VNHNO - Vụ sắt trên công trình rơi xuống đường khiến một cô gái tử vong tại chỗ, một người đàn ông bị thương đi cấp cứu, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Lực lượng pháp y khám nghiệm hiện trường
Tối 27/9, một số người dân lưu thông trên đường gần cầu vượt Lê Văn Lương - Láng Hạ, thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội chứng kiến thanh sắt trên trong hệ thống giàn giáo tại công trường xây dựng bất ngờ rơi xuống đường, trúng 2 người đi xe máy đang lưu thông qua đây. Theo tấm biển ghi tại hiện trường, chủ đầu tư của công trình này là Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai.
Vụ việc khiến 1 cô gái tử vong tại chỗ, một người đàn ông bị thương phải nhập viện cấp cứu.
Tại hiện trường, chiếc xe máy tay ga đổ nghiêng. Cách đó vài mét, một khối kim loại nằm sát vỉa hè. Nhiều mảnh vỡ vương vãi khắp nơi, nạn nhân gục cạnh xe máy, xung quanh có nhiều vết máu.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, ở 47 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - người may mắn thoát chết cho biết, khi đang đi xe máy qua đây thì bất ngờ thanh sắt rơi xuống đè trúng xe và bị ngã. Hai tay nạn nhân bị thanh sắt cứa chảy máu, gây thương tích. Sau khi được người dân đưa vào vỉa hè, ông Cường được đưa vào bệnh viện gần nhất cấp cứu.
Một lãnh đạo UBND phường Nhân Chính xác nhận vụ việc và cho biết, lực lượng công an và cơ quan chức năng đang có mặt tại hiện trường. Cơ quan chức năng xác định danh tính người đàn ông bị thương là Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, trú tại Minh Khai, Hà Nội), nạn nhân tử vong là chị Dương Thị Hằng (SN 1987, trú tại Bắc Ninh).
Trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) đã cho biết vụ việc dưới góc độ pháp lý như sau: Sự cố thanh sắt trên trong hệ thống giàn giáo tại công trường xây dựng bất ngờ rơi xuống đường, trúng 1 người đi xe máy đang lưu thông bị tử vong tại chỗ một lần nữa báo động tình trạng mất an toàn lao động nghiêm trọng tại các công trình xây dựng nhà cao tầng tại Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng như tại các Thành phố trên cả nước nói chung.
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến các sự cố trong thời gian qua do sự chủ quan, thiếu cẩn trọng, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không có che chắn các lan can công trình, lắp đặt biển báo biển cấm, lưới chống vật rơi ở những nơi nguy hiểm nhiều người qua lại…
Hậu quả chết người xảy ra, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Trước khi khởi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động. Kế hoạch này được xem xét định kỳ hoặc đột xuất để điều chỉnh phù hợp với thực tế thi công trên công trường. Nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình.
Để tổ chức thi công, nhà thầu sẽ có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.
Tấm biển ghi tên chủ đầu tư công trình nơi cô gái vô tình bị thanh sắt rơi trúng đầu tử vong
Khi phát hiện vi phạm các quy định về quản lý an toàn lao động hoặc các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, xử lý theo quy định nội bộ của nhà thầu; quyết định việc tạm dừng thi công xây dựng đối với công việc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động; đình chỉ tham gia lao động đối với người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong thi công xây dựng và báo cáo cho chỉ huy trưởng công trường.
Như vậy, theo quan điểm của Luật sư, sự cố thanh sắt công trình xây dựng là do lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã không thực hiện đúng quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công dẫn tới hậu quả làm 1 người đi xe máy dưới đường bị tử vong do thanh sắt xây dựng rơi trúng.
Hành vi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình đã vi phạm Điều 6 Thông tư 04/2017/TT-BXD ngày 30/3/2017 của Bộ xây dựng gây hậu qủa 01 người tử vong đã có dấu hiệu phạm tội Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự 2015.
Lỗi của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình trong vụ việc này là lỗi vô ý được quy định tại khoản 2 điều 11 BLHS 2015 “Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó”.
Ai là người có trách nhiệm bồi thường dân sự?
Căn cứ Điều 597 Bộ luật dân sự 2015. Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, trước tiên Nhà thầu thi công của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật dân sự.
Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.