14/05/2024 lúc 18:15 (GMT+7)
Breaking News

Bắc Kạn: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP

Cùng với việc nâng cao sản lượng và chất lượng, Bắc Kạn đang đẩy mạnh phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại nhằm xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Cùng với việc nâng cao sản lượng và chất lượng, Bắc Kạn đang đẩy mạnh phát triển các kênh tiêu thụ truyền thống và hiện đại nhằm xây dựng, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tiền đề cho sự phát triển 

Nhờ thực hiện Đề án OCOP, từ năm 2018 đến nay, sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thực sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ nghèo trong tỉnh được khuyến khích tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là ở khâu cung cấp nguyên liệu nông sản thông qua các dự án liên kết sản xuất. 

Bắc Kạn nổi tiếng với các sản phẩm như: Miến dong, tinh bột nghệ, Trịnh Năng gừng, Trịnh Năng Curcumin...

Theo kết quả khảo sát, đến hết năm 2020 Bắc Kạn có 73% các chủ thể tham gia OCOP và người dân nằm trong chuỗi giá trị tăng doanh thu từ 1,1 đến 1,5 lần; 10% tăng doanh thu trên 2 lần. Sau 3 năm triển khai, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã tạo việc làm ổn định cho khoảng 473 lao động tại khu vực nông thôn. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ người nghèo tại các địa phương.

Đáng nói, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của người dân. Tất cả các ý tưởng sản phẩm OCOP đều xuất phát từ cộng đồng, do người dân khởi xướng và tổ chức thực hiện. Nhà nước đóng vai trò đồng hành, kiến tạo, tạo môi trường phát triển cho các cơ sở và sản phẩm tham gia OCOP đủ khả năng cạnh tranh và lưu thông hàng hóa ra thị trường.

Định hướng giai đoạn mới

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, nâng cấp, chuẩn hóa, hoàn thiện 131 sản phẩm đã đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; có thêm 70 sản phẩm mới từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

Đặc biệt, các sản phẩm OCOP được tỉnh xác định xây dựng sẽ nằm trong 5 nhóm hàng chủ lực: Nhóm rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả; nhóm gạo và các sản phẩm từ gạo; nhóm chè và sản phẩm chế biến từ cây chè; nhóm sản phẩm từ cây dược liệu; nhóm sản phẩm du lịch nông thôn, điểm du lịch tập trung các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, cộng đồng tại Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn...

Để đạt được điều đó, tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc đến cấp ủy, chính quyền cơ sở về Chương trình OCOP. Tiến hành thành lập hệ thống chỉ đạo điều hành thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở theo 3 cấp tỉnh - huyện - xã. Song song với đó khuyến khích cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.

Thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và số lượng hàng hóa. Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và quản lý nhằm xây dựng thương hiệu OCOP Bắc Kạn đến gần hơn với người tiêu dùng.