26/04/2024 lúc 22:37 (GMT+7)
Breaking News

Xây dựng đức "chính" cho cán bộ chủ chốt cấp cơ sở theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

VNHN - Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi toàn Đảng và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong nhân dân. Trong phạm vi bài viết, xin trao đổi một số nội dung

VNHN- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người cách mạng. Hồ Chí Minh  không chỉ bàn một cách sâu sắc, cô đọng, thấm thía về vấn đề đạo đức mà chính bản thân Người, trong suốt cuộc đời, Người đã thực hiện một cách mẫu mực những tư tưởng và khát vọng đạo đức do mình đặt ra. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, những phẩm chất đạo đức cơ bản được Người nêu ra là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Những phẩm chất này gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người, gắn liền giữa lời nói và việc làm, giữa suy nghĩ và hành động của mỗi cá nhân trong việc công cũng như trong đời tư, trong sinh hoạt cũng như trong công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người mãi mãi là nguồn sáng bất tận soi rọi vào mỗi tâm hồn con người Việt Nam, hướng cho mọi người đến với chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, khi toàn Đảng và toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong nhân dân. Trong phạm vi bài viết, xin trao đổi một số nội dung về xây dựng đức “Chính” cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nội dung đức “Chính” trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu, nó là đạo đức mới. Đạo đức vĩ đại, nó không vì danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Theo cách diễn đạt bình dị của Người: Đạo đức như gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối, sức mạnh của con người, sức có mạnh mới gánh vác được nặng và đi được xa. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là chuẩn mực đạo đức quan trọng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những phẩm chất đó không thể thiếu đối với một người cán bộ công chức, trong đó “chính” giữ vai trò rất quan trọng, bởi vì cần, kiệm, liêm là gốc rễ của chính. Như một cây cần có gốc rễ, lại cần có cành, lá, hoa, quả mới hoàn toàn. Một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải chính mới hoàn thiện.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính có nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đúng đắn. Điều gì không đúng đắn, thẳng thắn, tức là tà. Trong bài viết đăng trên báo Cứu Quốc ngày 2/6/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trên trái đất có hàng muôn triệu người, song số người ấy có thể chia thành hai hạng: người thiện và người ác. Trong xã hội tuy có trăm công nghìn việc, song những công việc ấy có thể chia làm hai thứ: việc chính và việc tà, làm việc chính là người thiện, làm việc tà là người ác”. Đồng thời Bác cũng chỉ rõ ba mặt hoạt động của con người trong xã hội:

- Với mình, không được tự kiêu, tự đại, phải luôn cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, đồng thời phải hoan nghênh người khác phê bình mình. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý.

- Với người, phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Chớ nịnh hót người trên, xem khinh người dưới, thái độ phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, phải học người và giúp người tiến tới.

- Với việc, phải để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà. Đã phụ trách việc gì thì quyết làm cho kỳ được, không sợ khó nhọc, nguy hiểm. Bất kỳ việc to việc nhỏ, phải có sáng kiến kế hoạch, cẩn thận, quyết làm và làm cho thành công. Mỗi ngày cố làm một việc lợi cho nước, lợi cho nước tức là lợi cho mình, nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Người chính thấy “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm.Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì dù lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi mà có hại cho nước thì quyết không làm”(1)

Bác căn dặn đảng viên như vậy và Người cũng làm đúng như vậy. Khi nhận được quà biếu của đồng bào, Người đều gửi tặng lại các cán bộ ở gần hoặc gửi tặng thương binh. Mỗi khi đến Trung thu hay khai giảng năm học mới, Người đều có thư và quà gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng. Nhận được điện thoại của người quen gọi đến, Người đều hỏi thăm sức khoẻ rồi mới bàn công việc. Người căn dặn “tự mình phải chính trước mới giúp được người khác chính” cho nên Bác luôn gương mẫu thực hiện. Cả cuộc đời Bác là minh chứng sinh động của việc hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích nước nhà. Trả lời cho câu hỏi vì sao Bác không lập gia đình? Bác cười, mình cũng chẳng thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng với hoàn cảnh đã qua và hiện nay còn có điều kiện gì để mà nghĩ đến chuyện lập gia đình, không phải vì đạo đức mà phải chịu đạo đức đó thôi. Nhưng chưa lo được gia đình nhỏ thì ta hãy lo cho gia đình lớn đã vậy. Cả cuộc đời Bác là bài học sinh động về cần, kiệm, liêm, chính cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập.

Khi nói về tư cách của người cán bộ, đảng viên, theo Hồ Chí Minh “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật.

                       Việc gì có lợi cho dân ta hết sức làm,

                       Việc gì có hại cho dân ta hết sức tránh,

                       Chúng ta phải yêu dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(2)

Do đó, đối với cán bộ, công chức, Hồ Chí Minh khuyên “để giúp công việc Chính phủ một cách đắc lực, để nâng cao tinh thần kháng chiến, anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: cần, kiệm, liêm, chính”(3).

Trong các bài nói chuyện của Bác với nhân dân, bộ đội, thanh niên, công an hay các đảng viên, Hồ Chí Minh đều nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (10/1947) Bác nói: “Mỗi đảng viên, trước hết là mỗi cán bộ, phải thật thà tự phê bình, tự sửa chữa những khuyết điểm của mình. Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Kiên quyết chống bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa. Phải thực hành khẩu hiệu: “Chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính!”(4).

Một số giải pháp nhằm xây dựng đức “chính” cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị cho toàn bộ cán bộ đảng viên mà đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải có phương hướng, biện pháp để tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và nâng cao uy tín của mình; thường xuyên tự giác, tu dưỡng rèn luyện. Bồi dưỡng phẩm chất và năng lực, có thái độ nghiêm khắc với bản thân, đề cao tính tự chủ, tự kiềm chế, tự điều chỉnh, tự phê bình và phê bình, kết hợp lắng nghe ý kiến nhân dân để chỉnh đốn kịp thời. Góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

2. Tăng cường, củng cố và nâng cao sức chiến đấu của đảng bộ, của các chi bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên mà đặc biệt là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở phải không ngừng học tập, để nâng cao trình độ chuyên môn và trình độ lý luận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phải đổi mới phương thức tuyên truyền các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, mở các lớp tuyên truyền và đào tạo một đội ngũ tuyên truyền viên tốt. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở cần cụ thể hóa xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng, phong cách đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời phải biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm sáng tạo trong công việc theo tấm gương tư tưởng của Bác.

3. Các cấp uỷ, tổ chức đảng cơ sở tuỳ theo tình hình, điều kiện, xác định rõ những nội dung đột phá nhằm làm chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, nhất là đổi mới phong cách, tác phong, thực hành đức “Chính” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt.

4. Dựa vào quần chúng nhân dân để giám sát cán bộ, thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân về đạo đức của cán bộ, đảng viên. 

5. Mỗi cán bộ chủ chốt cấp cơ sở phải đăng ký trước tập thể về nội dung rèn luyện đức “Chính” trên cả ba phương diện: đối với mình; đối với người, với tổ chức và đối với công việc. Đồng thời, phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện. Ðây là một trong những căn cứ để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên cuối năm.

Tài liệu trích dẫn

(1)     Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.645.

(2)     Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.36.

(3)     Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.92.

(4)     Hồ Chí Minh, Toàn Tập, T5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.268.