05/05/2024 lúc 10:47 (GMT+7)
Breaking News

Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để tạo môi trường kinh doanh minh bạch

 VNHN-Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam để tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.

VNHN-Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam để tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam thu hút mạnh vốn đầu tư nước ngoài.

Chuẩn mực kế toán tại Việt Nam còn nhiều bất cập

Theo tài liệu thống kê của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB), tính đến nay có 131/143 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm tỷ lệ 93% các nước được IASB khảo sát) tuyên bố về việc cho phép áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau. Trong đó có 119/143 (chiếm tỷ lệ 83,2%) quốc gia và vùng lãnh thổ đã yêu cầu bắt buộc sử dụng các chuẩn mực của IFRS đối với tất cả hoặc hầu hết các đơn vị lợi ích công chúng trong nước. Ở châu Âu, 31 nước thành viên và 5 vùng lãnh thổ đã áp dụng toàn bộ IFRS. Việt Nam hiện nay là một trong số ít các quốc gia chưa có tuyên bố về việc áp dụng IFRS.

 

Áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế để tạo môi trường kinh doanh minh bạch

Tính minh bạch của doanh nghiệp sẽ được cải thiện khi áp dụng IFRS (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lực Việt, Hà Nội). Ảnh: KHÁNH AN

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán-Kiểm toán (Bộ Tài chính) Trịnh Đức Vinh, chuẩn mực kế toán tại Việt Nam còn thiếu so với quy chuẩn của quốc tế, như: Chuẩn mực về nông nghiệp, thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản, về tổn thất tài sản, giá trị hợp lý... Điều này dẫn tới khó khăn trong công tác kế toán của doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, không ít giao dịch của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam chưa có căn cứ để ghi nhận, ví như các giao dịch thanh toán bằng cổ phiếu, ghi nhận tổn thất tài sản, ghi nhận và xác định giá trị các công cụ tài chính… “Thời gian qua, IFRS đã nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng cập nhật, ban hành mới toàn bộ hệ thống chuẩn mực kế toán theo hướng phù hợp với IFRS”, ông Trịnh Đức Vinh nêu quan điểm đồng thời viện dẫn: Hiện nay, chuẩn mực và chế độ kế toán DN Việt Nam chưa có những hướng dẫn, yêu cầu cụ thể về thuyết minh các thông tin rủi ro mà DN có thể gặp phải, hay định giá tài sản còn nhiều bất cập, gây ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế của các nhà đầu tư.

Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp

Đề cập tới tính cấp thiết phải áp dụng IFRS tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam là nước có độ mở nền kinh tế cao, các hiệp định đều có quy định khuyến khích tự do thương mại, khuyến khích các dòng vốn đầu tư, nhất là từ khu vực tư nhân. Vì vậy, tất yếu Việt Nam phải thực hiện chuẩn mực quốc tế. Từ năm 2017, Bộ Tài chính đã bắt tay xây dựng dự thảo Đề án Áp dụng IFRS tại Việt Nam. Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo và dự kiến trình Chính phủ phê duyệt đề án trước ngày 30-4-2019. Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của DN là việc phải làm. Quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới đòi hỏi các DN phải bắt kịp yêu cầu về báo cáo tài chính theo chuẩn thế giới. Việc thay đổi quản trị DN theo chuẩn mực mới cũng là đòi hỏi bức thiết của thời kỳ mới. Đây là những yếu tố thúc đẩy việc thực hiện ”.

Theo ông Konaka Tesuo, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam: IFRS là một công cụ tài chính quan trọng, hỗ trợ nhà đầu tư có các thông tin chính xác hơn về tài chính; mặt khác, có thể huy động được các nguồn lực tài chính toàn cầu. IFRS cũng là công cụ tạo ra ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế của DN tại các nước áp dụng IFRS.

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán-Kiểm toán cho biết: “Khi áp dụng IFRS tại Việt Nam, chất lượng báo cáo tài chính (BCTC) của DN sẽ được cải thiện rõ thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho người sử dụng báo cáo để đưa ra các quyết định quản lý, điều hành và đầu tư. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số lượng các công ty đa quốc gia tại Việt Nam sẽ có cơ hội gia tăng mạnh mẽ, vì các DN FDI sẽ giảm bớt chi phí chuyển đổi BCTC được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam sang IFRS để hợp nhất với công ty mẹ ở nước ngoài. Đồng thời, do IFRS được thừa nhận và áp dụng rộng rãi nên sẽ giúp người sử dụng BCTC có thể so sánh tình hình và kết quả tài chính của các DN giữa các quốc gia một cách dễ dàng, giúp các DN Việt Nam có cơ hội thuận lợi trong huy động vốn trên thị trường quốc tế...”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng IFRS tại Việt Nam đặt ra những khó khăn, thách thức. Rào cản lớn nhất là thị trường vốn và thị trường tài chính của Việt Nam phát triển chưa đủ mạnh. Một số công cụ tài chính như: Trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh, cổ phiếu ưu đãi chưa được giao dịch rộng rãi; hầu hết DN chưa có kinh nghiệm trong thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan. Điều này dẫn tới việc DN khó có thể cung cấp thông tin về giá trị tài chính hợp lý một cách đáng tin cậy. Bên cạnh đó, IFRS yêu cầu một số kỹ thuật phức tạp và thực hiện một số đánh giá mang tính chủ quan nên cũng gây trở ngại cho việc hạch toán, ví như việc thực hiện các ước tính về giá trị hợp lý khi không có giá niêm yết trên thị trường, xác định giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai… Nếu không có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, DN Việt Nam khó có thể áp dụng IFRS thành công.

ĐẶNG THỊ MINH LOAN