19/12/2024 lúc 13:40 (GMT+7)
Breaking News

Hướng tới xây dựng và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt

VNHNO - Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu riêng, khi xuất khẩu ra thị trường thế giới lại bị gắn thương hiệu nước ngoài. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam đã và đang trở thành vấn đề cấp bách.

VNHNO - Việt Nam là một đất nước nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu riêng, khi xuất khẩu ra thị trường thế giới lại bị gắn thương hiệu nước ngoài. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản Việt Nam đã và đang trở thành vấn đề cấp bách.

Ảnh minh họa

Thực trạng thương hiệu nông sản nước ta hiện nay

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hơn 80% sản phẩm nông sản của nước ta được xuất ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.

Có tới hơn 80% sản lượng chè của Việt Nam sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam bởi phần lớn chè của chúng ta được xuất khẩu ở dạng thô, rời, chưa được chế biến và gia công. Sau khi nhập về, các doanh nghiệp nước ngoài mới chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của các nước như: Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc...

Đồi chè Tâm Châu ở Bảo Lâm

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trên thế giới về sản xuất cà phê, trong đó đứng đầu thế giới là cà phê robusta hay còn gọi là cà phê vối. Hiện nay, tại thị trường nước ngoài, cà phê Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu. Lý do bắt nguồn từ việc doanh nghiệp Việt Nam chỉ bán hạt cho các nhà rang xay lớn trên thế giới, sau đó các doanh nghiệp này chế biến, đóng hộp với thương hiệu của họ để bán cho người tiêu dùng.

Người nông dân đang thu hoạch cà phê

Đối với sản xuất lúa gạo, phần lớn doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo dưới các tên chung chung, chưa có được một thương hiệu cụ thể có giá trị kinh tế nào. Một phần do nước ta có diện tích canh tác ít nhưng dân số đông nên lâu nay ta phải chọn giải pháp sản xuất các giống lúa ngắn ngày để làm được nhiều vụ đảm bảo đủ gạo ăn trong năm.

Cánh đồng lúa đang trong vụ thu hoạch

Ngoài ra, có một số sản phẩm nông nghiệp đã định danh được thương hiệu như nước mắm Phú Quốc, nước mắm Phan Thiết, cà phê Buôn Ma Thuột, mì gói, phở khô,… nhưng lại xảy ra tình trạng là bị nước ngoài đăng ký độc quyền tại các quốc gia khác.

Giải pháp để xây dựng, quảng bá và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông sản cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng thương hiệu nông sản, đặc biệt là việc hoạch định chiến lược phát triển thương hiệu như nghiên cứu thị trường xuất khẩu, cải tiến chất lượng sản phẩm, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh,...

Cần xây dựng chính sách giá cạnh tranh và tiến hành quảng bá rộng rãi sản phẩm nông sản trong và ngoài nước thông qua các phương tiện khác nhau như: tham gia các hội chợ triển lãm, thương mại; xây dựng trang web riêng; quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo dựng phong cách làm ăn có uy tín...

Các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và chính quyền địa phương cần tiếp tục có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ phát triển  nông sản Việt, đặc biệt là các chương trình xây dựng thương hiệu để các sản phẩm nông sản có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước./.