VNHN-Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc chọn công nghệ là lĩnh vực đối đầu với Mỹ. Việc phân tích lịch sử cho thấy Trung Quốc đã đánh mất ưu thế thiên niên kỷ của mình khi bỏ lỡ cuộc cách mạng công nghiệp.
Ảnh minh họa - Internet
Cuộc chiến của thế kỷ XXI sẽ là công nghệ
Trung Quốc và Mỹ, hai siêu cường thế giới hiện nay, đang gần như ngang ngửa. Với số dân đông gấp 4 lần Mỹ, Trung Quốc có tiềm năng kinh tế không kém gì Mỹ. Từ 5 năm qua, động lực phát triển kinh tế của Trung Quốc đã vượt Mỹ.
Nếu như thế kỷ XX mang đậm dấu ấn của cuộc Chiến tranh Lạnh và nhiều cuộc chiến tranh khác cho thấy rõ sự đối nghịch giữa Nga và Mỹ, thì giờ đây cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có hình dạng như thế nào?
Tin vui là chiến tranh có lẽ không diễn ra trong lĩnh vực quân sự, bởi Washington không còn muốn áp đặt khái niệm dân chủ của mình cho thế giới bằng vũ lực nữa, cho dù ngân sách quân sự của Mỹ vẫn cao gấp 3 lần so với Trung Quốc. Còn về phần mình, Bắc Kinh chắc cũng không có ý tưởng chinh phục thế giới bằng vũ khí.
Vậy, đâu sẽ là địa bàn cho cuộc chiến mới giữa hai siêu cường thế giới này vào nửa đầu thế kỷ XXI? Nơi mà Trung Quốc quyết định lựa chọn chính là lĩnh vực công nghệ.
Quyết định này rút ra từ những bài học kinh nghiệm trong lịch sử. Tại lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos_WEF (Thụy Sĩ) hồi đầu năm nay, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói: “Nền văn minh Trung Quốc có lịch sử hơn 5.000 năm. Nhưng khi phương Tây lao vào công nghiệp hóa, chiếm lĩnh đại dương, Trung Quốc vẫn ở lại phía sau, bởi vì các Hoàng đế thời ấy đã quyết định khép cửa và sau đó Trung Quốc trở thành nạn nhân của các cuộc xâm chiếm ngoại bang”.
Do vậy, ông Tập Cận Bình trong chuyến công du châu Âu đã kiêu hãnh nhắc lại là: “Trong vòng 40 năm, chúng tôi đã làm được những gì mà quý vị làm trong ba thế kỷ”.
Trong nhãn quan các nhà lãnh đạo Trung Quốc, công nghệ chính là tâm điểm của đỉnh cao vinh quang, tụt hậu và cả sự hồi sinh của Trung Quốc. Thời Trung Cổ, đế chế Trung Hoa đã lên tới đỉnh cao tiến bộ, với tất cả các bước tiến về công nghệ vào thời kỳ đó, như địa bàn, thuốc súng, giấy. Nhưng khi than, động cơ chạy bằng hơi nước, nhà máy và điện xuất hiện đã làm đảo lộn trật tự, dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc kinh tế Trung Hoa, và thất bại quân sự giữa thế kỷ XIX. Một trăm năm sau, đế chế Trung Hoa chỉ là một "chú lùn".
Sang đến thế kỷ XX, công nghệ cũng chính là tâm điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Moscow lần đầu tiên đưa người lên khám phá không gian. Washington không chịu kém cạnh, đưa người chinh phục “chị Hằng”. Cuộc chiến tuy mang tính biểu tượng nhưng cho phép Mỹ khẳng định vị thế siêu cường trong các lĩnh vực tin học, hàng không vũ trụ.
Độ nghiêm trọng của thách thức
Giờ đây, trong thế kỷ XXI này, công nghệ lại một lần nữa là tâm điểm của xung đột. Trung Quốc đã chuẩn bị cho điều này từ rất lâu trên mọi lĩnh vực. Đầu tiên là trong giáo dục với hàng triệu kỹ sư đã được đào tạo, tuyển chọn từ những trường đại học nổi tiếng nhất của Trung Quốc hay nước ngoài.
Tiếp đến, cùng với một chính sách kết hợp hỗ trợ và tự do phát triển, Trung Quốc đã hình thành nên những đại tập đoàn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ. Nhóm GAFA nổi tiếng của Mỹ giờ đã có đối thủ cạnh tranh tương xứng là BATX (Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi).
Kế hoạch “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc) đưa ra năm 2015 là cơ sở để Bắc Kinh bành trướng hơn nữa tham vọng này và làm cho nước Mỹ ý thức được mức độ nghiêm trọng của thách thức đó.
Sự chuyển động này của Trung Quốc ngày càng rõ nét. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc sắp tới trong lĩnh vực này sẽ nhiều hơn là tiền của Mỹ. Số bằng sáng chế xin đăng ký tại Trung Quốc nhiều gấp hai lần tại Mỹ. Và cuối năm 2018, hai đứa trẻ biến đổi gien đã được ra đời tại Trung Quốc.
Trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, những bài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này của Trung Quốc đang trên đà “qua mặt” Mỹ. Ngành công nghiệp Trung Quốc cũng đang thống trị việc khai thác và sản xuất đất hiếm và pin năng lượng Mặt Trời. Trung Quốc còn mua lại hãng công nghệ robot Kuka hàng đầu của Đức, tấn công vào lĩnh vực xe ô tô bằng cách thúc đẩy sản xuất xe điện và bình điện. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu.
Đây sẽ là một cuộc chiến dài hơi, hấp dẫn và kỳ lạ. Một sự đối đầu không chỉ giữa hai nền công nghiệp mà còn là giữa hai nền văn hóa, hai hệ thống chính trị, hai cách nhìn về thế giới. Trong cuộc trình diễn này, châu Âu chỉ đóng vai trò là một khán giả.