29/03/2024 lúc 16:38 (GMT+7)
Breaking News

6 tháng đầu năm, VIMC lãi đậm bất chấp bão giá xăng dầu

Bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như biến động giá nhiên liệu, báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) cho thấy, công ty đạt được nhiều kết quả khả quan.

Theo đó, doanh thu toàn VIMC ước đạt 11.083 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất ước đạt 7.972,8 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ 2021 và đạt 64% trong kế hoạch năm 2022. Riêng công ty mẹ có doanh thu ước đạt 1.192 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận hợp nhất ước đạt 2.225 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, đối với khối cảng biển, lợi nhuận trước thuế ước đạt 826 tỷ đồng. Khối vận tải biển cũng ghi nhận kết quả tích cực dù thị trường nhiều biến động. Lợi nhuận toàn khối ước đạt 1.766,7 tỷ đồng. Một số cảng có kết quả lợi nhuận cao như cảng Hải Phòng (410 tỷ đồng), cảng Sài Gòn (200 tỷ đồng)...

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022

“Kể từ cuối quý I/2022 thị trường vận tải biển tiếp tục ghi nhận những diễn biến khá tích cực, mặt bằng cước được duy trì ở mức cao đã tạo tiền đề thuận lợi cho đội tàu của công ty. Các bộ phận khai thác đã tận dụng tốt cơ hội thị trường kết hợp với việc thực hiện tốt công tác quản lý tàu nên đã cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý II, lợi nhuận của Công ty đã tăng trưởng mạnh mẽ”, lãnh đạo VIMC cho hay.

Lý giải về kết quả đã đạt được, lãnh đạo VIMC cho rằng, ngay từ đầu năm, công ty đã bám sát, tận dụng cơ hội thị trường tốt vào thời điểm cuối tháng 2 và đầu tháng 3 để kịp thời điều chỉnh, ký hợp đồng với mức tài chính cao, tiếp tục duy trì các hợp đồng định hạn với mức giá tốt trong Quý 2.

Ngoài ra trong 6 tháng đầu năm 2022, hệ thống cảng của VIMC đã phát triển thêm 4 tuyến dịch vụ mới tại các Cảng Hải Phòng (2 tuyến), Đà Nẵng (1 tuyến), SSIT (1 tuyến). Đồng thời, phát triển thêm dịch vụ mới về hệ thống cảng của VIMC trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, thử nghiệm dịch vụ đi Ấn Độ từ Cảng Nghệ Tĩnh.

Cùng đó, đơn vị này còn kết hợp với hãng vận tải “sừng sỏ” thế giới là c MSC/ TIL để thúc đẩy tiến trình triển khai dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, dự án này đã trình Thủ tướng xem xét. Đây được xem là những nỗ lực của "ông lớn" hàng hải trong việc phát triển thị trường và đầu tư.

Đưa ra phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm nay, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh yêu cầu các doanh nghiệp vận tải biển theo dõi sát diễn biến thị trường để có các giải pháp ứng phó, đàm phán hợp đồng, điều chỉnh giá cước đảm bảo hiệu quả hoạt động của đội tàu; đẩy mạnh chương trình marketing với khách hàng, hãng tàu để tăng thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng.

VIMC cho rằng, thị trường kinh tế 6 tháng cuối năm đối mặt với áp lực lạm phát. Lạm phát đến từ giá nguyên vật liệu, hàng hóa thế giới tăng, giá dầu thô tiếp tục dự báo tăng mạnh. Do đó, việc kiểm soát lạm phát và hạ nhiệt giá xăng dầu phải được ưu tiên hàng đầu.

Đối với các doanh nghiệp cảng biển, phải khẩn trương có giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao. Cùng đó, tiếp tục phát triển thêm các tuyến dịch vụ mới về hệ thống cảng, phát triển tuyến dịch vụ container, triển khai dịch vụ sà lan kết nối các cảng với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long…

Ngoài ra, tiếp tục tái cơ cấu nợ Công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên; hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên xử lý nợ tại các ngân hàng thương mại; tập trung quản trị chi phí, chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng vốn tại các doanh nghiệp thành viên…

Nguyễn Lâm