VNHN - Tình trạng nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên đồng ruộng vẫn đang ở mức báo động. Bộ trưởng NN&PTNT vừa yêu cầu, ngoài việc loại trên 1.000 loại thuốc độc hại cho sức khỏe, môi trường, sẽ tiếp tục rà soát loại bỏ thêm vì “sức khỏe cộng đồng, vì giống nòi”.
Báo động lạm dụng, mất cân đối thuốc
Ngày 15/5, tại hội nghị định hướng công tác bảo vệ thực vật (BVTV) trong tình hình mới, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, tình trạng sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn đã giảm đáng kể. Mức sử dụng thuốc BVTV tại Hà Nội trung bình 1,6-2 kg/ha, trong khi toàn quốc là 10 kg/ha, nên hằng năm tiết kiệm khoảng 200 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu
Đặc biệt, dân ở những khu vực như: Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa... sử dụng rất ít thuốc BVTV. “So với mức trung bình của Hà Nội, toàn quốc đang lãng phí 80% lượng thuốc BVTV, làm tăng chi phí sản xuất, nguy cơ cao đến an toàn thực phẩm, sức khỏe và môi trường”- ông Tường nói.
Tuy nhiên, theo ông Tường, nguy cơ việc gia tăng sử dụng thuốc BVTV sẽ tăng cao, khi thiếu những lớp học quản lý dịch hại (IPM), sử dụng phân bón... trên đồng ruộng. Các DN kinh doanh thuốc dành phần lớn nguồn lực cho tiếp thị, hội thảo, chiết khấu, khuyến mại... nhằm tiêu thụ thuốc hóa học, trong khi khả năng xử lý vi phạm ở cấp xã còn hạn chế.
Mặt khác, ông Tường cho biết, do chưa có quy định chặt chẽ về hoạt chất và tên thương phẩm, nên nông dân như lạc vào “ma trận” thuốc BVTV. Đơn cử, như hoạt chất Abamectin có tới 543 tên thương phẩm...
Trong khi đó, bà Phạm Thị Vượng, Chủ tịch Hội Khoa Kỹ thuật BVTV Việt Nam cho biết, dù có nhiều chương trình đào tạo, khuyến nông, nhưng tình trạng người nông dân thấy triệu chứng là nghĩ ngay đến việc “tạt” thuốc. “Việc lạm dụng thuốc của nông dân vẫn là vấn đề rất đau lòng”- bà Vượng nói.
Theo bà Vượng, Việt Nam cần tăng dự tính, dự báo dịch hại, sâu bệnh, đặc biệt nên sử dụng thông tin dự báo từ mạng lưới của các DN kinh doanh thuốc. Cho rằng “con cháu chúng ta sẽ không lội ruộng nữa đâu”, bà Vượng đề xuất: “Cần có phần mềm, để nông dân ra đồng, nếu thấy hiện tượng trên cây, có thể bấm điện thoại kiểm tra, biết ngay bệnh gì và cách xử lý”.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng BVTV (Bộ NN&PTNT) cho biết, công tác quản lý thuốc BVTV đang được “siết” ở tất cả các khâu, từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng.
Bộ NN&PTNT đã rà soát và loại khỏi danh mục 7 hoạt chất (818 tên thương phẩm) có độc tính cao, tồn dư trên nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Đây cũng là những loại thuốc không đáp ứng quy định về quản lý thuốc BVTV hiện hành (gồm: Carbendazim, Benomyl, Thiophanate - methyl, hoạt chất 2,4D, Paraquat, Trichlorfon và Carbofuran). Cục BVTV đã vận động các DN tự rút khỏi danh mục 206 tên tương phẩm thuốc BVTV.
Tuy nhiên, theo ông Trung, tình trạng nông dân lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ vẫn rất đáng báo động. Điều này dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và đặc biệt là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.
Cũng như phân bón (với 20.000 loại phân bón), hiện số lượng thuốc BVTV trong danh mục còn mất cân đối. Trong 4.000 thuốc BVTV, chỉ 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hóa học. Đáng lưu ý, có tới 3.800/4.000 loại thuốc cho cây lúa, trong khi rất nhiều cây trồng khác chỉ khoảng 200 loại thuốc.
Tiếp tục loại bỏ thuốc độc hại
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Việt Nam đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn thuốc BVTV mỗi năm, chủ yếu nhập khẩu thuốc hóa học và con số này phải tiếp tục giảm, nhất là loại thuốc độ độc cao, không thân thiện với môi trường, lưu ý đến nhóm thuốc trừ cỏ.
Ông Cường dẫn chứng: một đất nước nông nghiệp, với ¾ là đồi núi mà sử dụng tới 58% thuốc BVTV là thuốc trừ cỏ là rất gay, ảnh hưởng rất lớn đến thủy vực.
Bộ trưởng Cường cho biết, Việt Nam đang chuyển từ trạng thái hàng hóa quy mô quốc gia sang sản xuất hàng hóa mức độ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường gần 100 triệu dân trong nước và cũng như người tiêu dùng thế giới, với yêu cầu càng cao về chất lượng, an toàn. “Cái gì vì sức khỏe người dân, vì giống nòi, bảo vệ môi trường thì phải kiên quyết”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng NN&PTNT yêu cầu, Cục BVTV cần phối hợp với các lực lượng liên quan, đặc biệt là tuyến biên giới phía Bắc nhằm kiểm soát chặt chẽ thuốc BVTV nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng. Ông cũng đề nghị các DN trong ngành thuốc BVTV, phải áp dụng công nghệ mới nhất, nhập nguyên liệu phải từ nguồn tốt nhất, khuyến khích sản xuất thuốc sinh học, vì đó là trách nhiệm với người dân.
Cùng đó, mạng lưới kinh doanh thuốc BVTV cũng cần minh bạch hóa, tránh vì lợi nhuận mà giới thiệu, quảng bá...với nông dân sai đối tượng, thời gian phòng trừ dịch hại, sâu bệnh. “Bán thuốc cho nông dân để phòng trừ dịch hại, chứ không phải để làm ô nhiễm môi trường và gây hại sức khỏe”- Bộ trưởng nói.
Theo Bộ NN&PTNT, tới đây, sẽ rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng. Tiếp tục khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng biện pháp sinh học, phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để phòng, chống sinh vật
gây hại.