Hiện nay, doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với những biến động không ngừng của kinh tế - xã hội, đặc biệt từ hệ quả của Đại dịch Covid-19. Do đó, những sáng kiến làm việc và quản trị mới, tinh gọn, hiệu quả sẽ là đòn bẩy giúp cân bằng trạng thái bình thường mới, nhằm duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo thu nhập việc làm cho cả doanh nghiệp, lẫn người lao động.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải nhìn ra những yêu cầu về xu hướng mới, đặc biệt là những sáng kiến để chia sẻ giá trị - cộng hưởng giữa người lao động và doanh nghiệp tại nơi làm việc; đặc biệt liên quan đến tư duy tinh gọn - mô hình tập trung vào việc loại bỏ lãng phí và không hiệu quả, được định nghĩa là bất cứ thứ gì không cần thiết cho sản xuất một sản phẩm hay dịch vụ.
Mới đây, tại Hội nghị “Các sáng kiến mới tại nơi làm việc Made in Vietnam” do Respect Vietnam & Amcham Vietnam tổ chức, các chuyên gia cho rằng, có rất nhiều giải pháp giúp tư duy tinh gọn cho các doanh nghiệp thâm dụng lao động trước và trong quá trình chuyển đổi số.
Cụ thể các giải pháp được nhắc đến bao gồm: Truyền thông nội bộ chính sách làm việc mới trên một trang giấy OPC; sổ tay số hóa nội quy và tiêu chuẩn tại nơi làm việc bằng hình ảnh; công cụ Đề xuất một sáng kiến tại nơi làm việc kèm phân tích chi phí & lợi ích trên một trang giấy; cẩm nang số hóa các nội dung mới nhất của Luật Lao động 2019; văn bản số các hướng dẫn về phát triển bền vững trong các Hiệp định tự do thương mại…
Trong phiên thảo luận của Hội nghị, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, những sáng kiến về nội quy và cẩm nang Bộ Luật lao động bằng hình ảnh và số hóa, cũng như nội dung chuyển đổi những ý kiến của người lao động trở thành cải tiến liên tục cho doanh nghiệp là một sáng kiến hay.
Nó giúp tiết kiệm nguồn lực, công tác đào tạo, về cả phương diện con người và kinh phí để vận hành tốt quan hệ lao động trong doanh nghiệp. Giải pháp này sẽ thể hiện sự minh bạch và làm rõ quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh số hóa một cách nhanh nhạy, giờ đây người lao động có thể được hiểu biết thêm thông tin, cũng như được chia sẻ tâm tư nguyện vọng của mình; đóng góp vào các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng loại bỏ được các thủ tục giấy tờ rườm rà, khi lấy ý kiến của người lao động.
Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định, khi số hóa tất cả những vấn đề từ nội quy lao động đến phản ánh ý kiến của người lao động trong một doanh nghiệp. Nó sẽ vừa thể hiện được sự tiến bộ, độ chính xác, vừa bộc lộ được tiếng nói chân thực của người lao động. Khi thực hiện giải pháp mới nhằm cải tiến quan hệ giữa lao động và doanh nghiệp, cũng sẽ góp phần thúc đẩy môi trường việc làm bền vững cho cả đôi bên.
“Bên cạnh đó, vai trò của công đoàn trong việc vận hành kỹ thuật số cho quan hệ lao động trong các doanh nghiệp là rất quan trọng. Điển hình như cán bộ công đoàn ở các doanh nghiệp sẽ giảm được công sức khi thực hiện các nhiệm vụ, chức năng của Tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên một cách chủ động và khoa học.
Chính điều đó sẽ thúc đẩy công tác quản lý đoàn viên trong hoạt động Tổ chức Công đoàn và thúc đẩy quá trình quản lý của người sử dụng lao động. Thậm chí nó sẽ khuyến khích người lao động thực hiện quyền lợi của mình, kể cả những vấn đề về cải tiến quy trình lao động, những phát minh, sáng kiến, công tác thi đua. Từ đó, tăng năng suất cho doanh nghiệp”, bà Trần Thị Thanh Hà nói.
Đồng quan điểm với bà Trần Thị Thanh Hà, ông Mai Đức Thiện - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội cho rằng, đây là sáng kiến có tiềm năng lớn, cần được tiếp tục thí điểm và nhân rộng tại nhiều doanh nghiệp, từ đó tạo nên các giá trị cụ thể, gắn kết người lao động và doanh nghiệp, giảm khoảng cách và sự đối lập về lợi ích./.
Doãn Nam