26/04/2024 lúc 12:45 (GMT+7)
Breaking News

Tháo gỡ khó khăn cho việc tăng vốn ngân hàng

VNHN – Hiện nay có ngân hàng đang có tỉ lệ an toàn vốn (CAR) sát ngưỡng quy định. Nếu các ngân hàng thương mại không được tăng vốn, điều này rất ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội, do đó NHNN đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại (NHTM).

VNHN – Hiện nay có ngân hàng đang có tỉ lệ an toàn vốn (CAR) sát ngưỡng quy định. Nếu các ngân hàng thương mại không được tăng vốn, điều này rất ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội, do đó NHNN đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại (NHTM).


Ảnh minh họa

Đó là ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019, chiều 2/12. 

Hiện nay, việc mở rộng tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ chậm tăng trưởng, đặc biệt là Agribank và Vietinbank.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phân tích: Trong hoạt động ngân hàng, yêu cầu quan trọng là phải đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn. Theo đánh giá của NHNN, các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước trên 50% như Agribank đang có tỉ lệ an toàn vốn sát ngưỡng quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỉ lệ an toàn vốn.

Nếu các ngân hàng thương mại không được tăng vốn, ảnh hưởng đến việc tăng trưởng tín dụng ngân hàng. Điều này rất ảnh hưởng đến nhu cầu về vốn đầu tư trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tại Việt Nam việc phát triển của các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc cấp tín dụng của ngân hàng.

“Vì tính cấp thiết của vấn đề này, vừa qua NHNN được thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị kiến nghị giải pháp và cơ sở pháp lý để giải quyết việc này. Hiện nay, NHNN  đang tích cực thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị trong việc tháo gỡ khó khăn cho các ngân hàng thương mại”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định.

Trước đó, cũng tại một cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng; 4 ngân hàng thương mại khối Nhà nước có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh, khoảng 16% cho mỗi ngân hàng nhưng vốn điều lệ thì không được bổ sung kịp thời nên hệ số CAR bị hạn chế.

Đối với các ngân hàng thương mại thì điểm quan trọng được chú ý là CAR, được tính trên tổng số vốn điều lệ chia cho tổng số tài sản. Tỉ lệ này luôn luôn phải bảo đảm lớn hơn hoặc bằng 9%, tối thiểu phải bằng 9%, có nghĩa là tổng số vốn điều lệ phải chiếm 9% tổng số vốn tài sản có.

Được biết, trong thời gian gần đây, nhóm ngân hàng thương mại khối Nhà nước đã không ít lần đề xuất các giải pháp khác nhau để giải bài  tăng vốn điều lệ.

NHNN hồi tháng 10 cũng đã chấp thuận cho một loạt các ngân hàng tăng vốn điều lệ. Việc thời hạn áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN sắp đến có thể được xem là động lực thúc đẩy cho việc tăng vốn của các NHTM.

NHNN đã ban hành quyết định sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), NamABank, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)

Trường hợp tăng vốn thành công khi phối hợp với đối tác nước ngoài mới đây nhất là ngày 11/11, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và KEB Hana Bank chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược và công bố KEB Hana Bank là cổ đông chiến lược. nước ngoài, sở hữu 15% vốn điều lệ của BIDV. BIDV và KEB Hana Bank đã hoàn tất các thủ tục giao dịch và hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật hai nước để KEB Hana Bank chính thức trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài đầu tiên của BIDV.

Cụ thể, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng. Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, thuộc hàng cao nhất trong hệ thống NHTM của Việt Nam.