04/05/2024 lúc 06:11 (GMT+7)
Breaking News

Tỉnh Đồng Nai: Thực hiện chính sách nhân văn, nhiều người được thụ hưởng

Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc.

Việc tham gia BHYT mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may bị bệnh hay có vấn đề về sức khỏe. Bảo hiểm Y tế là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia, để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may bị bệnh, tai nạn, nhằm đảm bảo an sinh xã hội. Bảo hiểm Y tế mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa.Bảo hiểm Y tế là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi bị bệnh tật. Bảo hiểm Y tế chi trả phần lớn chi phí khám bệnh, xét nghiệm, thuốc và chăm sóc cho người có thẻ khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo đúng nơi đăng ký ghi trên thẻ. Thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế giúp người nghèo và cận nghèo bớt đi gánh nặng chi tiêu cho gia đình khi bệnh.

Nếu như năm 2008, toàn quốc mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT (đạt 46,1% dân số) thì đến năm 2023 đã có 93,6 triệu người tham gia BHYT (đạt 93,3%), gấp 2,3 lần so với năm 2008.

Theo đó, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 14-12-2009 về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới hướng tới sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay chính sách về BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng.

Về độ bao phủ BHYT, đến nay, tỷ lệ dân số có thẻ BHYT đã lên tới 93% (tương đương với khoảng 3 triệu người). Không chỉ những người có điều kiện kinh tế khá giả mới tham gia BHYT mà nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, những người yếu thế cũng được hỗ trợ tham gia BHYT bằng những chính sách hỗ trợ của trung ương và địa phương. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, mạnh thường quân cũng nhiệt tình tham gia tặng thẻ BHYT cho người nghèo, người khuyết tật…

Về công tác khám, chữa bệnh BHYT, hiện nay hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được phát triển toàn diện và rộng khắp. Toàn tỉnh có 106 bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa tư nhân tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Người dân có thể khám, chữa bệnh BHYT ngay tại trạm y tế hoặc lên các tuyến trên tùy thuộc vào mức độ bệnh. Bên cạnh đó, người dân khi tham gia BHYT chỉ phải đóng 972 ngàn đồng/người/năm. Nếu người dân tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình thì từ người thứ 2 trở đi, mức giá càng giảm. Như vậy, nếu một gia đình có 4 người thì mỗi tháng cả nhà chỉ phải đóng hơn 200 ngàn đồng là có thể được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Nhiều người dân khi bị bệnh nặng, phải nhập viện để điều trị mới thấy được ý nghĩa quan trọng của tấm thẻ BHYT.

Để sớm đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, mới đây, tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đề nghị BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ với ban tuyên giáo các cấp để tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT. Từ đó, tăng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trong toàn quốc, phấn đấu đến năm 2025 đạt 95% dân số tham gia BHYT.

Ngoài ra, ngành BHXH cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý nhằm ngăn ngừa lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, ngành BHXH đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Theo đó, những năm qua, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm và có những chỉ đạo sâu sát, kịp thời đến công tác BHYT trong tình hình mới. Ngoài các chính sách của nhà nước, tỉnh Đồng Nai có 3 nghị quyết đặc thù liên quan đến hỗ trợ thẻ BHYT.

Đó là nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định mức hỗ trợ đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết số 16/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 quy định số lượng, phụ cấp, chế độ hỗ trợ đối với công an xã bán chuyên trách trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025. Từ năm 2022 đến nay, có gần 130 ngàn người đã được hỗ trợ thẻ BHYT và sổ BHXH từ 3 nghị quyết này.

Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành BHXH và các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được quyền và lợi ích khi tham gia BHYT để tham gia. Qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh, giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không cần phải đi xa.

PV