệu lao động.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Bích Quỳnh (xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) không khỏi vui mừng khi biết mình thuộc diện được hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP. Chị Quỳnh cho biết, chị mới tham gia BHXH bắt buộc được 7 tháng thì phải nghỉ việc do dịch COVID-19. Đến khi biết thông tin về gói hỗ trợ NLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chị Quỳnh liền liên hệ với BHXH huyện Thanh Sơn để được tư vấn và nhận được thông báo mình đủ điều kiện được nhận hỗ trợ với mức hưởng 1,8 triệu đồng. Sau đó, chị Quỳnh được cán bộ BHXH huyện Than Sơn hướng dẫn đăng ký và nộp hồ sơ thông qua ứng dụng VssID, chỉ mấy ngày sau số tiền hỗ trợ đã được cơ quan BHXH chuyển về tài khoản cá nhân.

Người lao động vui mừng khi nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Chị Quỳnh chia sẻ thêm:  “Khoản tiền hỗ trợ không quá lớn, nhưng vô cùng ý nghĩa với tôi trong lúc này. Mặc dù thời gian đóng góp vào quỹ rất ngắn, nhưng tôi không ngờ mình lại được hưởng hỗ trợ”. Chính việc này đã giúp chị thấy rõ ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, nên sau đó đã lập tức tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngay trong tháng 10/2021. “Tôi sẽ chủ động tuyên truyền đến những người xung quanh về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT và những thiệt thòi trong trường hợp rút BHXH một lần. Chỉ có BHXH, BHYT mới là chỗ dựa vững chắc cho tôi và nhiều người khác trong lúc khó khăn, ốm đau, thai sản hay lúc về già”.

Được biết, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngoài những trường hợp đã nhận tiền, cả nước có khoảng hơn 13 triệu người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ bằng tiền mặt từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng giống như chị Quỳnh, niềm vui đến bất ngờ với chị Đinh Thị Liên (xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, Phú Thọ) khi nhận được khoản tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp. Chị Liên vui mừng cho biết, sau khi nghỉ việc, chị đã làm thủ tục và được nhận trợ cấp thất nghiệp từ tháng 1 đến tháng 8/2021. Do chỉ còn 2 tháng tham gia BH thất nghiệp được bảo lưu, không chắc có được nhận hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp hay không, nhưng ngày 8/10 chị vẫn đăng nhập ứng dụng VssID để nộp hồ sơ trực tuyến. “Chỉ vài ngày sau khi nộp hồ sơ trực tuyến, tôi đã nhận được tiền hỗ trợ chuyển vào tài khoản. Tôi không nghĩ lại nhanh đến vậy. Niềm vui này đến với tôi thật sự bất ngờ”- chị Liên tâm sự.

Là một trong những NLĐ đầu tiên trên địa bàn TP.Việt Trì nhận được tiền hỗ trợ từ quỹ BH thất nghiệp, em Nguyễn Hồng Quân chia sẻ: “Em vui quá, trong lúc dịch bệnh phức tạp, khó khăn chồng chất, em lại nhận được một khoản hỗ trợ kịp thời như vậy để trang trải thêm cuộc sống”.

Bảo hiểm thất nghiệp được ví như điểm tựa an sinh của người lao động khi không may rơi vào cảnh thất nghiệp, ảnh hưởng về việc làm. Để điểm tựa ấy ngày càng vững chắc, các cơ quan chức năng đang vừa triển khai linh hoạt các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, vừa tiếp tục quan tâm mở rộng, thu hút người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang- nhân viên kế toán Công ty TNHH An Khang (Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, chị tiếp cận chính sách này qua các phương tiện thông tin đại chúng và được cán bộ chuyên quản của BHXH huyện Thanh Sơn nhiệt tình hướng dẫn. Ngay sau khi nhận được danh sách do BHXH huyện Thanh Sơn gửi, trên cơ sở thông tin kê khai, cập nhật của NLĐ, chị Trang đã đối chiếu, rà soát cẩn thận, rồi gửi lại cho cơ quan BHXH. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ NLĐ của Công ty TNHH An Khang đã nhận được tiền hỗ trợ đầy đủ, kịp thời.

Tính ưu việt của bảo hiểm thất nghiệp đã được khẳng định. Tuy nhiên, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta còn thấp, hiện mới có hơn 13 triệu lao động/tổng số hơn 50 triệu lao động trong độ tuổi tham gia. Trong khi đó, dịch Covid-19 khiến số lao động bị ảnh hưởng về việc làm tăng cao.

Đối với những trường hợp chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp, ngành Bảo hiểm xã hội cùng các cơ quan chức năng triển khai nhiều biện pháp thu hút sự quan tâm của người lao động, người sử dụng lao động. Hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị, doanh nghiệp cũng được các bên liên quan phối hợp triển khai, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời những tổ chức, cá nhân vi phạm.

Thông qua nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phấn đấu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Chẳng hạn, tại Hà Nội, ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô phấn đấu có số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 37% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm nay (hiện đạt gần 33%).

Ở cấp vĩ mô, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh tin tưởng, với tính ưu việt đã được khẳng định, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ ngày càng tăng. Phấn đấu đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bằng 28,5% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi.