03/05/2024 lúc 07:11 (GMT+7)
Breaking News

Bác Hồ - Người thầy vĩ đại của Báo chí Cách mạng Việt Nam

VNHN-Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình cán bộ miền nam tập kết. Khi ra Hà Nội, ba tôi làm Báo Nhân Dân, còn mẹ tôi làm việc ở Trường Học sinh miền nam, đóng ở Thanh Xuân (Hà Nội). Khi ấy tôi còn nhỏ xíu, nhưng vẫn nhớ Bác Hồ đến thăm trường và cho kẹo, chụp ảnh chung với bọn trẻ con chúng tôi như thế nào. Những kỷ niệm ấy sau này tôi đã viết lại và được chọn đăng trong tập Bác Hồ kính yêu của NXB Kim Đồng, sau khi Bác mất.

VNHN-Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình cán bộ miền nam tập kết. Khi ra Hà Nội, ba tôi làm Báo Nhân Dân, còn mẹ tôi làm việc ở Trường Học sinh miền nam, đóng ở Thanh Xuân (Hà Nội). Khi ấy tôi còn nhỏ xíu, nhưng vẫn nhớ Bác Hồ đến thăm trường và cho kẹo, chụp ảnh chung với bọn trẻ con chúng tôi như thế nào. Những kỷ niệm ấy sau này tôi đã viết lại và được chọn đăng trong tập Bác Hồ kính yêu của NXB Kim Đồng, sau khi Bác mất.

Khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi nhà tôi dọn về ở ngay trụ sở Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống (Hà Nội), tôi cùng các bạn con em cán bộ của Báo Nhân Dân cũng mấy lần được đón Bác, chụp hình chung dưới gốc đa Báo Nhân Dân. Mẹ tôi kể, khi Bác đến thăm Báo Nhân Dân, bao giờ Bác cũng ưu tiên cho các cán bộ miền nam tập kết và con em của họ đứng gần Bác để chụp ảnh.

Suốt 79 năm đời mình, Người cũng đã có 50 năm liên tục viết báo. Ba lần Người cảm thấy hạnh phúc nhất trong công việc cầm bút, đó là lần đầu tiên được đăng một bài báo, lần đầu tiên được đăng một truyện ngắn và là lần viết xong Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, một tác phẩm được coi là “thiên cổ hùng văn”.

Một học giả cho rằng khối lượng công việc của một người tự cho rằng “chỉ có duyên nợ với báo chí” mà như thế thì đến nay vẫn ít nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp nào của chúng ta vượt qua được. Một nhà sử học của Pháp đã thốt lên đầy ngạc nhiên sau khi nghiên cứu về các tác phẩm của Bác Hồ: “Nếu Nguyễn Ái Quốc không phải bận việc lớn là lãnh đạo Cách mạng Việt Nam mà chuyên tâm theo con đường cầm bút thì chắc chắn ông đã là một trong những nhà văn lớn nhất thế giới thế kỷ 20”.

NGƯỜI GẮN LIỀN HOẠT ĐỘNG BÁO CHÍ VỚI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG

Ngoài tầm cỡ một lãnh tụ vĩ đại, một danh nhân văn hóa, có thể nói Bác Hồ còn là nhà báo tài ba, uyên bác và có tay nghề xuất sắc. Bác sử dụng ngòi bút tinh luyện, xuất chúng của mình như một vũ khí sắc bén, trở thành “đòn xoay chế độ”, vì Bác quan niệm rằng “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”. Sinh thời Bác không nhận mình là nhà báo, mà chỉ là “người có duyên nợ với báo chí”. Những bài viết của Bác không đơn giản chỉ là viết tuyên truyền mà là những bài viết nêu rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về những vấn đề to lớn của đất nước. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những bài viết của Bác như một lời kêu gọi, có tác dụng vô cùng to lớn, trở thành sức mạnh tinh thần mạnh mẽ, cổ vũ toàn dân tham gia kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.

Bác từng nhấn mạnh: “Cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới...”. Bác viết báo say mê thế nào thì cũng đọc báo say mê thế ấy. Điều đáng chú ý là Bác luôn tự đọc báo, dậy sớm để đọc báo, vừa đọc vừa lấy ngón tay dò theo từng dòng chữ để không bỏ sót. Chú ý điều gì, Bác đều đánh dấu ngay bên lề, chỉ đạo ngay việc cần làm. Người làm báo Việt Nam tự hào biết bao khi có một độc giả số Một là Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đam mê đọc báo và coi báo chí sẽ đem lại hiệu ứng xã hội thiết thực, như một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Tinh thần báo chí, thái độ với báo chí, cách làm báo và cả cách đọc báo của Bác luôn như một lời nhắc nhở ân cần nhất, yêu thương nhất đối với tôi mỗi khi tôi ngồi vào bàn viết.

MỘT NHÀ BÁO LỚN ĐỂ LẠI NHIỀU BÀI HỌC LỚN

Người ta thường nói năng khiếu cộng với sự lao động mới trở thành một tài năng. Bác Hồ hội tụ cả hai yếu tố ấy trong quá trình làm báo của mình. Đây chính là một tấm gương lớn cho tôi và những nhà báo Việt Nam noi theo. Bác là người nói và viết được bằng các thứ tiếng Pháp, Nga, Trung Quốc, đầu tiên là nhờ Bác có một chút vốn tiếng Pháp khi còn học ở Quốc học Huế. Sau đó là có thời gian bôn ba ở nước ngoài. Đến nước nào Bác cũng bắt tay vào tự học tiếng nước đó, rảnh là học, mỗi ngày cố gắng thuộc 10 từ, vừa học vừa hành. Bác quan tâm đến báo chí cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời. Bài báo đầu tiên Bác viết năm 1919 là bài Vấn đề dân bản xứ đăng trên báo Nhân đạocủa Đảng Cộng sản Pháp, bài báo cuối cùng là bài viết về thiếu nhi vào ngày 1-6-1969.

Trong khoảng 50 năm cầm bút, Bác đã viết hơn 2.000 bài báo, 276 bài thơ, gần 500 trang truyện và ký với gần 200 bút danh. Bác cũng từng chỉ đạo mở lớp đào tạo hơn 300 cán bộ báo chí...

Một nhà nghiên cứu đã nói rất đúng: Trong tư duy của Người, đối tượng của báo chí không chỉ dành riêng cho một số tầng lớp nào đó mà nhất thiết phải hướng về “đại đa số dân chúng”. Tính chất báo chí, theo Bác, chính là tinh thần quần chúng và tính chiến đấu...”. Bác dạy: Nhà báo phải là người chí công vô tư, hiểu biết rộng và có cái tâm trong sáng. Đạo đức báo chí trước hết thể hiện ở những mặt ấy.

Người hết sức chú trọng về mặt đạo đức báo chí và chính Bác cũng là một tấm gương về đạo đức cao cả của báo chí. Làm báo để phục vụ Cách mạng, cho nhân dân, không viết để lưu danh thiên cổ, mà viết để tuyên truyền giáo dục lý tưởng Cách mạng. Bác đã để lại tấm gương sáng về mục đích viết báo. Bác viết cho cả những tờ báo nhỏ, viết cho cả các em thiếu nhi, Bác viết tiết kiệm trên một mặt giấy của tờ giấy đã dùng. Bác bao giờ cũng nhờ người có trình độ văn hóa thấp đọc trước xem có dễ hiểu không rồi mới cho đăng, lỡ có chi tiết sai là Bác tự viết lời đính chính.

Bác là lãnh tụ của đất nước mà cầm bút viết bài khen ngợi hai anh hùng ngành quân giới là Trần Đại Nghĩa và Ngô Gia Khảm. Sau Cách mạng Tháng Tám có một tờ báo tư nhân đến xin bài, Bác cũng sẵn sàng viết tặng một bài thơ chúc Tết. Là một người có trình độ chữ nghĩa uyên thâm song Bác luôn viết bằng tất cả ngôn ngữ giản dị trong sáng, dễ hiểu nhất. Nhuận bút của Bác mà tòa soạn “quên” trả là Bác... nhắc vui, nhưng Bác dùng nhuận bút ấy để gửi cho các nhà trẻ. Bác luôn là người kỹ càng, thận trọng trong viết báo, viết văn. Bác đặt ra tiêu chí: Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ viết. Những kinh nghiệm quý báu ấy thật sự là cẩm nang, hành trang không thể thiếu của những người làm báo chúng tôi.

DI CHÚC BÁC HỒ - NGUỒN SÁNG DẪN ĐƯỜNG

Trong Di chúc của Bác, điều tâm đắc nhất với tôi là khi Bác nói về Đảng, về sự đoàn kết.

Tổ chức phát triển Đảng trong báo chí không thể chạy theo số lượng, càng không thể coi nhẹ phẩm chất chính trị, vì làm báo tức là làm chính trị. Làm báo là làm cầu nối của Đảng đến công chúng bạn đọc và nhân dân, đến mỗi đảng viên, nên không thể coi nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng.

Mặt khác, công tác phát triển đảng trong đơn vị báo chí liên quan chặt chẽ đến vấn đề tổ chức cán bộ, cơ cấu nhân sự, phát triển thêm một đảng viên là làm tăng thêm một sức mạnh chính trị và nghiệp vụ cho đơn vị ấy.

Là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như Hội Nhà báo, thực hiện Di chúc của Bác là một quá trình xuyên suốt giữa các vấn đề then chốt sống còn. Muốn làm công tác tuyên truyền tốt, bản thân những người làm báo phải đoàn kết, phải làm gương, phải biết tự phê bình và phê bình tốt, nếu không việc tuyên truyền không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng.

Tôi đã được đọc nhiều, học nhiều về các tác phẩm của Bác. Nghe theo lời Bác dạy: nói phải đi đôi với làm, hãy hành động theo ý thức mình vì mọi người, và hãy làm báo không phải để lưu danh, để nổi tiếng, để kiếm tiền, mà để cống hiến cho đất nước, để phục vụ nhân dân.