VNHN - Tại dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cụ thể về tư cách hợp lệ của nhà đầu tư dự án PPP, đảm bảo cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và quy định bảo đảm dự thầu từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư dự án.
Ảnh minh họa - TL
Theo dự thảo, nhà đầu tư dự án PPP là tổ chức có tư cách hợp lệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Có đăng ký thành lập, hoạt động do cơ quan có thẩm quyền của nước mà nhà đầu tư đang hoạt động cấp; hạch toán tài chính độc lập, bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư; không đang trong quá trình giải thể, không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật; không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đầu tư theo phương thức PPP.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phải liên danh với nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân để tham dự thầu. Nhà đầu tư thành lập theo pháp luật nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường khi tham gia dự thầu dự án thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo pháp luật về đầu tư.
Về đảm bảo cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, dự thảo quy định: Nhà đầu tư tham dự thầu phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các bên sau đây: Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế, dự toán, trừ trường hợp dự án do nhà đầu tư đề xuất; tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, đánh giá, thẩm định kết quả sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà đầu tư; cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng, bên mời thầu.
Bảo đảm dự thầu từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư dự án
Bảo đảm dự thầu là việc nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam trước thời điểm đóng thầu, để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà đầu tư.
Giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 0,5% đến 1,5% tổng mức đầu tư căn cứ vào quy mô và tính chất của từng dự án.
Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp: Nhà đầu tư rút hồ sơ dự thầu sau thời điểm đóng thầu và trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu; nhà đầu tư không tiến hành hoặc từ chối tiến hành đàm phán, hoàn thiện hợp đồng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo trúng thầu của bên mời thầu hoặc đã đàm phán, hoàn thiện hợp đồng nhưng từ chối ký hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng.
Dự thảo đề xuất, chỉ định nhà đầu tư được áp dụng theo một trong các trường hợp: Dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước; dự án cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.