26/04/2024 lúc 20:59 (GMT+7)
Breaking News

Tác động của kinh tế thị trường đến quan hệ gia đình ở Việt Nam hiện nay

VNHN-Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng trong cấu trúc xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội...

VNHN-Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng trong cấu trúc xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội...

1. MỞ ĐẦU

Gia đình là một thiết chế xã hội quan trọng trong cấu trúc xã hội. Sự ổn định và phát triển của gia đình có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Trong lịch sử phát triển của nhân loại, gia đình là cái nôi đầu tiên và suốt đời nuôi dưỡng, giáo dục con người; duy trì và phát triển những quan hệ tình cảm đặc biệt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, cấu trúc và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi thời kỳ.

Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nền kinh tế Việt Nam đã chuyển từ có chế tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, điều đó đã có những tác động hết sức mạnh mẽ và to lớn tới mọi lĩnh vực và phát triển kinh tế thị trường bước đầu đã tạo ra cơ sở vật chất đảm bảo cho sự ổn định đời sống gia đình và xã hội. Đồng thời, nó cũng tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của gia đình, nhất là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau. Sự biến đổi của mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam hiện nay mang tính hai mặt cùng với sự tác động hai mặt của kinh tế thị trường. Vì thế, việc nhận diện rõ sự tác động của kinh tế thị trường - cả tích cực lẫn tiêu cực - đến mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình; trên cơ sở đó, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững những giá trị tốt đẹp trong gia đình hiện nay là yêu cầu đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa thiết thực. Điều này sẽ góp phần tạo động lực cho việt xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, hay nói cách khái quát hơn - gia đình văn hóa; đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện thằng lợi mục tiêu chung của đất nước; Xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

2.1. Sự biến đổi mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ở nước ta hiện nay dưới tác động của kinh tế thị trường.

Thứ nhất, sự biến đổi mối quan hệ vợ chồng trong gia đình.

Trong gia đình truyền thống, do chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng trọng nam khinh nữ từ đạo Nho, nên vai trò, vị trí của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội nói chung, trong gia đình nói rieeng luôn bị coi thường, quan hệ giữa vợ chồng luôn thể hiện sự bất bình đẳng. Người phụ nữ trong xã hội đó luôn phải sống gò mình theo nguyên tắc tam tòng: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Người vợ không có quyền quyết định những việc lớn trong gia đình, phải tuân theo những quyết định của chồng, phục tùng chồng. Sự bất bình đẳng còn được thể hiện trong quan niệm hết sức lạc hậu, cổ hủ của xã hội cũ - “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”.

Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, mối quan hệ giữa vợ và chồng đã thay đổi theo hướng ngày càng tiến bộ. Chế độ hôn nhân một vợ một chồng đã được quy định rõ ràng trong Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu trước đây chỉ người chồng giữ vai trò chủ yếu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, là lao động chính tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình. Vì thế, trong gia đình hiện nay, nhiều vấn đề quan trọng (nhất là trong lĩnh vực kinh tế) đều được vợ chồng bàn bạc thống nhất và cùng đưa ra quyết định chung. Vợ và chồng đều là chủ thể của gia đình, cùng quản lý và chi tiêu tài chính, cùng có trách nhiệm chăm sóc và nuôi dậy con cái...

Nhiều gia đình (đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ) ở thành phố, khu đô thị hay những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đang có những thay đổi trong quan hệ vợ chồng theo hướng tích cực, từ cách đối xử, phân công lao động đến giải quyết các công việc gia đình. Sở dĩ có sự thay đổi đó, một mặt, là do khả năng độc lập về kinh tế của người vợ (họ đi làm hay kinh doanh có thu nhập cao); mặt khác, là do trình độ văn hóa, khả năng nhận thức các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của cả vợ lẫn chồng đã được nâng lên đáng kể. Cùng với quá trình mở rông sinh hoạt dân chủ ngoài xã hội, nhiều người chồng có sự thông cảm với người vợ khi mang thai, sinh nở và chăm sóc con cái. Họ tôn trọng ý kiến của vợ trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và sẵn sàng chia sẻ những công việc nội trợ gia đình vốn trước đây được xã hội mặc nhiên coi là trách nhiệm, bổn phận của người phụ nữ. Hơn nữa, có những người chồng luôn quan tâm, chú ý chăm lo đến sự tiến bộ của vợ mình trong sự nghiệp, học hành, tham dự các hoạt động xã hội cũng như nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa. Có thể khẳng định rằng, trong điều kiện xã hội hiện đại, cách đối xử bình đẳng, dân chủ, tôn trọng lẫn nhau giữa vợ chồng là yếu tố đặc biệt quan trọng để củng cố độ bền vững, giữ gìn sự êm ấm, thuận hòa trong gia đình và là nền tảng cho việc giáo dục con cái. Thực tế cho thấy, việc duy trì và phát triển mối quan hệ bình đẳng, dân chủ giữa vợ và chồng, giữa người cha và người mẹ trong gia đình có ý nghĩa rất lớn với con cái; bởi lẽ, đối với chúng, gia đình là môi trường xã hội đầu tiên. Điều đó là cơ sở ban đầu và hết sức quan trọng tạo cho con trẻ những quan niệm đúng đắn về việc tôn trọng quyền con người, sự bình đẳng giữa các thành viên.

Tựu trung lại, có thể nói, mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng là nền tảng cho mọi mối quan hệ tốt đẹp khác của gia đình. Bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương đùm bọc, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển... không những là nét đẹp, mà còn là giá trị trong đời sống gia đình Việt Nam hiện nay. Tính dân chủ và mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng được duy trì và ngày càng phát triển đã tạo nên sự bền vững của gia đình, góp phần giải phòng người phụ nữ; phát huy vai trò tích cực của người phụ nữ. Và, với tình chất là tế bào của xã hội, đến lượt mình, sự ổn định và bền vững của gia đình lại là điều kiện cho sự ổn định và phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, bên cạnh những mặt tiến bộ nêu trên, do ảnh hưởng tàn dư của hệ tư tưởng phong kiến cũng như những mặt trái, tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong gia đình. Đặc biệt, ở nông thôn, nam giới thường nắm quyền quyết định mọi công việc quan trọng của gia đình, từ việc sản xuất, quản lý tài sản đến việc chi tiêu, định hướng học tập, chọn nghề con cái...

Trước áp lực của nền kinh tế thị trường, nhiều gia đình chỉ tập trung quan tâm phát triền kinh tế, lo “kiếm tiền”, nên sự quan tâm, thời gian gần gũi giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít hơn, khiến cho các quan hệ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái dường như bị lỏng lẻo, “bếp lửa” gia đình càng trở nên nguội lạnh, thâm chí nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng “băng giá”, “tro tàn”, đôi khi trở thành gánh nặng tâm lý cho các thành viên trong gia đình mỗi khi bước chân về nhà. Nhiều căn bệnh tâm lý xã hội nảy sinh từ gia đình (stress, tự tử...). Cá biệt có hiện tượng biến gia đình thành địa ngục trần gian, nơi hành hạ thể xã và tinh thần của mỗi thành viên, nơi để trả thù nhau giữa vợ và chồng (bạo lực gia đình).

Thực tế cho thấy, trong nền kinh tế thị trường các cặp vợ chồng cũng ít có điều kiện để chăm sóc lẫn nhau, nhiều cặp vợ chồng phải sống xa nhau liên tục. Từ đó, dẫn đến hiện tượng ngoại tình diễn ra ngày càng phổ biến (ngoại tình với đồng nghiệp, hàng xóm, thậm chí với cả người giúp việc cho gia đình...). Ngoại tình (do vợ hoặc chồng) được xem là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc sống gia đình rạn nứt, mâu thuẫn và xung đột, dẫn đến bạo lực gia đình, thâm chí tan vỡ. Trong những năm gần đây, hiện tượng vợ chồng thờ ơ, thiếu quan tâm, không tôn trọng lẫn nhau, ngoại tình, bạo lực gia đình, những sai lệch chuẩn mực, vi phạm quy tắc ứng xử trong quan hệ vợ chồng... Ở nước ta đang có chiều hướng tăng lên, đặc biệt ở những gia đình chỉ chú trọng vào các hoạt động kinh tế. Điều này làm cho xu hướng ly hôn ngày càng gia tăng. Kết quả khảo sát của một công trình nghiên cứu cho thấy, trung bình cứ ba cặp kết hôn thì sẽ có một cặp chia tay. Kết quả này cũng phản ánh rõ nét qua thực tiễn xét xử án ly hôn và độ tuổi xin ly hôn ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê năm 2014, số lượng án ly hôn tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là khoảng 19.000 vụ, trong đó tỷ lệ ly hôn của các đôi vợ chồng trẻ (độ tuổi 20-30) chiếm hơn 60%. Năm 2000 cả nước có hơn 50.000 vụ ly hôn đến năm 2015 đã tăng lên hơn 90.000 vụ ly hôn. Như vậy, sau gần 15 năm, số vụ ly hôn trong cả nước đã tăng lên gần gấp đôi.

Thứ hai, sự biến đổi mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ đặc biệt thiêng liêng, thể hiện trách nhiệm, lòng yêu thương, đức hy sinh... của cha mẹ đối với con cái. Mối quan hệ này luôn được coi trọng trong bất cứ xã hội nào, thời đại nào.

Trong xã hội phong kiến, mối quan hệ này có nhiều biểu hiện: Con cái hiếu kính cha mẹ (cha mẹ đặt đâu con ngồi đó), cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo... Ngày này, quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình, một mặt, vẫn giữ được những giá trị truyền thống; mặt khác, cũng đã có nhiều sự biến đổi. Kết quả của các công trình nghiên cứu cho thấy, có sự biến đổi lớn theo xu hướng tiến bộ, dân chủ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong gia đình; con cái luôn luôn yêu quý và kính trọng cha mẹ; song, con cái cũng có sự độc lập nhất định, luôn có ý kiến riêng của mình và bố mẹ vừa thương yêu, quan tâm giúp đỡ con cái vừa tôn trọng sự độc lập của con cái trong cả vấn đề hôn nhân và định hướng nghiệp. Chẳng hạn, một kết quả điều tra xã hội học cho thấy, trong định hướng hôn nhân, những người cho rằng ông bà, cha mẹ quyết định tất cả chiếm tỷ lệ nhỏ - chỉ có 2,4% cho con trai và 2% cho con gái; tỷ lệ những người cho rằng con cháu hoàn toàn tự do lựa chọn cũng không thực sự cao, chỉ có 16% cho con trai và 15,5% cho con gái. Phương án được lựa chọn cao nhất là con cái tự lựa chọn, còn ông bà và bố mẹ cho ý kiến tham khảo: 65,1% đối với con trai và 60,9% đối với con gái.

Rõ ràng quan hệ phụ thuộc một chiều trên dưới giữa cha mẹ và con cái trong gia đình truyền thống không còn phù hợp nhưng cũng không vì thế mà con cái không coi trọng ý kiến của cha me. Sự dân chủ và bình đẳng giữa cha mẹ và con cái, sự không phân biệt con trai hay con gái là những nét mới trong gia đình Việt Nam. Đó là những mặt tích cực, tiến bộ trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Tuy nhiên, cơ chế thị trường với quy luật cạnh tranh khốc liệt cũng khiến nhiều gia đình bị cuốn theo những hoạt động kinh tế thuần túy; do đó, vẫn còn tình trạng cha mẹ thiếu quan tâm, thâm chí vô trách nhiệm đối với việc dạy dỗ con cái. Nhiều gia đình công nhân viên chức, ngoài thời gian làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, họ phải lo làm thêm để tăng thu nhập..., nên thời gian cha mẹ dành cho con cái rất ít, hiếm có điều kiện gần gũi và quan tâm lẫn nhau

Mọi sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn…Theo kết quả nghiên cứu, một tỉ lệ không nhỏ những bậc cha mẹ không có đủ thời gian để chăm sóc con cái, ngay cả chăm sóc ăn uống, sinh hoạt (3,6%); bảo ban, phê bình các con (7,1%) hoặc dạy văn hóa (12,9%). Không ít người không bao giờ dạy dỗ con cái học tập (16,2%). Hơn nữa, có những gia đình hiểu một cách lệch lạc về “sự quan tâm đến con cái”, đơn thuần chỉ là thỏa mãn những đường đòi hỏi của con cái, cung cấp đầy đủ về vật chất, phó thác việc giáo dục con cái cho nhà trường và xã hội.

Trong nền kinh tế thị trường, để có cơ hội vươn lên làm giàu, phần lớn các gia đình Việt Nam ở thành thị lần nông thôn đều lựa chọn cho mô hình gia đình sinh ít con (có 1 đến 2 con). Vì thế, xu hướng chung của các gia đình này là tập trung mọi tình cảm, vật chất cho con. Một hệ quả tất yếu đã xảy ra – không ít trẻ vị thành niên trở nên ích kỷ một cách lạ thường; không biết đến ai ngoài bản thân mình, đòi hỏi ở bố mẹ những cái vượt quá điều kiện gia đình. Số trẻ ấy nếu không được quan tâm uốn nắn, dạy dỗ sẽ trở lên thiếu bản lĩnh khi bước vào cuộc sống, hình thành thói chây lười, ỷ lại, dựa dẫm và dễ phản kháng khi nhu cầu của chúng không được đáp ứng. Trên thực tế đã không ít gia đình mâu thuẫn, xung đột, thậm chí tan vỡ chỉ bởi sự nuông chiều con cái không đúng mà bản thân họ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. Hay một bộ phận gia đình khác lại tỏ ra cực đoan khi quản thúc con cái quá khắt khe, cách ly chúng khỏi môi trường xã hội, khi con mắc sai sót, lỗi lầm thì chửi mắng, đánh đập không thương tiếc… khiến chúng hoặc luôn tỏ ra sợ hãi, nhút nhát, hoặc lì lợm, ương bướng… Những cách ứng xử, dạy dỗ theo kiểu phản khoa học như vậy sẽ biến con trẻ - vốn hiếu động, ưa khám phá môi trường xung quanh thành những đứa trẻ thụ động, óc sáng tạo sớm bị thui chột…

Có những bậc cha mẹ kiếm tiền bằng nhiều cách, kể cả bằng con đường làm ăn phi pháp đã vô tình trở thành những tấm gương xấu cho con cái. Từ đó, con cái không còn tôn trọng bố mẹ, nhiều đứa trẻ đã tỏ ra chán nản, thất vọng, bỏ học,… Chính những môi trường như vậy đã xô đẩy nhiều đứa trẻ ra khỏi gia đình, bỏ nhà đi lang thang, trở thành “Bụi đời” , sa vào các tệ nạ xã hội và thậm chí, phạm tội và mắc vào vòng lao lý. Gần đây, hiện tượng con cái vô lễ, bạc đãi với bố mẹ, coi thường đạo nghĩa an hem, trẻ em hư hỏng, bỏ học, bỏ nhà, phạm pháp, có những hành vi côn đồ… Có xu hướng gia tang. Mỗi năm, ở nước ta xảy ra trên 10 nghìn vụ vi phạm pháp luật với khoảng 12 nghìn trẻ em tham gia. Riêng năm 2014, có 18138 người chưa thành niên có hành vi trái pháp luật, trong số đó có những em phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, như giết người, cướp của, hiếp dâm và bị khởi tố hình sự chiếm 29,33%. Số trẻ em bỏ nhà đi lang thang, kiếm sống nơi đường phố trong năm 2015 đã lên tới 22900 em. Nguyên nhân của tình trạng trên đã được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm nghiên cứu và đưa ra nhiều kết luận cần được suy ngẫm một cách nghiêm túc từ phía giáo dục gia đình. Thực tế cho thấy, thiếu sự giáo dục của gia đình hoặc được giáo dục trong một môi trường văn hóa gia đình thiếu lành mạnh sẽ là một trở ngại, khó khăn để giáo dục – đào tạo trẻ em thành một con người phát triển bình thường và hữu ích cho gia đình, xã hội.

Thứ ba, sự biến đổi mối quan hệ giữa anh chị em trong gia đình.

Giữa anh chị em ruột có một tình cảm gắn bó tự nhiên xuất phát từ quan hệ huyết thống, cùng cha mẹ, cùng một mái ấm gia đình, cùng chia nhau niềm vui, nỗi buồn. Cùng chung dòng máu lên anh chị em ruột phải có bổn phận thương yêu, đùm bọc, chăm sóc giúp đỡ nhau. Chính sự gắn bó, trách nhiệm và tình thương yêu đùm bọc đã gắn kết anh chị em trong gia đình thành một khối.

Trong quan hệ truyền thống giữa anh chị em ruột,”sự hòa thuận” luôn được coi như một trong những chuẩn mực hàng đầu, đó không chỉ là nhu cầu nội tại của quan hệ an hem, mà còn là ước nguyện, mong muốn của cha mẹ, họ hàng. Vì thế, dư luận xã hội luôn biểu dương sự hòa thuận anh em được thể hiện trong những câu ca dao:”Anh em như thể tay chân / Như da với thịt, như cây với cành”, hoặc “Khôn ngoan đối đáp người ngoài / Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau:. Ngày nay, dưới tác động của kinh tế thị trường mối quan hệ an hem ruột trong gia đình vẫn duy trì những nét đẹp của nền nếp gia phong “em kính, anh nhường”, yêu thương, đùm bọc, bảo ban nhau. Nhiều gia đình khi cha mẹ không còn thì anh chị đã thay cha mẹ chăm lo, dạy dỗ em thành người. Đây là những tình cảm thật đáng quý, đáng trân trọng và giữ gìn trong xã hội đầy biến động như hiện nay.

Tuy nhiên, hiện có rất nhiều gia đình trong đó anh chị em bất hòa, cãi vã, kiện tụng, chém giết lẫn nhau để tranh giành của cải, tài sản thừa kế do bố mẹ để lại. Người xưa thường nói. Người ta cắt dây bầu dây bí, không ai cắt tình chị em. Nhưng khi bị đồng tiền chi phối, giá trị vật chất lấn át giá trị tinh thần và tình cảm thì nhiều đã đánh mất cả nhân tính, đã xâm hại cả những giá trị đạo đức cốt lõi của con người – giá trị đạo đức trong gia đình. Hiện tượng mâu thuẫn trong quan hệ giữa anh chị em trong gia đình đang diễn ra ở nhiều nơi, đang gây ra những tổn thất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cá nhân và sự phát triển của xã hội.

Thứ tư, sự biến đổi quan hệ giữa ông bà và con cháu.

Ở nước ta, trong điều kiện xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường, gia đình hạt nhân chiếm ưu thế, nhưng gia đình mở rộng vẫn chiếm một tỉ lệ đáng kể. Do những hoàn cảnh hết sức khác nhau, người cao tuổi thường sống chung với con cháu. Với sự thoải mái về tinh thần và đầy đủ vật chất mà việc nhiều thế hệ sống hòa thuận trong một gia đình đã trở thành hạnh phúc đối với người cao tuổi.

Việc sống chung cùng con cháu đã phản ảnh mối quan hệ khăng khít giữa các thế hệ trong cùng một gia đình, đặc biệt người cao tuổi nhận được sự giúp đỡ mọi mặt từ con cháu. Nếu còn sức khỏe thì họ có thể giúp đỡ con cháu nhiều công việc hữu ích, bớt phần khó khăn cho gia đình. Mối quan hệ trực tiếp và thường xuyên giữa các thế hệ đã làm cho người cao tuổi thêm sự tự tin và củng cố tình cảm gia đình. Theo một số khảo sát, người già có vai trò quan trọng trong đời sống gia đình. Họ thực sự góp phần tích cực vào việc hỗ trợ con cái trong công việc gia đình và chăm sóc, dạy bảo các cháu nhỏ, xây dựng nhân cách cho thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng đã xuất hiện không ít trường hợp giữa người cao tuổi và con cháu có những xích mích, thậm chí xung đột. Đây là biểu hiện của sự xung đột thế hệ (đã được nghiên cứu dưới góc độ xã hội học). Bởi vì, giữa ông bà và con cháu có nhứng quan điểm riêng về thế hệ của mình. Sự khác biệt về kinh nghiệm, nhu cầu và sở thích trong cuộc sống dẫn đến xung đột giữa các thế hệ. Trong nhiều gia đình, con cháu có biểu hiện ít hoặc không nghe lời ông bà khuyên bảo, cư xử thật khéo léo, hoặc do mải mê kiếm tiền mà lãng quên trách nhiệm, thiếu sự quan tâm, chăm sóc, thiếu tâm tình cởi mở với ông bà. Một số gia đình do nhiều lý do khác nhau đã gửi ông bà vào trại dưỡng lão làm cho người già cảm thấy buồn tủi, cô đơn. Điều này cho thấy, kinh tế thị trường càng phát triển, đời sống càng được nâng cao thì việc giáo dục lòng hiếu thảo cho con cháu càng trở lên cần thiết. Chỉ có sự tôn trọng sự hiếu đễ thì chúng ta mới củng cố được sự vững chắc các mối quan hệ gia đình. Và, chính sự ổn định của gia đình sẽ là cơ sở để hình thành các chuẩn mực mới trong quan hệ giữa con người với con người, xây dựng một xã hội tiến bộ, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhìn chung, những giá trị đạo đức truyền thống trong các mỗi quan hệ gia đình Việt Nam, như sự gương mẫu của cha mẹ đối với con cái, thái độ kính trên nhường dưới, kính già yêu trẻ, con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, lòng chung thủy và tình nghĩa vợ chồng đã vẫn đang tiếp tục được cả gia đình lẫn cộng đồng và xã hội tôn trọng, bảo tồn và vun đắp. Các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình được xây dựng trên cơ sở bình đẳng, tiến bộ, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau. Song chúng ta cũng nhận thấy một số khuynh hướng khác đáng lo ngại, thậm chí ở mức độ lao động, đó là mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hiện nay khá lỏng lẻo, nhiều gia đình bị đồng tiền chi phối, chà đạp lên đạo lý thông thường, sống vụ lợi, không quan tâm đến các giá trị đạo đức của gia đình truyền thống. Đứng trước hiện trạng đó, nhiều người cho rằng gia đình Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng, bế tắc, thậm chí là đang tan vỡ. Tất nhiên, đó là cách nhìn bi quan, nhưng rõ ràng những tiêu cực trong gia đình là hiện tượng đang diễn ra hàng ngày và đang có chiều hướng gia tang, mặc dù cho đến nay vẫn chưa phải là hiện tượng phổ biến.

2.2 Củng cố và phát triển các mối quan hệ gia đình trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường đã có sự tác động mạnh mẽ đến gia đình Việt Nam, trong đó có mối quan hệ gia đình. Về cơ bản, các mối quan hệ này vẫn bảo tồn và phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp; đồng thời, gia đình Việt Nam cũng tiếp thu nhiều tinh hoa của gia đình hiện đại, như tôn trọng tự do cá nhân, dân chủ, bình đẳng trong các quan hệ… Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến các mối quan hệ trong gia đình nói riêng và giá trị đạo đức nói chung.

Trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với hệ mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, với tư cách Đảng cầm quyền và lãnh đạo xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; thực hiện tốt bình đẳng giới, sự tiến bộ của phụ nữ; chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền trẻ em. Để xây dựng gia đình bền vững, tạo cơ sở cho sự ổn định và phát triển của xã hội, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm phát huy tác động tích cực, hạn chế tác động tiêu cực của nó đến các mối quan hệ gia đình ở Việt Nam hiện này.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục chuẩn mực đạo đức gia đình mới phù hợp với truyền thống và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ba là, kế thừa và đổi mới giáo dục đạo đức gia đình truyền thống đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và mọi công dân, mọi thành viên gia đình thấm nhuần sâu sắc và thực hiện đúng đắn, hiệu quả chiến lược xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam hiện đại.

3. KẾT LUẬN

Dưới những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực của nền kinh tế thị trường, các quan hệ gia đình ở nước ta hiện nay đã có những biến đổi mạnh mẽ, nhanh chóng. Đứng trước tình hình đó, chúng ta cần phải có sự nhìn nhận nghiêm túc để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhằm hạn chế những mặt tiêu cực, phát huy những mặt tích cực của kinh tế thị trường đối với các mối quan hệ gia đình, giữ gìn và phát triển những giá trị tốt đẹp làm nền tảng cho sự bền vững của gia đình cũng như của xã hội. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề này, Văn kiện Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam nêu rõ: “... Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp và xây dựng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đảng Cộng sản Việt Nam (2006) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ x, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 103-104.

Đặng Cảnh Khanh - Lê Thị Quý. Gia đình học. Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2009, tr. 282

Nguyễn Hữu Minh - Trần Thị Vân Anh. Nghiên cứu gia đình và giới thời kỳ đổi mới. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 2009, tr. 488

Thời sự VTV, Đài Truyền hình Việt Nam.