30/11/2024 lúc 11:47 (GMT+7)
Breaking News

Báo chí trước bài toán tự chủ

VNHN-Báo chí đang trong lộ trình triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, việc tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể đặt ra khá nhiều thách thức cho mỗi tòa soạn.

VNHN-Báo chí đang trong lộ trình triển khai Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, việc tự chủ trong báo chí không còn là xu hướng, mà đã trở thành kế hoạch cụ thể đặt ra khá nhiều thách thức cho mỗi tòa soạn.

Cần có chính sách thông thoáng hơn để giúp báo chí có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Ảnh: TL

Thực trạng kinh tế báo chí hiện nay

Theo nội dung của Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025, để giảm gánh nặng của Nhà nước và nâng cao chất lượng báo chí phải xác định các loại hình báo chí: Ngoài những tờ báo có chức năng nhiệm vụ đặc thù cần phải được Nhà nước tiếp tục cấp ngân sách để hoạt động, còn lại hầu hết các tòa soạn nên bước ra tự chủ về tài chính.

Tại thời điểm hiện nay, thị trường báo chí ngày càng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đối tượng độc giả không gia tăng là mấy, thì số lượng đầu báo và các ấn phẩm lại không ngừng tăng, khiến cho câu chuyện tự chủ báo chí giờ đây trở thành một thách thức lớn.

Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí hiện tồn tại 3 hình thức: được ngân sách Nhà nước bao cấp toàn bộ hoặc một phần; được cơ quan chủ quản bao cấp một phần, tự cân đối thu chi; tự chủ hoàn toàn về tài chính. Hiện có 300/857 cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Trong khi cơ quan báo Đảng phần lớn được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước thì báo của các bộ, ngành và các tổ chức đoàn thể phần lớn tự hạch toán, tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2018, một số cơ quan báo chí có doanh thu cao trước đây tiếp tục sụt giảm doanh thu đáng kể. Trong khi đó, quảng cáo trên báo điện tử vẫn tăng trưởng chậm, phần lớn quảng cáo chỉ tập trung ở một số báo điện tử có số lượng người truy cập lớn. Đối với những cơ quan báo chí đã sớm tự chủ hoàn toàn về tài chính thì vẫn có thể trụ vững, có chăng họ sẽ điều chỉnh chiến lược phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, đối với với 2 hình thức tòa soạn còn lại muốn làm gì cũng sẽ phải đối mặt với bài toán “lấy ngân sách ở đâu để đầu tư?".

Bước ra tự chủ đồng nghĩa với đơn vị báo chí cũng giống như doanh nghiệp, làm thế nào để có kinh phí vận hành bộ máy như: chi trả lương, thưởng, nhuận bút, văn phòng phẩm... Một điều khó hơn so với doanh nghiệp và cũng là khó nhất của báo chí bước ra tự chủ, đó chính là định hướng nội dung thông tin, bởi báo chí là công cụ tuyên truyền của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, vì thế không thể vì chuyện tăng doanh thu mà để bị cuốn vào cơn lốc “lá cải hóa”, xa rời tôn chỉ mục đích. Thông tin thế nào để vừa trung thực khách quan, đúng bản chất sự thật mà lại hấp dẫn, thu hút nhiều kiểu thị hiếu khác nhau của độc giả là một lời giải luôn đặt ra đối với mỗi tòa soạn, trước mỗi quyết định xuất bản một tin, bài.

Theo đánh giá của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017, chúng ta đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí, đưa vấn đề này vào chương trình công tác của năm 2018 với sự phối hợp các nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan.

Sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển. Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin - truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn hơn.

Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác.

Trong bối cảnh các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện cơ chế tự chủ thì “Không có doanh thu từ độc giả, mọi chuyện sẽ chấm dứt”. Nhưng, báo chí là sản phẩm văn hóa, đồng thời, cũng là sản phẩm chính trị. Doanh thu từ độc giả không thể bằng bất kỳ nội dung nào, mà phải bằng các nội dung có chất lượng văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất. Do vậy, không thể chậm trễ hơn nữa, trong năm này, cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.

Một số cách làm được các tòa soạn áp dụng tạo ra nguồn thu bằng việc xuất bản ấn phẩm, ký kết quảng cáo và tự tiến hành hạch toán chi tiêu. Vì thế, những câu chuyện như một tòa soạn nhận hỗ trợ kinh phí từ một tổ chức hay doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin một chuyên mục, cần được xem là bình thường và sẽ ngày càng trở nên phổ biến đúng với quy luật phát triển. Lúc này, báo chí là nguồn, kênh phản ánh chính về đối tượng thông tin, đồng hành, hỗ trợ báo chí sẽ có thêm đối tác hợp tác truyền thông. Mối quan hệ này dựa trên việc hai bên cùng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả thông tin.

Báo chí trước bài toán tự chủ. Ảnh: TL

Đi tìm lời giải cho vấn đề tự chủ báo chí

Việc đi tìm lời giải cho vấn đề tự chủ đã nảy sinh nhiều xu hướng phát triển của từng tòa soạn, tờ báo. Một điều tòa soạn nào cũng nhìn thấy ngay đó là cần nâng cao chất lượng thông tin, nâng cấp hình thức truyền tải nhằm thu hút đông đảo độc giả, từ đó phát triển phần giá trị gia tăng bù đắp lại nguồn thu xưa nay vẫn được bao cấp. Nhưng như đã đề cập ở trên, báo chí không giống hẳn một doanh nghiệp và một nguyên tắc bất di bất dịch là tại Việt Nam không có báo chí tư nhân, vì thế cho dù thế nào thông tin đúng chủ trương, đường lối vẫn phải đặt lên hàng đầu rồi mới đến vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, đã phát triển theo quy luật, chịu sự chi phối của thị trường, nghĩa là các cơ quan báo chí, mỗi nhà báo phải thừa nhận và chấp nhận tham gia quy luật đó. Nhìn ở góc độ tích cực khi cơ quan báo chí hoạt động hoàn toàn tự chủ, cũng đồng nghĩa với việc các tòa soạn đã giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tự tạo ra cơ sở vật chất đáp ứng tốt hơn nhu cầu hoạt động đặc thù của công việc; các ấn phẩm của tòa soạn được độc giả ưa thích, thị trường đón nhận.

Vì lý do đó, các nhà báo hãy biến những áp lực tạm thời thành cơ hội, không ngừng nỗ lực cống hiến, giữ vững bản lĩnh chính trị nghề nghiệp, trau dồi đạo đức nhà báo để sáng tạo ra những tác phẩm nhân văn có giá trị thông tin tuyên truyền, phù hợp với nhu cầu thực sự của số đông độc giả. Đồng thời, tích cực tham gia phát huy các kỹ năng truyền thông, nhằm tạo ra những nguồn thu mới một cách hợp pháp, chính đáng, góp phần xây dựng tòa soạn với thương hiệu báo vững mạnh, góp phần vào công cuộc đổi mới phát triển của báo chí nước nhà.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng hơn để giúp báo chí có thêm nguồn thu, tự nuôi sống mình. Đồng thời, có sự ưu tiên, hỗ trợ đối với những cơ quan báo chí làm nhiệm vụ chính trị, với quan điểm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan báo chí, tinh gọn báo chí và không làm tăng gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Tuyết Mai-NLB