08/05/2024 lúc 17:23 (GMT+7)
Breaking News

5 năm nhìn lại Sáng kiến Vành đai và Con đường, thách thức và triển vọng

VNHN - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang được triển khai nhanh và có bước đi chắc chắn, linh hoạt, góp phần quan trọng đưa Trung Quốc tham gia sâu hơn vào cuộc chơi của nước lớn tầm toàn cầu.

VNHN - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc đang được triển khai nhanh và có bước đi chắc chắn, linh hoạt, góp phần quan trọng đưa Trung Quốc tham gia sâu hơn vào cuộc chơi của nước lớn tầm toàn cầu.

Từ khi được công bố vào năm 2013 đến nay, mặc dù triển khai trong thời gian ngắn, sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã nhanh chóng được đưa vào Điều lệ Đảng của Trung Quốc (Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc), trở thành chiến lược đối ngoại quan trọng của Trung Quốc. Đến nay, BRI đã thu hút được hơn 70 quốc gia tham gia. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cũng đang đặt ra các mục tiêu lớn hơn từ phát triển kinh tế, kết nối hạ tầng đến xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh với thế giới.

BRI ưu tiên vào 5 trọng tâm kết nối (ngũ thông), đạt kết quả rất đáng chú ý trong công tác triển khai, tuy trên mỗi phương diện, mức độ đạt được có khác nhau.

Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc BRI 2019

Thu hút sự tham gia

Sáng kiến Vành đai và Con đường đã tạo ra sự quan tâm đối với nhiều nước, khu vực và tổ chức quốc tế, từng bước mở rộng mạng lưới đối tác, hình thành rõ nét một chiến lược mang tầm toàn cầu của Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc đã ký tổng cộng 174 văn kiện hợp tác BRI với 126 quốc gia (Jamaica là quốc gia mới nhất ký kết) và 29 tổ chức quốc tế. Ưu tiên của Trung Quốc là các nước láng giềng và các quốc gia dọc tuyến BRI (6 trục hành lang kinh tế và con đường tơ lụa trên biển). Gần đây, BRI đã mở rộng phạm vi ra các khu vực xa hơn, hướng tới châu Phi, Mỹ Latin, Nam Thái Bình Dương v.v… Châu Phi hiện là lục địa có số lượng đối tác tham gia nhiều nhất trong BRI (37 nước) so với châu Á (36 nước).

Kết nối cơ sở hạ tầng

Đây là ưu tiên rất quan trọng, thể hiện qua kết nối giữa nội bộ Trung Quốc và giữa Trung Quốc với bên ngoài.

Thứ nhất là kết nối bên trong Trung Quốc với việc các địa phương của Trung Quốc tích cực gắn chiến lược phát triển của địa phương với chiến lược phát triển tổng thể của đất nước. Đặc biệt các tỉnh miền Tây và ven biển (Liêu Ninh, Vân Nam, Quảng Tây, Nội Mông, Cát Lâm v.v…) đã nhanh chóng khai thác lợi thế tiếp giáp các nước láng giềng để mở rộng không gian mở cửa kết nối trên biển – trên bộ, khu vực miền Đông – miền Tây, giúp giảm khoảng cách về hội nhập khu vực, hình thành cục diện mở cửa toàn diện.

Thứ hai, đối với bên ngoài, kết nối cứng của BRI trong thời gian qua tập trung vào các dự án cảng biển, đường sắt, đường bộ, đường ống dẫn dầu, khí đốt, từng bước hình thành kết nối từ “điểm” sang “tuyến”:

(i) Kết nối đường sắt được coi là hướng phát triển quan trọng của các doanh nghiệp Trung Quốc trong triển khai chiến lược đi ra ngoài. Đến nay, tuyến đường sắt Trung Quốc – châu Âu đã đi vào hoạt động. Tính đến cuối năm 2018, tuyến đường trên đã kết nối với 108 thành phố của 16 quốc gia, tổng cộng có 13.000 chuyến tàu. Tỷ lệ xếp hàng trên tàu xuất đi từ Trung Quốc lên tới 94%; ở chiều ngược lại từ châu Âu đạt 71%. Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp của Trung Quốc cũng đã tham gia đầu tư, xây dựng, nhận thầu nhiều tuyến đường sắt tại nhiều khu vực dọc hành lang BRI, tạo cơ sở cho kết nối toàn tuyến sau này, như tuyến đường sắt Jakarta – Bangdung, Belgrade – Budapest, Mobasa – Nairobi, Trung – Lào, Trung – Thái v.v…

(ii) Xây dựng một số cảng biển chiến lược trên biển: Trung Quốc đã thúc đẩy kết nối cảng biển dọc theo Ấn Độ Dương, từ Đông Nam Á đến tận Đông Phi mở rộng sang các nước Mỹ Latin, hình thành một chuỗi các cảng biển có vị trí địa chiến lược tại các khu vực. Các cảng biển này trong tương lai sẽ giúp Trung Quốc bảo đảm hoạt động vận chuyển hàng hóa, an ninh, củng cố hiện diện của Trung Quốc ở khu vực;

(iii) Kết nối đường bộ: Cơ sở cho triển khai kết nối đường bộ trong BRI là việc Trung Quốc cùng với 15 nước dọc tuyến ký kết 18 Hiệp định thuận lợi hóa quốc tế song phương, đa phương. Trên thực tế, Trung Quốc đã triển khai hoạch định hoặc tham gia xây dựng một số tuyến đường bộ quốc tế bám dọc theo các hành lang kinh tế như tuyến miền Tây Trung Quốc – Kazakhstan – Nga – Tây Âu; Trung Quốc – Mông Cổ - Nga, Côn Minh - Bangkok;

(iv) Hợp tác trong các lĩnh vực như điện lực, dầu khí, điện hạt nhân, năng lượng mới, than v.v… là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc đang triển khai mạnh mẽ thời gian qua. Trong đó ưu tiên vẫn là tuyến các đường ống dẫn dầu, khí được coi là huyết mạch bảo đảm an ninh năng lượng, phục vụ cho phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã cùng các nước liên quan triển khai các đường ống khí đốt Trung Quốc - Trung Á, tuyến đường ống khí đốt phía Đông Trung – Nga, đường ống dầu Trung Quốc – Myanmar v.v...

Hợp tác kinh tế - thương mại

“Về đầu tư, các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư các quốc gia dọc tuyến từ 2013-2018 vượt hơn 90 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng đầu tư, tăng cường quan hệ với nhiều khu vực khác nhau. Đặc biệt, Trung Quốc đã thúc đẩy xây dựng 82 khu hợp tác kinh tế bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc tại 24 quốc gia dọc tuyến với trị giá 29 tỷ USD”.

Tốc độ trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia dọc tuyến gần 6 năm qua tăng nhanh, tổng xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa vượt hơn 6.000 tỷ USD, chiếm 27,4% tỷ trọng thương mại hàng hóa của Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đang từng bước thúc đẩy các loại hình hợp tác thương mại mới như thương mại điện tử xuyên biên giới, cùng với 17 quốc gia xây dựng các cơ chế hợp tác thương mại điện tử song phương, khu hợp tác kinh tế thương mại xuyên biên giới (với Lào và Kazakhstan) v.v…Trung Quốc đã ký kết nhiều cơ chế hợp tác, gắn kết chặt chẽ hơn giữa Trung Quốc với các nước nằm trên tuyến BRI. Để thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, từng bước hình thành hệ thống mạng lưới khu thương mại tự do dọc BRI, Trung Quốc đã ký nâng cấp các hiệp định thương mại tự do ASEAN, Pakistan, Georgia v.v…, Hiệp định hợp tác kinh tế thương mại với Liên minh Kinh tế Á – Âu, sáng kiến hợp tác thúc đẩy lưu thông thương mại Vành đai con đường với sự tham gia của 83 quốc gia và các tổ chức quốc tế v.v...

Đáng chú ý là Trung Quốc thể hiện rõ ưu tiên vào hợp tác năng lực sản xuất, thúc đẩy thực hiện nâng cấp cơ cấu ngành nghề quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc cùng với hơn 40 quốc gia ký kết các văn kiện hợp tác năng lực sản xuất, kết nối hợp tác với các tổ chức như ASEAN, Liên minh châu Phi, Cộng đồng chung Mỹ Latin – Cariabean.

Ngoài ra, để khai thác thị trường, Trung Quốc sử dụng mô hình hợp tác mới, cùng với các nước như Pháp, Italy, Nhật Bản, ký các văn kiện hợp tác tại thị trường nước thứ ba. Tại Lưỡng hội Trung Quốc 2019, lần đầu tiên Báo cáo Công tác Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh tới tăng cường hợp tác năng lực sản xuất quốc tế, triển khai hợp tác tại thị trường nước thứ ba.

Triển khai tài chính

Đây là lĩnh vực đang có kết quả rõ rệt. Trung Quốc đã và đang tìm cách định hình cơ chế tài chính đa phương do Trung Quốc dẫn dắt, chủ đạo thông qua thành lập Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Đến nay, quy mô của AIIB mở rộng nhanh chóng từ 57 lên 93 quốc gia. Định chế tài chính này đã từng bước tham gia vào phê chuẩn cho vay 7,5 tỷ USD với 35 dự án tại 13 quốc gia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã lập một số tổ chức tài chính khác hỗ trợ cho triển khai BRI như cơ chế hợp tác giữa Ngân hàng Trung Quốc với Ngân hàng các quốc gia Arab (7/2018), với châu Phi (9/2018), Quỹ Con đường tơ lụa. Đến cuối 2018, các khoản đầu tư theo hiệp định của Quỹ Con đường tơ lụa đầu tư khoảng 11 tỷ, hỗ trợ 2 tỷ USD để lập Quỹ hợp tác năng lực sản xuất Trung Quốc – Kazakhstan.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào đồng USD, Trung Quốc đang đẩy mạnh quá trình quốc tế hóa đồng NDT dựa trên quy mô của nền kinh tế, thương mại của mình, từng bước hình thành mạng lưới sử dụng đồng NDT. Hiện nay, Trung Quốc đã cùng hơn 20 quốc gia dọc tuyến có các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. Cùng 7 nước có các thỏa thuận thanh toán bằng đồng NDT, ký văn kiện hợp tác giám sát tài chính với 35 quốc gia dọc tuyến. Các cơ chế này đã phần nào hỗ trợ đầu tư dự án, lưu chuyển dòng vốn thuận lợi giữa các nước trong BRI.

Kết nối chính sách

Trung Quốc đã nỗ lực đưa BRI tham gia kết nối nhiều chiến lược, sáng kiến hợp tác, phát triển của nhiều khu vực và quốc gia với mức độ khác nhau.

Thứ nhất, ở tầm toàn cầu, nội hàm BRI đã được đưa vào các cơ chế đa phương quan trọng, có ảnh hưởng lớn như như Liên hợp quốc, G20, APEC v.v… Nghị quyết 2344 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Tháng 3/2017) nhất trí thông qua kêu gọi cộng đồng quốc tế thông qua xây dựng Vành đai con đường để tăng cường hợp tác kinh tế khu vực v.v…

Thứ hai, ở khu vực, BRI được thúc đẩy kết nối với nhiều chiến lược phát triển của các khu vực khác thông qua các trao đổi, hợp tác tại các diễn đàn khu vực như Quy hoạch tổng thể liên kết ASEAN, Chương trình châu Phi 2063, Liên minh Kinh tế Á – Âu, Tuyên bố Ufa của SCO 2015 v.v..

Thứ ba, BRI cũng chú trọng kết nối chính sách, chiến lược phát triển của một số nước láng giềng như Kazakhstan, Mông Cổ v.v…. Cách tiếp cận song phương, linh hoạt kiểu này giúp Trung Quốc củng cố, gắn kết chiến lược phát triển của từng nước với chiến lược chung của BRI, tạo ra những ràng buộc chặt chẽ hơn giữa các nước với Trung Quốc.

Giao lưu nhân dân

Với một số kết quả bước đầu, giao lưu nhân dân là cơ sở quan trọng cho triển khai BRI. Trung Quốc đã tăng cường quảng bá văn hóa, hình ảnh của mình thông qua tổ chức các năm hoạt động văn hóa chung, lập 17 Trung tâm văn hóa Trung Quốc, 153 Học viện Khổng Tử tại 54 quốc gia dọc tuyến. Để giúp chia sẻ các quan niệm, nhận thức chung giữa Trung Quốc với các nước trong BRI, năm 2017, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 38.000 suất học bổng Chính phủ cho các nước trên tuyến BRI, chiếm 66% tổng số suất học bổng quốc tế của Trung Quốc. Một điểm đáng chú ý là Trung Quốc thúc đẩy mở rộng hợp tác du lịch, coi đây là một trong những phương thức hợp tác quan trọng của giao lưu nhân dân trong BRI, đã cùng với 15 quốc gia ký kết 19 hiệp định đơn giản hóa thủ tục thị thực, ký với 57 quốc gia các hiệp định miễn thị thực.

Thách thức đối với triển khai BRI

Các kết quả triển khai trong thời gian qua dù đạt được một số thành công tương đối, nhưng quá trình triển khai BRI của Trung Quốc cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong thời gian gần đây, mức độ khó khăn, thách thức ngày càng tăng lên do những nguyên nhân cả bên trong lẫn bên ngoài:

Thách thức từ bên ngoài nổi lên rõ rệt. Thứ nhất là sự quan tâm, hoài nghi về BRI tập trung vào các nhóm nước sau:

(i) nhóm các nước lớn (ngoại trừ Italia) đều chưa tham gia BRI. Các nước này nhìn nhận BRI thiên về góc độ địa chính trị, vượt ra ngoài các kết nối cơ sở hạ tầng, kinh tế đơn thuần. Mỹ nghi ngờ về triển khai BRI đưa Trung Quốc từng bước tiến tới kiểm soát chiến lược tại các khu vực, thay đổi cấu ​​trúc an ninh và kinh tế của trật tự quốc tế. EU quan tâm nhiều hơn tới mức độ minh bạch, tiêu chuẩn môi trường, xã hội, mua sắm tài sản;

(ii) các tổ chức khu vực cũng quan tâm nhiều hơn tới sự chia rẽ, khác biệt quan điểm giữa các nước trong việc tham gia BRI;

(iii) nhóm quốc gia đang phát triển quan tâm tới tình trạng “nợ nần” gia tăng của một số dự án BRI so với quy mô nền kinh tế của các nước như Lào, Montenegro v.v… Theo tính toán của Trung tâm Phát triển Toàn cầu hiện nay có khoảng 8 quốc gia bị xếp vào nhóm các nước có mức nợ cao;

(iv) Một số nước láng giềng lo ngại về các vấn đề liên quan tới xung đột địa chính trị khu vực, hành động cứng rắn của Trung Quốc liên quan biên giới, lãnh thổ có thể làm tăng mức độ rủi ro, làm cản trở các hoạt động thương mại, qua lại giữa người dân.

Thứ hai, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và khu vực tăng lên: Song song với việc Trung Quốc đẩy mạnh triển khai BRI, nhiều nước lớn cũng đã điều chỉnh, đưa ra nhiều sáng kiến, triển khai các chính sách, chiến lược đối với khu vực. Đặc biệt là cạnh tranh Mỹ - Trung từ sau khi chính quyền Trump lên có xu hướng ngày càng gay gắt, đến nay chưa thể kết thúc. Mỹ đã thúc đẩy lập cơ cấu đầu tư quy mô 60 tỷ USD để cạnh tranh với BRI, triển khai cuộc chiến thương mại. Nhật Bản đề ra chiến lược quan hệ đối tác hợp tác cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cùng Ấn Độ phát triển Hành lang tăng trưởng châu Á-châu Phi (AAGC). Úc, Nhật Bản và Mỹ tuyên bố sáng kiến đầu tư ba bên để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ dương - Thái Bình Dương.

Thứ ba là nhiều dự án triển khai của Trung Quốc ở bên ngoài dù có ưu đãi tín dụng lãi suất thấp, ít kèm theo các yêu cầu về chính trị, nhưng lại khắt khe, hạn chế trong sử dụng nhân công, kỹ thuật, các doanh nghiệp của địa phương. Quy trình đấu thầu không rõ ràng làm tăng chi phí, dẫn đến các dự án bị hủy hoặc làm chậm tiến độ triển khai;

Thứ tư là những thay đổi trong hệ thống chính trị tại một số nước thời gian gần đây ảnh hưởng tới triển khai BRI, nhất là với những dự án bị coi là có liên quan tới vi phạm pháp luật, có thể bị chính phủ mới hoặc các đảng phái đối lập trong nước điều tra. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới uy tín của các dự án của BRI.

Thách thức cũng xuất phát từ bản thân phía Trung Quốc:

Thứ nhất là một số dự án mang ý nghĩa biểu tượng chính trị, dẫn tới rủi ro tăng lên. Các dự án này chấp nhận rủi ro mà các cơ chế đa phương khác không tham gia (Trường hợp Srilanka vay 1,3 tỷ USD đầu tư cảng mới sau khi Ngân hàng phát triển đa phương từ chối);

Thứ hai là nguồn tài chính, hệ thống hỗ trợ dịch vụ cho BRI còn yếu dẫn tới rủi do đối với doanh nghiệp TQ. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển sang “trạng thái bình thường mới”, dự trữ ngoại hối giảm từ 4.000 tỷ USD xuống còn hơn 3.000 tỷ USD đã làm tăng rào cản hỗ trợ kinh tế của Chính phủ Trung Quốc cho DNNN triển khai thực hiện BRI ở bên ngoài;

Thứ ba, vai trò của DNNN được ưu ái trong thời gian qua về cả nguồn vốn, nhân lực, kỹ thuật, quan hệ với các nước, chi phối nhiều hoạt động của BRI (hơn 95% tài trợ BRI) đã không khai thác được nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc;

Thứ tư, nhiều dự án của Trung Quốc chưa có quản trị tốt,các tiêu chuẩn môi trường, xã hội, độ minh bạch thấp, làm ảnh hưởng tới khả năng thực hiện dự án.

Triển vọng của BRI

Mặc dù còn tồn tại những thách thức và khó khăn đang nổi lên trong việc triển khai BRI, nhưng có thể thấy, trong ngắn hạn, tình hình kinh tế thế giới đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức bất định, khó lường. Bản thân các nước đều có nhu cầu hợp tác, cùng phát triển. Trong khi đó, Trung Quốc cũng cần các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, láng giềng để bảo đảm cho triển khai thành công BRI, thúc đẩy nâng cao vai trò của BRI trở thành một chiến lược mang tầm toàn cầu. Do vậy, BRI vẫn là một kênh quan trọng để các nước có thể khai thác, tham gia hợp tác với Trung Quốc và ngược lại.

Bản thân Trung Quốc hiện nay cũng cho thấy đang từng bước có những điều chỉnh, thích ứng với xu hướng phát triển của thế giới, chú trọng vào kết nối “mềm”, tìm những phương thức linh hoạt hơn như kết nối về hợp tác năng lực sản xuất, khai thác thị trường nước thứ ba v.v…, thúc đẩy mô hình Trung Quốc với các khái niệm cộng đồng chung vận mệnh nhằm tăng cường liên kết, hợp tác thực chất, có sự tham gia của các nhóm lợi ích (doanh nghiệp Trung Quốc, người dân, địa phương v.v…), nâng cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân, khai thác các diễn đàn đa phương như Bác Ngao, mở rộng tham gia của các tổ chức tài chính đa phương hỗ trợ cho dự án. Về lâu dài, với sự tham gia của nhiều cơ chế đa phương sẽ giúp BRI tăng độ kết nối, hiểu biết, là cơ sở quan trọng bảo đảm cho BRI phát triển ổn định, lâu dài.

Các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc có thể sẽ nhìn nhận, điều chỉnh hành vi, chú trọng hơn vào các hoạt động đầu tư, nhận thầu trong khuôn khổ BRI tại nước ngoài nhằm làm giảm những nghi ngờ, lo ngại về các vấn đề liên quan tới tài chính, môi trường, xã hội, mức độ minh bạch dự án ngày càng tăng của nhiều nước.

Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng hệ thống quy tắc riêng, thực hiện mô hình Trung Quốc, tìm cách cải cách hệ thống các quy tắc luật chơi của phương Tây, trước mắt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khuyến khích các công ty tham gia vào thị trường giao dịch quốc tế được điều chỉnh bởi quy tắc của Trung Quốc nhằm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở các khu vực khác cũng như bảo đảm lợi ích kinh tế. Hiện nay, Trung Quốc đã bước đầu triển khai hệ thống con đường tơ lụa trên không gian (hệ thống Bắc Đẩu), lập hệ thống tư pháp (hai tòa án trong BRI đặt tại Thâm Quyến, Thiểm Tây Trung Quốc).