13/05/2024 lúc 02:17 (GMT+7)
Breaking News

Vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục hiện nay

VNHNO - Có thể nói, mục tiêu giáo dục của mỗi quốc gia tùy thuộc vào quan điểm phát triển giáo dục và chế độ chính trị của quốc gia đó. Bởi vậy, mỗi quốc gia có thể lựa chọn mục tiêu phát triển giáo dục theo các định hướng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

VNHNO - Có thể nói, mục tiêu giáo dục của mỗi quốc gia tùy thuộc vào quan điểm phát triển giáo dục và chế độ chính trị của quốc gia đó. Bởi vậy, mỗi quốc gia có thể lựa chọn mục tiêu phát triển giáo dục theo các định hướng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của đất nước.

Ở Việt Nam giáo dục được coi là “quốc sách hàng đầu” là nền tảng văn hóa của đất nước và là sức mạnh tương lai của dân tộc. Nó đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, đồng thời chuẩn bị lực lượng lao động dự trữ làm nguồn lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa và tăng cường quốc phòng… Chính vì vậy, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển con người Việt Nam và là sự nghiệp của toàn xã hội…

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, hiện nay trong xu thế hội nhập giáo dục không còn là khu vực chỉ có một chủ thể đầu tư duy nhất là Nhà nước; Giáo dục cũng không còn bó hẹp trong độ tuổi đến trường, mà đã được mở rộng và diễn ra trong suốt cuộc đời con người. Nhà nước đầu tư cho giáo dục nhằm đảm bảo được sự công bằng trong giáo dục và tạo động lực, định hướng cho các chủ thể cùng tham gia phát triển giáo dục. Nhà nước khuyến khích sự tham gia của các chủ thể thông qua các hoạt động đặc thù và cho phép các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện thành lập cơ sở giáo dục, kêu gọi sự đóng góp của cộng đồng nhằm giảm chi ngân sách Nhà nước.

Sự chuyển đổi nền kinh tế đã làm thay đổi một cách căn bản quan điểm đầu tư cho giáo dục. Đầu tư cho giáo dục không chỉ có một nguồn gần như duy nhất là ngân sách Nhà nước như trước đây, mà một xã hội học tập, nhất thiết nguồn đầu tư cho giáo dục phải bao gồm tổng thể nhiều nguồn khác nhau. Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục, khuyến khích và bảo hộ các quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục. Mặc dù vậy, ngân sách Nhà nước (NSNN) vẫn giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn đầu tư cho giáo dục.

Chi NSNN cho giáo dục là khoản chi nhằm đảm bảo duy trì và phát triển các hoạt động giáo dục trong cả nước, do các Nhà trường đảm nhận. Các khoản chi cho giáo dục tập trung chủ yếu ở các trường công lập và các khoản chi thực hiện các chương trình trọng điểm của ngành giáo dục.

Nguồn vốn NSNN chiếm vị trí chủ đạo trong các nguồn vốn đầu tư cho giáo dục. Đây là nguồn chính cơ bản và ổn định nhằm duy trì và phát triển hệ thống giáo dục theo định hướng, mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra trong từng thời kỳ; Giải quyết những vấn đề thuộc chính sách xã hội, công bằng trong giáo dục - đào tạo, mà đòi hỏi Nhà nước phải thực hiện như vấn đề quyền lợi được hưởng giáo dục của mọi người dân, ưu tiên cho con em gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn…; Giải quyết những vấn đề phát triển của hệ thống giáo dục - đào tạo nói chung  và những vấn đề ở khu vực mà các thành phần kinh tế khác chưa đủ khả năng thực hiện hoặc chưa quan tâm đầu tư…

Trong điều kiện NSNN có hạn, nhu cầu chi tiêu cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng hàng năm ngày càng lớn thì việc khuyến khích huy động các nguồn ngoài NSNN cho sự nghiệp giáo dục nói chung đang trở thành vấn đề cấp thiết. Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân do dân và vì dân. Do đó, quan tâm đến giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội với định hướng phát triển giáo dục, thực hiện xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn cho giáo dục cho phép huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho phát triển giáo dục nhằm chia sẻ bớt gánh nặng đối với Nhà nước. 

Trong thực tế, ở các Nhà trường, ngoài ngân sách nhà nước cấp, còn có cả nguồn thu sự nghiệp của Nhà trường như: Các loại phí, lệ phí hiện hành theo quy định (học phí, quỹ xây dựng do người học đóng góp, các lệ phí tuyển sinh, thi cử..). Các khoản thu gắn với hoạt động của nhà trường (các khoản thu từ các hoạt động cung ứng dịch vụ gắn với hoạt động của nhà trường, khai thác cơ sở vật chất dịch vụ do nhà trường cung cấp, thu từ các hoạt động sản xuất, bán sản phẩm thực hành tại các xưởng trường, sản phẩm thí nghiệm...). Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật (tiền lãi từ tiền gửi ngân hàng từ các khoản thu sản xuất, cung ứng dịch vụ)... Ngoài những khoản thu sự nghiệp nêu trên, các Nhà trường còn được phép huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ cho hoạt động hợp pháp của nhà trường theo đúng quy định hiện hành của pháp luật…

Chính vì vậy, đầu tư nguồn lực nói chung và đặc biệt là đầu tư tài chính cho giáo dục cần có cơ chế quản lý phù hợp (đặc biệt đối với các trường công lập) để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Theo số liệu thống kê cuối năm học 2015-2016, cả nước đã có 44.961 đơn vị trường học, trong đó các trường công lập có 42.093 đơn vị trường học (12.479 cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ và mẫu giáo; 15.145 cơ sở giáo dục tiểu học; 13.209 cơ sở giáo dục trung học, 175 trường trung cấp chuyên nghiệp, 189 trường cao đẳng, 163 cơ sở giáo dục đại học và 733 cơ sở giáo dục thường xuyên) và 2.868 đơn vị trường học ngoài công lập (2.053 cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ và mẫu giáo; 109 cơ sở giáo dục tiểu học; 488 cơ sở giáo dục trung học, 128 trường trung cấp chuyên nghiệp, 30 trường cao đẳng và 60 trường đại học). 

Trong những năm qua, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục được thực hiện theo quy định tại  Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ. Và cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định trên. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 14/2/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP theo hướng quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Theo đó, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo 4 mức độ: “(i) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (ii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; (iii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); (iv) Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp)”.

Theo đó, đối với các Nhà trường công lập hoạt động quản lý tài chính được thực hiện như sau: Tùy theo đặc điểm hình thành các nguồn tài chính có thể khái quát hóa thành hai loại hoạt động quản lý tài chính, tạm gọi là hoạt động quản lý tài chính “bắt buộc” và hoạt động quản lý tài chính “tự chủ”. Hoạt động quản lý tài chính “bắt buộc” được áp dụng đối với nguồn tài chính từ NSNN và có nguồn gốc từ NSNN. Gọi là hoạt động quản lý tài chính bắt buộc vì khi thiết lập và vận hành cơ chế này đều phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc theo những quy định các văn bản pháp luật về sử dụng NSNN. Hoạt động này không đặt mạnh về quyền lựa chọn của lãnh đạo Nhà trường sử dụng nguồn lực của NSNN. Ngược lại coi trọng trách nhiệm trong công việc điều hành, sử dụng nguồn lực tài chính mà Nhà nước cấp cho Trường. Hoạt động quản lý tài chính “bắt buộc” được thể hiện trong quá trình lập dự toán thu chi dựa trên những quy định về chế độ, tiêu chuẩn định mức do Nhà nước và các chỉ tiêu các nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho trường phải đảm nhận. Nói chung hoạt động quản lý tài chính “bắt buộc” trong các Nhà trường công lập chủ yếu do Nhà nước quy định từ khâu lập, tổ chức chấp hành dự toán đến khâu quyết toán nguồn tài chính mà Nhà nước cấp cho các Nhà trường. Nhà trường chỉ có quyền vận dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh của Nhà trường đảm bảo kỷ cương, kỷ luật tài chính. 

Về phương thức quản lý tài chính được thực hiện:  

- Quản lý theo chu trình ngân sách: Là một bộ phận của ngân sách nhà nước, quản lý tài chính của các Nhà trường công lập cũng được quản lý theo ba khâu: Quản lý quá trình lập và phân bổ dự toán, quản lý quá trình chấp hành và quản lý quá trình quyết toán.

- Quản lý theo các nhóm mục chi: Quản lý các khoản chi cho con người (Quản lý các khoản chi lương, phụ cấp, tiền thưởng, các khoản đóng góp, phúc lợi xã hội...); Quản lý các khoản chi nghiệp vụ chuyên môn (Các khoản chi chủ yếu: Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, thí nghiệm; Thanh toán dịch vụ công cộng (Tiền điện, tiền nước), vật tư văn phòng, thông tin tuyên truyền, liên lạc, hội nghị, công tác phí, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, sách giáo khoa, đồ dùng học tập, thí nghiệm...); Quản lý các khoản chi mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, xây dựng nhỏ (Kinh phí để mua sắm, trang bị thêm hoặc phục hồi giá trị của tài sản cố định: Chi mua sắm, bổ sung tài sản, máy móc, chi sửa chữa máy móc, thiết bị, nhà cửa...); Quản lý các khoản chi khác: Đây là khoản chi nhằm đảm bảo cho công tác quản lý hành chính phục vụ cho hoạt động của các cơ sở giáo dục. Mức độ chi tiêu nhiều hay ít của nhóm này phụ thuộc vào quy mô của các trường, định mức và mức độ sử dụng của các đơn vị: Chi tiếp khách, chi tổ chức Đại hội Đảng, Chi lập các quỹ khen thưởng, phúc lợi, quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, chi bảo hiểm tài sản...

Nhằm đổi mới cơ chế đối với các cơ sở giáo dục đại học, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, trong đó đã thí điểm cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập khi cam kết tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện. Đến nay đã có gần 20 trường đại học (ĐH) công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phần lớn các trường tham gia thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động là các trường thuộc khối ngành kinh tế, là các ngành có khả năng xã hội hóa cao, có thể huy động đóng góp của xã hội bằng cách thu học phí cao hơn so với các trường đào tạo các khối ngành khác. 

Căn cứ chủ trương trên, các đơn vị nhà trường đã tổ chức thực hiện tương đối hiệu quả hoạt động quản lý tài chính tại Nhà trường. Đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ để tăng cường công tác quản lý trong nội bộ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp. Đã đổi mới phương thức hoạt động, từng bước huy động vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động sự nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong Nhà trường, mở rộng nguồn thu, cải thiện thu nhập cho nhà giáo và người lao động...

Tuy nhiên, do các cơ sở giáo dục công lập được giao tự chủ nhưng vẫn phải tuân thủ mức trần học phí do nhà nước quy định, trong khi mức thu học phí chưa bảo đảm bù đắp đủ chi phí hoạt động cần thiết của cơ sở giáo dục công lập, chưa sát với yêu cầu chi phí đặc thù của từng ngành, nghề đào tạo cũng như chưa gắn với yêu cầu về chất lượng và thương hiệu của từng cơ sở giáo dục công lập. Mặc dù có quy định giá dịch vụ tính đúng, tính đủ các chi phí nhưng các cơ sở giáo dục công lập vẫn phải dành 40% số thu để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương. Ngân sách nhà nước vẫn thực hiện cấp phát theo cách bình quân, dựa vào yếu tố đầu vào mà chưa gắn kết với kết quả, hiệu quả hoạt động. Kinh phí phân bổ hàng năm chủ yếu dựa vào chỉ tiêu được giao như chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu biên chế...mà chưa gắn kết với kết quả đầu ra, chưa khuyến khích các đơn vị nâng cao chất lượng đào tạo. Mặc dù mức học phí đã được nhà nước điều chỉnh theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ (nay đã được thay thế bằng Nghị định số 86/2015/NĐ-CP) nhưng chưa đáng kể và việc xác định cơ chế thu, quyết định thu đang còn là vấn đề cần bàn đối với các trường. Việc hạch toán tiền chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của Nghị định số 43 chưa được quy định rõ nên nhiều đơn vị lúng túng trong quá trình thực hiện: Có đơn vị chi trả thu nhập tăng thêm tính trực tiếp vào chi phí hoạt động, có đơn vị trả thu nhập tăng thêm sau khi xác định chênh lệch thu chi…Thậm chí, tại một số đơn vị nhà trường còn chưa xác định rõ cơ cấu nguồn thu và khả năng tự bảo đảm chi thường xuyên để làm cơ sở xác định chính xác mức hỗ trợ của NSNN…

Từ những vấn đề trên, theo chúng tôi để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính, các đơn vị trường học cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính để đổi mới từng khâu trong hoạt động quản lý tài chính nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, từng bước hoàn thiện các quy định về việc thực hiện quản lý ngân sách. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập như hiện nay, mong muốn các cấp lãnh đạo triển khai và chỉ đạo thực hiện tốt mấy vấn đề cơ bản sau: 

Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế quản lý và phương thức cung ứng dịch vụ công trong giáo dục và đào tạo bảo đảm chất lượng, thực hiện công bằng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công về giáo dục và đào tạo;.

Thứ hai, cần xây dựng giải pháp nâng cao tính cạnh tranh của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo;

Thứ ba, các cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập cần được đối xử bình đẳng như nhau trong cung cấp dịch vụ công; 

Thứ tư, cần thống nhất quan điểm về xã hội hóa giáo dục là xã hội hóa cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó người sử dụng dịch vụ phải chi trả đủ chi phí tương xứng với chất lượng dịch vụ. 

Thứ năm, Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn và đối tượng chính sách được hưởng các dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu, cơ bản...

Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính trong hoạt động giáo dục đã được Đảng, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp quan tâm thực hiện, đồng thời là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục đào tạo nước nhà. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị trường học chủ động sử dụng nguồn lực tài chính, nhân lực và cơ sở vật chất trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả; từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội; tạo điều kiện cho người dân ngày càng có nhiều cơ hội được lựa chọn, tiếp cận với các dịch vụ giáo dục có chất lượng ngày càng cao; đồng thời từng bước giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan quản lý cấp trên; tăng cường phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc… tiến tới từng bước xóa bỏ tình trạng hành chính hóa các hoạt động sự nghiệp…Thực hiện tốt những vấn đề trên sẽ phần nào góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý tài chính tại các cơ sở giáo dục trong xu thế hội nhập hiện nay./. 

Chuyên viên Đào Hoàng Trường (Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo)