28/11/2024 lúc 04:46 (GMT+7)
Breaking News

Ấn tượng Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018

VNHNO- Chỉ diễn ra trong 4 ngày, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội do UBND TP Hà Nội tổ chức tại Công viên Thống Nhất đã thu hút khoảng 9 vạn du khách. Không chỉ được thưởng thức những món quà ngon, được tận mắt chứng kiến quy trình làm nên những sản phẩm ẩm thực của các nghệ nhân... Lễ hội thực sự là hoạt động ý nghĩa quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa ẩm thực độc đáo của thủ đô.

VNHNO- Chỉ diễn ra trong 4 ngày, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội do UBND TP Hà Nội tổ chức tại Công viên Thống Nhất đã thu hút khoảng 9 vạn du khách. Không chỉ được thưởng thức những món quà ngon, được tận mắt chứng kiến quy trình làm nên những sản phẩm ẩm thực của các nghệ nhân... Lễ hội thực sự là hoạt động ý nghĩa quảng bá và bảo tồn di sản văn hóa ẩm thực độc đáo của thủ đô.

 

Bánh cuốn Thanh Trì tại Lễ hội

 Lan tỏa văn hóa ẩm thực thủ đô

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: “Lễ hội ẩm thực Hà Nội là hoạt động nhằm quảng bá những nét đặc sắc của văn hóa ẩm thực Hà Nội, góp phần thúc đẩy, phát triển du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng”. Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội có bốn khu vực hoạt động chính: khu vực giới thiệu không gian văn hóa các làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội; khu vực triển lãm; khu vực sân khấu; khu vực bán hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và thưởng thức ẩm thực. Đến với khu vực triển lãm, qua những tác phẩm về chủ đề Hà Nội xưa và nay, du khách có thể hình dung về lịch sử văn hóa ẩm thực thủ đô trong thưởng thức ẩm thực và ứng xử nơi công cộng. Bên cạnh đó, quanh khu vực sân khấu, nhiều loại hình nghệ thuật, trò chơi truyền thống... trở thành điểm thu hút các bạn trẻ, trẻ em trong những ngày diễn ra Lễ hội.

Suốt những ngày diễn ra Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2018, dường như lúc nào Công viên Thống Nhất cũng nườm nượp du khách. Tại khu vực bán hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm và thưởng thức ẩm thực, nhiều sản phẩm chỉ để trưng bày, triển lãm nhưng không ít du khách vẫn một mực đòi thưởng thức hay muốn mua về cho bằng được. Khu vực này vốn đã có 26 gian giới thiệu và trưng bày sản phẩm ẩm thực, nhưng nhiều thời điểm tưởng chừng như quá tải. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, Ban tổ chức Lễ hội đã phải tăng cường 300 thùng rác cùng 50 xe rác to của công viên thay phiên vận chuyển ra khu vực khác. Gần như những ngày diễn ra Lễ hội, công nhân vệ sinh của Công viên Thống Nhất đã làm việc hết cường độ với 3 ca/ngày, mỗi ca khoảng 25 người. Riêng khu vực ẩm thực, Ban tổ chức cũng phải bố trí thêm 10 người/ca trực.

Đáng chú ý, khu vực giới thiệu không gian văn hóa các làng nghề gắn với di sản ẩm thực tiêu biểu của Hà Nội thực sự là điểm nhấn của Lễ hội. Tái hiện không gian, giới thiệu sản phẩm và quy trình thực hành tạo nên những sản phẩm ẩm thực của 10 làng nghề tiêu biểu tại Hà Nội như: bánh cuốn Thanh Trì (quận Hoàng Mai), cốm Mễ Trì và bún Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), xôi - chè Phú Thượng (quận Tây Hồ), bánh tẻ Phú Nhi và tương Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), giò chả Ước Lễ (huyện Thanh Oai), bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì), bánh giày Quán Gánh (huyện Thường Tín), phở Hà Nội. Bên cạnh các sản phẩm ẩm thực, Ban tổ chức Lễ hội đã gắn những món ăn, món quà ẩm thực này với các di sản vật thể tiêu biểu như khu nhà cổ Đường Lâm chum vại, chõng tre gắn với tương Đường Lâm hay những đụm rơm, những nhành lá sen gắn với cốm Mễ Trì...

Chấm phá những món ngon Hà Nội

GS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia nhìn nhận: “Ẩm thực văn hóa dân gian là nét văn hóa đặc trưng của từng vùng miền. Riêng ẩm thực Hà Nội luôn có cách chế biến riêng và hơn thế ẩm thực đã trở thành một nét văn hóa của thủ đô”. Những nét văn hóa đặc trưng đó của Hà Nội đã được các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân giới thiệu, trình diễn và trưng trổ ít nhiều trong những ngày diễn ra Lễ hội. Đơn cử như giò, chả Ước Lễ thuộc xã Tân Ước, Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Khi hoa đào nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới, đón Tết Nguyên đán cũng là lúc cả làng lại tập trung làm giò, chả để cung cấp đi khắp mọi miền. Không biết làng nghề có từ khi nào, chỉ biết rằng từ thời vua Tự Đức nhà Nguyễn làng Ước Lễ với nghề truyền thống làm giò, chả đã trở thành làng quê giàu có, lập ra xã thương cứu đói cho hàng tổng nên triều đình ban tặng biển ngạch “Mỹ tục khả phong”. Giò, chả Ước Lễ khác hẳn với giò của những nơi khác: xanh ở vỏ ngoài, hồng ở bên trong, có nhiều lỗ nhỏ. Giò lụa ăn có vị giòn, ngọt, thơm mùi thịt mà không bã. Chả cũng ngon, ngọt và có mùi quế đặc trưng. Ngày nay, bên cạnh giò lụa và chả quế truyền thống, người làng Ước Lễ còn làm thêm nhiều thứ giò, chả khác như: giò bò, giò gà, chả bìa, chả cốm… Ở Hà Nội, hiện có rất nhiều gia đình Ước Lễ làm giò ở các phố Vọng, phố Huế, phố Lê Văn Hưu, phố Trần Xuân Soạn…

Khắp cả nước, đâu đâu cũng có những món ăn làm từ tinh bột. Bún cũng là món ăn được làm từ tinh bột và ở Hà Nội, trong phố hay trong nội thành đều có những làng làm bún nổi tiếng như: bún Phú Đô (quận Từ Liêm), bún Tứ Kì (quận Hoàng Mai), bún Cổ Đô (huyện Ba Vì), bún Mạch Tràng (huyện Đông Anh), bún Bặt (huyện Ứng Hòa)... Riêng nghề làm bún ở làng Phú Đô, tính đến nay đã có lịch sử hơn 400 năm. Sử sách của làng ghi lại: Tổ nghề làm bún của làng Phú Đô là cụ Hồ Nguyên Thơ, người xứ Thanh từ miền Trung ra truyền nghề cho dân làng. 5 năm 1 lần, người dân Phú Đô lại tổ chức hội làng nhằm tri ân các vị thành hoàng làng cũng như ông tổ nghề bún, đã che chở cho dân làng vượt qua những thăng trầm của nghề, để gìn giữ và đưa bún Phú Đô trở thành thương hiệu quốc gia. Trước đây người Phú Đô giã bột bằng tay mất nhiều công sức, nay người ta thiết kế ra máy lọc bột, máy làm ra sợi bún, máy vo gạo, máy xay bột nên có thể làm tới 1 tấn gạo một ngày. Sản phẩm bún ở làng Phú Đô khá đa dạng, từ bún rối, bún lá, bún mắm cho đến bún khô. Đặc biệt, những nghệ nhân còn sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo như: bún hút chân không có thể bảo quản được trong 1 tuần, bún vảy ốc, bún sao (bún nghệ thuật có hình dáng ngôi sao chuyên dùng cho các nhà hàng, lễ hội, tiệc cưới hỏi)…

Món ngon Hà Nội không chỉ thu hút mọi người mà còn đi vào trang văn của nhiều tác giả tên tuổi như Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng… Bánh cuốn Thanh Trì hơn một lần đã được các cây bút viết về ẩm thực này chấm phá bằng những tuyệt bút văn chương. Quả thực, Hà Nội có nhiều món ăn được xem là đặc sản nhưng không phải bất kì đặc sản nào cũng có vị trí đối với kho tàng văn hoá ẩm thực Hà Nội, thế mà bánh cuốn Thanh Trì lại hội đủ cả hai điều kiện ấy. Bánh cuốn Thanh Trì mỏng và trong đến mức có thể nhìn rõ được mặt người phía sau. Sau mỗi lớp bánh tráng nóng hổi vừa ngả xuống, người phụ việc lại nhanh tay rắc một lớp lá hành đã phi thơm bóng mỡ. Mỗi lá bánh mỏng mịn, vàng ngà điểm xuyết màu xanh vàng của lá hành đã tạo nên nét hấp dẫn, độc đáo riêng. Bánh cuốn ngon không thể thiếu nước chấm, phải pha sao để dậy được cái mùi cà cuống lên thì thật là tuyệt vời. Có lẽ vị cà cuống đặc biệt cũng góp phần làm nên sự tinh tế của món ăn này. Pha nước chấm thế nào là bí quyết riêng của mỗi cửa hàng mà thực khách tới thưởng thức đều mê mẩn thứ nước màu hổ phách thơm dịu này. Ngày nay, người ta làm thêm các thứ bánh cuốn nhân thịt, nhân tôm, có người thích ăn kèm giò chả, nhưng nhiều nhất vẫn là bánh tráng chay dai giòn thơm hương đồng gió nội, được tinh cất từ hạt gạo trắng trong.

PHÚC NGHỆ/baovanhoa.vn