28/09/2024 lúc 13:15 (GMT+7)
Breaking News

AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Hạnh phúc của thầy thuốc là sức khỏe, sự bình an của người bệnh

AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là một trong những chuyên gia đầu ngành cả nước trong lĩnh vực ngoại khoa. Người thầy thuốc giàu y đức, tận tâm trong công việc, nghiên cứu ấy luôn nỗ lực, hết lòng vì người bệnh. Với những dấu ấn cống hiến sâu đậm và ý nghĩa trong sự nghiệp, vừa qua PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vinh dự được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết sinh ra ở vùng chiêm trũng của huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thuở còn thơ, trong những câu chuyện mà cậu bé Quyết nghe kể luôn có hình bóng của một người mà ông ghi dấu mãi, đó là cụ nội của ông - lương y Nguyễn Văn Lương. “Cụ tôi là một lương y nổi tiếng ở vùng Ý Yên, cụ rất giỏi về y thuật, bắt mạch và kê đơn. Có lẽ cũng bởi mong con theo nghiệp của cụ nội mà khi tôi học xong cấp III, cha tôi đã động viên tôi thi vào y khoa. Ông bảo, nghề y rất khó và khuyến khích tôi thử sức” - PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết nhớ lại. Hình ảnh của cụ nội - một lương y tài đức, cùng lời động viên của cha đã tiếp thêm niềm hứng khởi cho chàng trai Nguyễn Tiến Quyết. Ông quyết định rẽ lối không theo học toán trường Đại học Tổng hợp như ý định ban đầu mà chuyển sang thi vào ngành y. Và rồi mùa quả ngọt đầu tiên đã tới, Nguyễn Tiến Quyết trở thành sinh viên của trường ĐH Y Hà Nội niên khóa (1976 - 1982).

AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam

Nhắc lại những bước chân đầu tiên đến với nghề, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết không thể nào quên những người thầy đã vun bồi cho ông niềm say mê với nghề và nhiệt huyết cống hiến. Ông nhớ như in hình ảnh của thầy Tôn Thất Tùng trong những lần giao ban trên hội trường khi ông còn đang là sinh viên thực tập. “Lúc ấy, cả hội trường im phăng phắc, những bài giảng, những kiến thức uyên thâm mà thầy trao truyền như một chất men say khiến ai cũng say sưa. Tôi lắng nghe, nhìn những động tác biểu cảm của thầy mà cuốn hút không rời.” - PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết kể lại. Ông nhớ cả những phần thưởng nho nhỏ là cân đường, hộp sữa mà thầy Tùng dành cho sinh viên có thành tích xuất sắc trong những năm tháng gian khó. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ, ngoài thầy Tôn Thất Tùng, những người thầy mà ông ngưỡng mộ như: Bửu Triều, Đỗ Kim Sơn, Nguyễn Đình Hối, Đỗ Đức Vân, Đặng Anh Đệ… cũng là những tấm gương sáng về y thuật và y đức để ông soi chiếu, học tập và phấn đấu… Để rồi, PGS. TS Nguyễn Tiến Quyết - người học trò xuất sắc của những người thầy đáng kính ấy đến nay đã đảm nhiệm qua nhiều cương vị quan trọng suốt những năm tháng cống hiến cho nghề y như: Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam…

Là một bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản tại ĐH Y khoa Hà Nội và Bệnh viện (BV) Việt Đức, năm 1985, BS. Nguyễn Tiến Quyết được cử đi học nội trú ngoại khoa tại Đức. Trở về Việt Nam năm 1991, ông gắn bó với Khoa Phẫu thuật gan mật - BV Việt Đức. Với trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc Bệnh viện (năm 2004). Là một bác sĩ luôn chuyên tâm làm chuyên môn, đây là một áp lực rất lớn. Làm sao để quản lý BV tốt mà không xao nhãng việc chuyên môn vì BV Việt Đức là một BV đầu ngành về ngoại khoa. Bài toán đặt ra không đơn giản trong điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, lượng bệnh nhân đến khám rất đông, quá tải, số giường bệnh ít, cơ chế chưa đồng bộ, cán bộ không yên tâm làm việc... Với sự chỉ đạo sâu sát, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tầm nhìn bao quát của ông, BV Việt Đức đã có những đổi thay rõ rệt. Từ 430 giường bệnh năm 2004 lên 1500 giường bệnh vào năm 2015; mỗi ngày mổ 200 - 300 bệnh nhân, khám hơn 1.000 bệnh nhân; không còn tình trạng nằm ghép. Trong đó, hơn 70% số ca phẫu thuật là ca bệnh đặc biệt từ các BV khác gửi đến. BV cũng đã triển khai những kỹ thuật mổ thường quy ngang tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, tim mạch, nội soi và ghép tạng.

Giải quyết được bài toán khó chống quá tải từ xa để tập trung làm chuyên môn, Giám đốc BV vẫn đều đặn duy trì lịch trực viện, trực chuyên môn cùng các kíp trực giải quyết từng trường hợp khó khăn nhất. Nghiên cứu, mổ xẻ, tìm ra những phương pháp tối ưu sau những ca mổ khó là điều ông luôn tâm huyết, trăn trở. Là một bác sĩ ngoại khoa Gan mật, đích đến của PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và đồng nghiệp là phải ghép được gan từ người cho sống và người cho chết não. Đây là công việc cực kỳ khó khăn cả về kỹ thuật, kinh tế và tổ chức trong điều kiện nước ta. Trải qua hàng nghìn cuộc vận động với thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu được tính hữu ích của việc hiến tạng; những lời giải thích đều "nặng trĩu" với bác sĩ và người thân, có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ. Khó khăn là thế, thách thức không nhỏ, nhưng không gì khuất phục được ý chí của người thầy thuốc luôn vì mục đích duy nhất - "chữa bệnh cứu người". Tháng 11/ 2007, BV đã ghép gan người lớn đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 19/5/2010, ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết làm trưởng kíp đã được thực hiện. Hơn 30 năm cầm dao mổ, không thể nhớ đã mổ bao nhiêu bệnh nhân khi số lượng lên đến hàng nghìn, vậy mà khi nhớ lại, ông vẫn bồi hồi, xúc động. Gần 6 tiếng đồng hồ nghẹt thở trôi qua. Ca ghép gan kết thúc, bệnh nhân chuyển về phòng hậu phẫu, lá gan chuyển màu, bắt đầu tiết mật báo hiệu sự sống đã hồi sinh. Ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên đã thành công mở ra triển vọng tốt đẹp để điều trị bệnh nhân xơ gan, ung thư gan, suy gan giai đoạn cuối. Ca ghép gan thành công từ người cho chết não do các thầy thuốc Việt Nam thực hiện không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài chỉ trong vòng 5h20 phút ngắn hơn nhiều so với thời gian dự kiến đã khẳng định trình độ của bác sĩ Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ những người suy thận, suy gan không thể rời khỏi BV, nay được thay tạng mới, cuộc sống của họ mới trở về đúng nghĩa là cuộc sống, rời xa giường bệnh, máy móc, mệt mỏi, thất vọng. Một người không may từ giã cõi đời đã mang lại cuộc sống ý nghĩa cho những người bệnh trọng, hàng giờ, hàng phút luôn phải chiến đấu với bệnh tật để dành lại sự sống.Thành công của ca ghép gan đầu tiên ở BV Hữu nghị Việt Đức với bộ phận được hiến tặng từ người “chết não” đã chứng tỏ rằng, nền y học Việt Nam có thể thực hiện được tất cả những kỹ thuật khó của y học thế giới về ghép tạng.

PGS.TS Quyết khẳng định, tại BV Việt Đức cũng như ở nhiều BV khác của Việt Nam nói chung, kỹ thuật ghép tạng không hề thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Ghép thận giờ đã trở thành thường quy tại BV, hầu như tuần nào cũng có ghép. Hay như với ghép gan - một kỹ thuật ghép khó nhất hiện nay thì các bác sĩ của Việt Đức cũng đã hoàn toàn làm chủ. Đặc biệt, với cùng kỹ thuật đó, người bệnh ở Việt Nam được hưởng lợi hơn rất nhiều bởi chi phí rẻ. Hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới. Ví như chi phí ghép thận, ở các nước cùng khu vực bệnh nhân sẽ mất khoảng 35.000 USD, còn tại BV Việt Đức người bệnh chỉ nộp từ 200 - 230 triệu. Còn ca ghép gan đầu tiên từ người chết não tại viện, chi phí chỉ hết 500 triệu, trong khi chi phí này ở các nước trên thế giới là từ 1 - 1,5 tỷ đồng. Với PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc là được lao động, được cống hiến, khẳng định và vươn lên chinh phục những đỉnh cao khoa học. Thành quả mỹ mãn như là phần thưởng, sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và đội ngũ y bác sỹ nhiệt thành của BV Việt Đức. Ông chính là người đi đầu thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho sống và người cho chết não - một trong những thành tựu y học xuất sắc của y tế Việt Nam.

Mặc dù đảm trách công việc quản lý trong suốt hơn 20 năm nhưng PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn chuyên tâm với công việc chuyên môn. Ông bảo, việc quản lý ông chủ yếu làm ngoài giờ và phân công trách nhiệm cho các cán bộ, khoa, phòng thực hiện còn ông vẫn duy trì thường xuyên lịch trực tham vấn, rồi trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhất là những ca khó. 
Nhìn lại chặng đường hơn 40 năm gắn bó với ngành y, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết chia sẻ dẫu vất vả, dẫu phải lăn lộn tối ngày ở BV, cùng bệnh nhân nhưng ông luôn cảm thấy hạnh phúc và say mê với công việc. Cho đến bây giờ, ông chẳng nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ, cứu sống bao nhiêu bệnh nhân, chỉ biết mỗi lần cứu được một người từ cõi chết trở về là niềm vui của ông lại nhân lên gấp bội.

Say sưa với công việc đến độ không có một ngày nghỉ phép, cũng không có những giây phút đón giao thừa dịp Tết cùng gia đình trong suốt hơn 20 năm, những tưởng khi về hưu ông sẽ cho phép mình thư thái bằng việc giảm tải công việc. Nhưng không, nhiều năm qua trong căn phòng nhỏ cuối hành lang của BV Việt Đức luôn có bóng dáng thân quen của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết. Ông vẫn làm việc với vai trò là cố vấn chuyên môn cho BV, vẫn chỉ bảo trao truyền những kinh nghiệm lâm sàng và kinh nghiệm đào tạo cho các thế hệ bác sĩ kế cận. Và biết bao bệnh nhân vẫn đang được chữa bệnh cứu sống dưới bàn tay “vàng” của ông. Bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết tâm sự, cho đến bây giờ ông luôn cảm thấy mỹ mãn với ước mơ được làm nghề, luôn say mê tận tâm trong công việc và cũng thật tự hào vì có một hậu phương là điểm tựa vững chắc với người vợ hiền thảo và những người con ngoan.

AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết (hàng trên cùng, đầu tiên từ phải qua) vinh dự được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng danh hiệu “Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu” năm 2024.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến ý nghĩa, đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp vẻ vang đã đi qua, TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba. Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011. một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô năm 2014; Danh hiệu Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2024 của Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam…

Tiến Đức