26/04/2024 lúc 19:13 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng, nâng tầm văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam

VNHN - Văn hóa, hiểu theo nghĩa cô đọng nhất, đó là giá trị, là chuẩn mực, là sức mạnh nội sinh của sự phát triển. Vì vậy, khi nói đến văn hóa cầm quyền của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị, chuẩn mực đã làm nên vị thế, tư cách, đạo đức, sức mạnh bên trong của Đảng Cộng sản Việt Nam.

VNHN - Văn hóa, hiểu theo nghĩa cô đọng nhất, đó là giá trị, là chuẩn mực, là sức mạnh nội sinh của sự phát triển. Vì vậy, khi nói đến văn hóa cầm quyền của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị, chuẩn mực đã làm nên vị thế, tư cách, đạo đức, sức mạnh bên trong của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ảnh minh họa

Không ngẫu nhiên từ những năm 20 của thế kỷ trước, nhà thơ Liên Xô O.Man-đen-xtam từng nhận định: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Dịp kỷ niệm tròn 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1990), UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Bởi trong lịch sử giai cấp công nhân và phong trào cộng sản thế giới ở thế kỷ 20, hiếm có lãnh tụ cộng sản nào sớm có quan niệm sâu sắc, toàn diện về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của văn hóa đối với sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội như Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa không chỉ là một mặt trận, giữ vai trò “soi đường cho quốc dân đi”, mà Bác còn khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần chú ý đến, cũng phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.

1. Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, dù Người chưa dùng khái niệm văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng, nhưng trên thực tế, Bác luôn nhấn mạnh đến vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng của yếu tố đạo đức, văn hóa của người lãnh đạo và tổ chức đảng. Ngay trong tác phẩm “Đường cách mệnh”-tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc viết năm 1927, Người đã nêu ra tư cách người cách mạng với 23 tiêu chí cần phải có, bao gồm cả đạo đức, năng lực, phương pháp và phong cách, trong đó tiêu chí đạo đức được Người nhấn mạnh ở các phẩm chất: Cần kiệm, chí công vô tư, giữ chủ nghĩa cho vững, biết hy sinh, phục tùng đoàn thể, ít lòng ham muốn về vật chất. Những nội dung này phản ánh nội hàm “văn hóa lãnh đạo” mà Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi bất cứ người cách mạng nào khi dấn thân vào con đường chính trị của giai cấp vô sản cũng phải thấm nhuần, thực hiện thì mới có thể giác ngộ, giáo dục, thuyết phục được quần chúng đi theo lý tưởng, mục tiêu, sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng làm sâu sắc thêm nội hàm văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng. Không chỉ nói về tư cách người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khái quát thành 12 điều về tư cách của Đảng chân chính cách mạng, mà tư cách hàng đầu đã được Bác nhấn mạnh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”. Đây vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của Đảng mà khi thực hiện trọn vẹn điều này chính là Đảng đã làm tròn tư cách văn hóa của người lãnh đạo, người cầm quyền.

Khi nói về văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng theo quan niệm của Hồ Chí Minh thì không thể không nhắc đến vai trò đạo đức của cán bộ, đảng viên nói riêng, của Đảng ta nói chung. Bởi theo Bác, đạo đức không chỉ là cái gốc của người cách mạng, cái làm nên giá trị cốt lõi của cán bộ, đảng viên, mà đó chính là tiền đề, cơ sở để người lãnh đạo thể hiện được vị trí, vai trò tiền phong của mình. Trước lúc đi xa, khi viết Di chúc, Bác Hồ nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Mối quan hệ giữa “Đảng là người lãnh đạo” và “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” là mối quan hệ mật thiết hữu cơ, thiếu một trong hai yếu tố đó, Đảng không còn lý do để tồn tại. Là người lãnh đạo, Đảng cần phải có trí tuệ, trình độ, năng lực sáng suốt hơn người, nhìn xa trông rộng, tôn trọng và phát huy quyền là chủ và làm chủ của nhân dân. Là người đầy tớ, Đảng phải có những phẩm chất trung thành, tận tụy, trung thực, cần kiệm, liêm chính, lo trước thiên hạ, vui sau mọi người. Để xứng đáng với sứ mệnh của mình, Đảng phải vừa có đức, vừa có tài, vừa hiền, vừa minh, thể hiện đúng tầm “Đảng là đạo đức, là văn minh”. Đó chính là chiều sâu văn hóa cầm quyền chỉ có ở một đảng cách mạng chân chính, mà khó thấy ở các đảng cầm quyền khác trên thế giới.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng, luận điểm “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”, không chỉ chứng tỏ tư duy đặc sắc của Bác Hồ về một Đảng Cộng sản cầm quyền kiểu mới, mà còn thể hiện chiều sâu nhân văn của một nhà văn hóa vĩ đại. Đây là luận điểm sâu sắc nhất thể hiện văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

2. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa lãnh đạo, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã quán triệt, bổ sung, vận dụng sáng tạo và phát triển nội hàm văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng cho phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, sau khi Đại hội VII của Đảng khẳng định cùng với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam hành động, Đảng ta ngày càng quan tâm coi trọng yếu tố văn hóa trong xây dựng hệ thống chính trị, trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh về mọi mặt. 

Nội dung, yêu cầu xây dựng văn hóa trong Đảng lần đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII (năm 1998) “Về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đó là: “Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa, phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước như Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Văn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên... Từ sự gương mẫu về mọi mặt của các tổ chức và từng cán bộ trong bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể mà phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Gương mẫu là một nội dung, một phương thức trọng yếu trong công việc lãnh đạo của Đảng”.

Văn hóa cầm quyền của Đảng được thể hiện súc tích trong Điều 4 Hiến pháp năm 2013. Đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, mà còn là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; Đảng không chỉ gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, mà còn chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Điều này có nghĩa là, Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vị thế cầm quyền, thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng không đứng trên Nhà nước, đứng ngoài pháp luật như các thế lực thù địch, phản động từng xuyên tạc, rêu rao; mà Đảng "hóa thân" vào Nhà nước để giữ vai trò cầm quyền của mình, đồng thời tự giác, gương mẫu tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và chịu sự giám sát chặt chẽ của các tầng lớp nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam được lịch sử, xã hội và nhân dân Việt Nam thừa nhận vị thế cầm quyền, giữ vai trò lãnh đạo tối cao, duy nhất ở nước ta, nhưng Đảng ta luôn tuyệt đối trung thành với lợi ích quốc gia dân tộc, gắn bó máu thịt với nhân dân, lãnh đạo và đồng hành cùng nhân dân thực hiện mục tiêu, sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đó là biểu hiện cao nhất của văn hóa cầm quyền của một đảng mác-xít chân chính.

Tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong chính trị, Nghị quyết số 33-NQ/TW khóa XI của Đảng (năm 2014) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã nhấn mạnh: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân... Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”.

Như vậy, xây dựng văn hóa trong Đảng thực chất là xác lập, kiến tạo yếu tố đạo đức trong Đảng, bảo đảm cho Đảng luôn tỉnh táo, anh minh, trở thành lực lượng quang minh chính đại để dẫn dắt toàn xã hội đi theo những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Đảng đã đề ra. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để góp phần nâng tầm văn hóa trong Đảng; đồng thời ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, lối sống văn hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đó là: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 109-QĐ/TW ngày 3-1-2018 của Ban Bí thư “Về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”,...

Cũng nhằm góp phần làm cho văn hóa cầm quyền thấm sâu vào hệ thống chính trị và bộ máy công quyền, tháng 12-2018, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, với mục tiêu nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vào dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2019), Thủ tướng Chính phủ đã phát động Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở”, trong đó xác định trách nhiệm công vụ là trung tâm, văn hóa là cái gốc. Văn hóa công vụ là phải đặt giá trị tập thể lên trên lợi ích cá nhân, lấy lợi ích người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu. Chú trọng thực hành nêu gương, bắt đầu từ cấp trên làm trước, cấp dưới làm sau, lãnh đạo làm gương, nhân viên soi vào. Từ đó hình thành tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo, vì nhân dân phục vụ.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, văn hóa cầm quyền của Đảng không chỉ thể hiện ở việc đề ra đường lối đúng đắn, sáng tạo; việc triển khai, tổ chức thực hiện đường lối hiệu quả; sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; mà còn thể hiện sâu sắc ở đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với Đảng, tận trung với nước, tận hiếu với dân, thực sự tiền phong, gương mẫu để xứng đáng là “đội ngũ tinh hoa” trong xã hội giữ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt, giáo dục và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng đề ra.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Văn hóa không thể đứng ngoài mà đứng trong kinh tế và chính trị”. Vì vậy, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng, đòi hỏi mọi tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần văn hóa ở mọi lúc mọi nơi, làm cho văn hóa thấm sâu vào suy nghĩ và việc làm, tư tưởng và hành động, bảo đảm cho văn hóa thực sự trở thành nền tảng đạo đức của Đảng ta và góp phần hoàn thiện phương thức, phong cách lãnh đạo của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Để thực hiện, phát huy văn hóa cầm quyền, các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vì nêu gương vừa là một trong những phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng, vừa là giá trị cốt lõi làm nên văn hóa lãnh đạo, văn hóa cầm quyền của Đảng nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng. Khi thực hành nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên tự thân là một tấm gương sáng lan tỏa, soi chiếu, cảm hóa lòng người và quy tụ được nhân tâm. Cán bộ càng cao càng phải gương mẫu. Tấm gương càng lớn càng có tác động tích cực, sâu rộng và càng có khả năng lan tỏa, thẩm thấu, chi phối đến sự phát triển đạo đức, văn hóa xã hội./.