Nằm bên dòng Châu Giang hiền hòa uốn lượn, Đền thờ 10 liệt nữ dân quân Lam Hạ nằm yên bình dưới những tán cây xanh mướt, thuộc Khu di tích Đền Lam Hạ (tổ dân phố Đình Tràng, phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý). Cửa Đền trông ra hồ nước trong vắt bốn mùa, xung quanh là những tán cây xanh bên cây cầu đá uốn cong… tạo nên một không gian yên bình. Thật khó có thể hình dung được nơi đây trong quá khứ từng diễn ra những trận chiến ác liệt, hứng chịu mưa bom bão đạn của quân thù, và dải đất quê hương thân thương dưới mỗi bước chân đã trộn lẫn biết bao xương máu của cha anh…
Ngược dòng thời gian trở về Lam Hạ những năm chống Mỹ. Đây là nơi có vị trí phòng thủ quan trọng trên bản đồ quân sự. Tuyến đường 1A cầu Phủ Lý là một trong những mục tiêu đánh phá của địch, bởi nơi đây là trọng điểm giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Do yêu cầu nhiệm vụ cần tập trung chi viện cho tiền tuyến miền Nam, bộ đội phòng không ở Hà Nam rất mỏng nên lực lượng nữ dân quân xã Lam Hạ được thành lập với nhiệm vụ chiến đấu bên những trận địa pháo 37 ly. Trong suốt 7 năm, từ năm 1965 đến năm 1972, làng Lam Hạ đã tham dự 121 trận chiến đấu, đã có 4 máy bay địch bị bắn hạ, bắt sống 2 giặc lái, 2 cây cầu trên quốc lộ 1A, 2 con phà trên sông châu Giang vẫn thông đường thông tuyến…
Trang vàng lịch sử giữ nước của dân tộc đã khắc tên 10 nữ dân quân là Nguyễn Thị Thu, Nguyễn Thị Thi, Đinh Thị Tâm, Trần Thị Tuyết, Phạm Thị Lan, Vũ Thị Phương, Nguyễn Thị Thuận, Trần Thị Thẹp, Nguyễn Thị Oánh, Đặng Thị Chung. Họ đều là những thiếu nữ tuổi đời còn rất trẻ, người là nông dân, người là giáo viên, công nhân… Chị em luân phiên nhau trực chiến, vừa chiến đấu,vừa lo công việc đồng áng, nhiều người ra trận địa trực chiến mà quần áo, đầu tóc vẫn còn vương mùi bùn…
Dù đã gần 60 năm trôi qua nhưng ký ức về cuộc đọ sức quyết liệt với không quân Mỹ trên mảnh đất Lam Hạ dường như vẫn còn sống mãi trong tâm trí những người ở lại. Sau những loạt bom bi, rốc – két tàn bạo của kẻ thù, 10 nữ dân quân hai thôn Đình Tràng, Đường Ấm đã ngã xuống ngay trên chính những mâm pháo mà các chị đã kiên cường chiến đấu. Những cô gái ấy hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ từ 16 đến ngoài đôi mươi, có cô mới chỉ nhập ngũ được 2 ngày, chưa kịp để lại một tấm ảnh; có cô khi ra đi tóc vẫn cuốn chặt vào thân pháo; có cô dù bị mảnh bom phạt ngang chân, ngang bụng, vẫn bình tĩnh động viên mọi người, vẫn đau đáu nhường thuốc men cho đồng đội, rồi lặng lẽ ra đi… Ký ức năm 1966 với Lam Hạ thật bi tráng, cũng thật tự hào. 10 cô gái ấy đang phơi phới yêu đời nhưng vẫn sẵn sàng hiến dâng dòng máu đỏ của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc, họ đã hóa thân thành những đóa hoa thép bất tử cùng non sông.
Vùng quê Lam Hạ ngày nay đã trở thành phường Lam Hạ với những công trình đô thị mọc lên khang trang, hiện đại. 10 cô gái anh hùng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trong lòng người dân. Năm 2009, tỉnh Hà Nam đã xây dựng Khu di tích Lam Hạ để tưởng nhớ công ơn lớp lớp thế hệ đi trước đã không tiếc thân mình giữ lấy hòa bình cho quê hương. Đền thờ 10 nữ dân quân pháo phòng không được dựng lên bên cạnh Đền Liệt sĩ tỉnh cùng nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện.
Ông Trịnh Xuân Lành – Phó Chủ tịch UBND Phường Lam Hạ cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Hà Nam, trong thời gian qua, Khu di tích đã được tu bổ, tôn tạo, mở rộng trên diện tích 18,5 ha, với những công trình được xây dựng thêm như quảng trường, bãi đỗ xe…, giúp nơi đây trở thành một điểm tham quan hấp dẫn với nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh. Toàn bộ công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc cổ truyền bảo đảm chức năng và công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa.
Đặc biệt, đài tưởng niệm 10 cô gái dân quân anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã được dựng lên trên chính trận địa pháo năm xưa, tái hiện quá khứ chiến đấu hào hùng của quân và dân Hà Nam. Công trình đặc biệt do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư đã khắc họa sống động hình ảnh 10 nữ dân quân pháo phòng không trong tư thế chiến đấu hiên ngang, kiên cường bảo vệ trọng điểm giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, đồng thời thể hiện bản sắc văn hóa địa phương, những hình ảnh tiêu biểu của quân và dân Hà Nam trong lao động sản xuất, học tập, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Tấm gương 10 cô gái dân quân Lam Hạ trung hậu, đảm đang, sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ, xả thân chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước có thể coi là những vì sao sáng mãi, sự hy sinh bất khuất của họ đã nối tiếp truyền thống anh hùng của quê hương Hà Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Tháng 8/2016, Bộ VH-TT&DL đã ra Quyết định xếp hạng Địa điểm trận địa pháo phòng không Lam Hạ là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Huyền thoại về 10 nữ anh hùng trong số 17.000 liệt sỹ của tỉnh Hà Nam đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho thế hệ trẻ. Mỗi dịp ghé qua nơi đây là mỗi lần chúng ta cảm thấy trân trọng hơn giá trị của hòa bình, và càng ghi nhớ công ơn của lớp lớp cha anh đi trước. Những câu chuyện đẹp và bi tráng về 10 trang liệt nữ Lam Hạ sẽ còn được lưu truyền tới muôn đời sau:
“Rì rầm sóng nước Châu Giang
Chiến công ngày ấy kể ngàn năm sau…”